Xu hướng hội tụ giữa kế toán tài chính với kế toán quản trị và giải pháp cho Việt Nam

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 10/2019

Quá trình hội tụ kế toán quốc tế ngày càng được các tổ chức quốc tế về kế toán cũng như các quốc gia quan tâm đẩy mạnh. Nhiều quốc gia đã chủ động và tích cực tham gia hoạt động kế toán bằng việc áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IAS/IFRS).

Nhiều quốc gia đã chủ động và tích cực tham gia hoạt động kế toán.
Nhiều quốc gia đã chủ động và tích cực tham gia hoạt động kế toán.

Một quốc gia đang phát triển như Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng này, tuy nhiên, viễn cảnh kế toán quốc tế từ chuẩn mực đến thực tiễn là một quá trình đầy thử thách. Xem xét các nghiên cứu về sự hội tụ giữa kế toán tài chính và kế toán quản trị khi vận dụng IAS/IFRS ở các nước, bài viết gợi ý một số vấn đề giúp đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi sang IAS/IFRS tại Việt Nam.

Hội tụ kế toán quốc tế ngày càng nhận được sự quan tâm của các tổ chức quốc tế và là xu thế tất yếu khách quan trong tiến trình hội nhập. Nhiều quốc gia đã chủ động tham gia tiến trình bằng việc xây dựng lộ trình áp dụng IAS/IFRS. Tuy nhiên, viễn cảnh hội tụ kế toán quốc tế từ chuẩn mực đến thực tiễn là cả một quá trình đầy thử thách, bởi vận dụng chuẩn mực của các quốc gia và từng khu vực theo những phương pháp tiếp cận khác nhau. Trước tình hình đó, một quốc gia đang phát triển như Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng này và cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm các nước để đưa ra định hướng chuyển đổi, áp dụng phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Tổng quan về tiến trình hội tụ kế toán

Hội tụ kế toán quốc tế về cơ bản tiến triển qua các thời kỳ. Giai đoạn đầu của hòa hợp kế toán quốc tế là từ 1973 – 1989, khi Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế (IASC) được thành lập. Hòa hợp ở giai đoạn này chủ yếu là thu hẹp sự khác biệt kế toán các quốc gia bằng việc áp dụng chuẩn mực kế toán, cho phép nhiều sự lựa chọn nhằm thích nghi kế toán ở các quốc gia. Tuy nhiên, thực tế áp dụng cho thấy, chuẩn mực này vẫn chưa đáp ứng được thông tin trên báo cáo tài chính (BCTC) cho người sử dụng. Trước sức ép của người sử dụng thông tin trên BCTC, cũng như tìm kiếm sự ủng hộ của các quốc gia, các tổ chức trên thế giới, giai đoạn 1989 – 1993, IASC đã được cải thiện đáng kể bằng việc giảm dần sự lựa chọn các phương pháp, nguyên tắc trong chuẩn mực kế toán.

Giai đoạn 1993 - 2001, IASC tiếp tục tái cấu trúc và hình thành Hội đồng Chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) nhằm phát triển hệ thống chuẩn mực BCTC quốc tế, hình thành kỷ nguyên mới hướng tới hội tụ kế toán toàn cầu. Từ đó đến nay, quá trình hội tụ kế toán quốc tế ngày càng được các tổ chức quốc tế về kế toán cũng như các quốc gia trên thế giới quan tâm đẩy mạnh. Thống kê năm 2005 cho thấy, hệ thống IAS/IFRS đã được phổ rộng và áp dụng tại 65 quốc gia ở châu Âu, Úc, Nam Phi, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á... Một điều tra của Công ty Kiểm toán Deloitte thực hiện trong năm 2010 trên 173 quốc gia cho thấy, 123/173 quốc gia đã có quy định bắt buộc và yêu cầu áp dụng IAS/IFRS. Như vậy, so với giai đoạn trước, số lượng các quốc gia áp dụng IAS/IFRS đã gia tăng đáng kể.

Nghiên cứu quốc tế về hội tụ giữa kế toán tài chính và kế toán quản trị

Tại Vương quốc Anh, xu hướng hội tụ giữa hệ thống kế toán tài chính và kế toán quản trị bắt đầu định hình rõ ràng từ những năm 1990 do Joseph và cộng sự (1996) thực hiện tại các công ty ở Vương quốc này. Đến năm 2007, quá trình hội tụ giữa 2 hệ thống kế toán tài chính và kế toán quản trị được nghiên cứu kỹ hơn trong khảo sát Weibenberger và Angelkort (2007) tại 159 công ty lớn ở Áo. Kết quả khảo sát cho thấy, quá trình hội tụ không diễn ra hoàn toàn, nhưng trong đó ghi nhận phản hồi của 51 công ty về mối liên quan mật thiết giữa sự hội tụ này với câu trúc của công ty. Họ kết luận rằng, sự hội tự giữa 2 hệ thống kế toán này sẽ diễn ra sâu sắc trong những năm sau đó ở những doanh nghiệp (DN) áp dụng IFRS.

Tại Ba Lan, Kabalski (2012) thực hiện một cuộc khảo sát với bảng khảo sát với 13 công ty đa quốc gia. Kết quả cho thấy, 77% có xu hướng đồng bộ hoá giữa 2 hệ thống kế toán tài chính và kế toán quản trị; 62% các chuyên viên kế toán tài chính cùng làm kế toán quản trị. Tuy nhiên, cuộc kháo sát này được đánh giá trong phạm vi hẹp nên tác giả tiếp tục nghiên cứu sâu hơn vào năm 2017. Cuộc khảo sát này được Kabalski lấy mẫu trên 1.300 công ty với dữ liệu từ Cục Thuế. Sau khi làm sạch mẫu, Kabalski gửi thư trực tiếp cho các nhà quản lý với những câu khảo sát phù hợp với từng vị trí như: Ban quản trị, nhân viên kế toán tài chính, chuyên viên phân tích, nhân viên kế toán quản trị…

Lĩnh vực đầu tiên mà Kabalski tập trung nghiên cứu là bộ phận kế hoạch và dự toán ngân sách. Kết quả là, 55% cho các kế hoạch ngắn hạn, 50% cho các kế hoạch trung hạn, trong đó đã phản hồi về sự hội tụ giữa 2 hệ thống kế toán tài chính và kế toán quản trị. Theo đó, có trên 70% phản hồi sự gắn kết mật thiết giữa 2 hệ thống kế toán. Phản hồi không cần điều chỉnh báo cáo khi kết hợp 2 hệ thống kế toán tài chính và kế toán quản trị chiếm khoảng 45%. Nghiên cứu của Kabalski còn đưa ra kết luận thú vị, đó là các công ty này sử dụng cùng một hệ thống quản lý công nghệ thông tin. Kabalski cho rằng, công nghệ thông tin đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc kết nối 2 hệ thống kế toán tài chính và kế toán quản trị với nhau (Kabalski, 2017).

Tại Hy Lạp, Ballas (1994) tiến hành nghiên cứu hệ thống kế toán hướng đến lợi ích tối thiểu hoá thuế phải nộp và các bên liên quan. Qua đó cho thấy, hệ thống kế toán cho ra các báo cáo không đồng nhất với mục tiêu hướng đến lợi ích của nhóm lợi ích độc lập như cổ đông. Ngoài các mục tiêu về lập kế hoạch và dự toán ngân sách, các thông tin trên báo cáo kế toán chỉ để đáp ứng yêu cầu luật thuế hiện hành.

Một nghiên cứu khác do Brad và Munteanu (2012) thực hiện dựa trên 3 mục tiêu chính gồm: (1) IFRS được áp dụng tác động như thế nào đến hệ thống kế toán quản trị, kỹ thuật và cách thực hiện tạo sự khác biệt nào trong việc lập báo cáo nội bộ; (2) Việc áp dụng IFRS tác động thế nào đến việc ra quyết định; (3) IFRS ảnh hưởng như thế nào lên hệ thống kế toán nội bộ và kế toán hướng đến mục tiêu bên ngoài DN.

Nghiên cứu được lấy mẫu trên dữ liệu của sàn chứng khoán Athens năm 2005 với các công ty đã chuyển giao sang áp dụng IFRS với 80 công ty sản xuất lớn và 70 công ty thương mại. Các bảng khảo sát thiết kế trên thang đo 5 cấp độ được gửi tới các Tổng giám đốc điều hành để đo lường tác động của IFRS trên sự thay đổi trong hệ thống kế toán quản trị. Các Tổng giám đốc điều hành cho rằng, chuẩn mực IAS 37 về các khoản dự phòng, tài sản và nợ tiềm tàng, IAS 17 về thuê tài sản, IAS 16 về tài sản cố định hữu hình, IFRS 3 về hợp nhất kinh doanh có ảnh hưởng sâu sắc trong việc chuẩn bị thông tin phục vụ mục tiêu quản trị. IFRS tác động khá lớn tới việc ra quyết định thông qua các thông tin quản trị hữu dụng được cung cấp. Brad và Munteanu (2012) nhận định, các công ty có quy mô càng lớn (trên 500 nhân viên) thì mức độ hội tụ của kế toán quản trị và kế toán tài chính lại càng diễn ra sâu sắc.

Tại Brazil, Dani và Beuren (2014) xác minh mức độ hội tụ giữa hệ thống kế toán tài chính và kế toán quản trị do kết quả của quá trình vận dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế và hiệu quả của kiểm soát của 32 công ty ở Brazil. Phân tích kết quả cho thấy, số người tham gia trả lời câu hỏi là những chuyên gia kiểm soát chiếm tới 63%. Những chuyên gia này có thể đóng góp tối ưu cho việc điều tra các câu hỏi nghiên cứu, vì quan điểm chung của họ về tổ chức, về những thay đổi mà công ty phải chịu và vì sự hiểu biết tương đối của họ về hệ thống kế toán tài chính và kế toán quản trị. Dani và Beuren (2014) điều tra trên 3 biến: (1) Tính nhất quán của ngôn ngữ tài chính; (2) Chất lượng của dịch vụ kiểm soát; (3) Mức độ ảnh hưởng của kiểm soát trong việc ra quyết định, để thể hiện mức độ hội tụ của kế toán tài chính và kế toán quản trị khi vận dụng IFRS. Kết quả cho thấy, IFRS đã nâng cao mức độ hội tụ giữa các hệ thống kế toán tài chính và kế toán quản trị thông qua 3 chỉ tiêu trên.

Ngoài ra, nghiên cứu của Dani và Beuren (2014) cũng cho thấy, thông tin của kế toán tài chính tuân thủ theo IFRS sẽ phù hợp và chặt chẽ hơn cho nhà quản lý sử dụng trong việc ra quyết định, tạo sự thống nhất giữa thông tin của 2 hệ thống kế toán, đó là kế toán tài chính phục vụ cho đối tượng bên ngoài và kế toán quản trị phục vụ cho đối tượng bên trong DN.

Thống kê năm 2005, hệ thống Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế đã được phổ rộng và áp dụng tại 65 quốc gia ở châu Âu, Úc, Nam Phi, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á... Một điều tra của Công ty Kiểm toán Deloitte thực hiện trong năm 2010 tại 173 quốc gia cho thấy, 123/173 quốc gia đã có quy định bắt buộc và yêu cầu áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế.

Tại Cộng hòa Czech, nghiên cứu của Procházka và Ilinitch (2011) cho rằng, BCTC theo kiểu truyền thống bị ảnh hưởng nặng nề bởi luật thuế trong nước, điều này làm suy giảm tính hữu ích của BCTC trong việc ra quyết định của người sử dụng bên ngoài DN. Do đó, việc song song cùng tồn tại của 2 phần hành kế toán quản trị và kế toán tài chính là điều khó có thể tránh khỏi. “Việc áp dụng IFRS vào hệ thống kế toán của Czech đã mang lại chất lượng mới cho BCTC, giúp nhà quản lý có thể yên tâm sử dụng thông tin của kế toán tài chính để phục vụ cho việc ra quyết định cho công ty mà không sợ bị ảnh hưởng bởi luật thuế địa phương”, Procházka và Ilinitch (2011) nhận định.

Tại Hoa Kỳ, Brazel và Dang (2008) cho hay, hệ thống thông tin là một yếu tố quan trọng để liên kết kế toán quản trị và kế toán tài chính. Theo Brazel và Dang, hệ thống thông tin giảm thời gian cần thiết để xử lý giao dịch và tích hợp thông tin tài chính. Ngoài ra, hệ thống thông tin còn cải thiện chất lượng kế toán, kích thích sự quan tâm của các nhà quản lý. Taipaleenmäki và Ikäheimo (2013) cho rằng, việc áp dụng hệ thống thông tin kế toán cho phép thông tin kế toán trở nên linh hoạt và đầy đủ hơn, tạo thuận tiện cho việc thực hiện kế toán tài chính, kế toán quản trị và liên kết giữa 2 hệ thống kế toán trong các DN. Cụ thể, hệ thống thông tin thâm nhập vào các hoạt động kinh doanh, do đó ảnh hưởng đến cách thức các công ty thực hiện kế toán tài chính kế toán hoạt động. Theo Taipaleenmäki và Ikäheimo, hệ thống thông tin cho phép cải thiện tính chính xác của thông tin kế toán bằng cách giảm hoặc loại bỏ lỗi của con người trong tính toán. Vì vậy, những lợi ích từ hệ thống thông tin trong kế toán trở thành một yếu tố quyết định trong việc liên kết kế toán tài chính và kế toán quản trị.

Ở một nghiên cứu khác, Llewellyn (2003) cũng cho rằng, hệ thống thông tin cải thiện chất lượng của các báo cáo kế toán quản trị và BCTC của công ty, vì vậy đã tăng mối liên kết chặt chẽ giữa kế toán tài chính và kế toán quản trị; cải thiện tốc độ và tính chính xác trong quá trình xử lý thông tin kế toán, giảm thiểu tính toán của con người, góp phần nâng cao chất lượng liên kết giữa kế toán tài chính và kế toán quản trị trong các công ty.

Dechow và Mouritsen (2005) nhận định: Thông qua chức năng tự động của hệ thống thông tin, thông tin kế toán có thể được khai thác tốt nhất và áp dụng đa dạng. Dựa trên mối quan hệ với thông tin kế toán, liên kết giữa kế toán tài chính và quản lý kế toán có thể được tăng cường. Nhìn chung, hệ thống thông tin là điều kiện tiên quyết và thiết yếu để thúc đẩy mối quan hệ giữa kế toán tài chính và kế toán quản trị, cho phép các nhà quản lý và đầu tư ra quyết định chính xác và kịp thời (Francis, 2013).

Một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam

Cả 2 loại hình kế toán (kế toán tài chính và kế toán quản trị) đều có mối quan hệ chặt chẽ với thông tin kế toán. Tất cả đều phản ánh kết quả hoạt động của DN, đều quan tâm đến doanh thu, chi phí và sự vận động của tài sản, tiền vốn. Khi thực hiện nghiệp vụ kế toán tài chính phải dựa trên hệ thống ghi chép ban đầu, đây là cơ sở để soạn thảo các BCTC định kỳ, cung cấp cho các đối tượng ở bên ngoài. Với kế toán quản trị, hệ thống thông tin cũng là cơ sở để vận dụng, xử lý nhằm tạo ra các thông tin thích hợp cho việc ra quyết định của các nhà điều hành DN. Chính vì vậy, việc áp dụng IFRS và hệ thống thông tin có tác động rất lớn đến sự hội tụ giữa kế toán quản trị và kế toán tài chính ở Việt Nam.

Ở Việt Nam, đã có nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của IFRS và hệ thống thông tin đến sự liên kết kế toán quản trị với kế toán tài chính, trong đó có thể đề cập tới như nghiên cứu của Nguyễn Thị Thanh Phương (2017). Dựa trên các vai trò: Người hỗ trợ; chất xúc tác; động lực, yếu tố hỗ trợ liên kết MA và FA; giảm chi phí liên kết; cải thiện chất lượng liên kết nâng cao vai trò của kế toán viên; kiểm soát mối liên kết giữa kế toán quản trị và kế toán tài chính. Nguyễn Thị Thanh Phương đã khảo sát việc áp dụng hệ thống thông tin vào kế toán ở 196 DN Việt Nam. Kết quả cho thấy, các DN đã nhận thức được vai trò quan trọng của hệ thống thông tin trong hoạt động kế toán DN, nhất là việc cần thiết phải liên kết, hội tụ giữa kế toán tài chính với kế toán quản trị…

Ngoài hệ thống thông tin, kế toán Việt Nam hiện nay còn bị tác động bởi nhiều yếu tố tụ hội từ môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý và môi trường văn hóa. Trong khi đó, phần lớn DN Việt Nam lại có quy mô vừa và nhỏ nên chưa quan tâm nhiều đến việc tổ chức kế toán quản trị và việc áp dụng IFRS, hệ thống thông tin tập trung cho kế toán tài chính là chủ yếu. Do đó, chưa tận dụng được lợi ích từ việc áp dụng IFRS cho kế toán tài chính, cung cấp thông tin vô cùng hữu ích cho kế toán quản trị, giúp các nhà quản trị ra các quyết định chính xác. Các vấn đề khác như khả năng triển khai IFRS phức tạp; chi phí áp dụng IFRS cao; khả năng hiểu biết và trình độ ngoại ngữ của nhân viên kế toán còn hạn chế… cũng là rào cản lớn, làm hạn chế khả năng áp dụng IFRS trong hội tụ và liên kết kế toán quản trị và kế toán tài chính ở Việt Nam. Vì vậy, nhằm thúc đẩy xu hướng hội tụ kế toán tài chính với kế toán quản trị ở Việt Nam, thời gian tới cần chú trọng một số vấn đề sau:

Thứ nhất, trong giai đoạn đầu, hệ thống kế toán Việt Nam cần tiếp cận xu hướng theo khu vực, cụ thể là khu vực công ty niêm yết. Đây là hướng đi được nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay áp dụng. Theo đó, hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam có thể bao gồm 2 phần, một phần dành cho các công ty niêm yết, phần còn lại cho các công ty không niêm yết. Đối với các công ty niêm yết, chuẩn mực kế toán được thực thi theo các IAS/IFRS. Đối với các công ty không niêm yết áp dụng các chuẩn mực kế toán Việt Nam hiện hành nhưng theo hướng giản lược những nội dung phức tạp trong chuẩn mực. Điều này thể hiện sự hài hòa, linh hoạt nhằm tránh những biến động nhưng đảm bảo cho tiến trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế

Thứ hai, tăng cường việc đánh giá, tổng kết qua các hội thảo, từ đó nhận diện tầm quan trọng của việc hội tụ kế toán tài chính với kế toán quản trị trong hệ thống kế toán DN, đây là yếu tố then chốt giúp DN Việt Nam phát triển bền vững và nâng cao khả năng hợp tác quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Thứ ba, chú trọng tổ chức các khóa huấn luyện về IAS/IFRS cho DN, nhất là DN nhỏ và vừa, qua đó hạn chế tối đa các tác động tiêu cực trong quá trình chuyển đổi sang IFRS.

Thứ tư, nỗ lực cải thiện hệ thống dữ liệu kế toán bằng cách áp dụng các hệ thống thông tin theo hướng phân tách, phân công nội dung cung cấp thông tin, phạm vi cung cấp cũng như tăng cường mối quan hệ giữa kế toán tài chính và kế toán quản trị nhằm hạn chế tối đa chồng chéo, chậm trễ trong xử lý, cung cấp thông tin…

Tóm lại, để có thể nhanh chóng hội nhập, nâng cao sức cạnh tranh, việc áp dụng IAS/IFRS vào hệ thống kế toán Việt Nam là cần thiết. Ngoài áp dụng IAS/IFRS, tăng cường mối liên kết giữa kế toán tài chính và kế toán quản trị cũng là vấn đề cấp bách đối với DN Việt Nam, bởi IFRS và hệ thống thông tin là yếu tố cơ bản của sự hội tụ giữa kế toán tài chính và kế toán quản trị.

Tài liệu tham khảo:
1. Nguyen thi thanh phuong (2017), The roles of information systems inlinking Management Accounting and Financial Accounting: Empirical Evidence from Vietnam. Accounting and Finance Research, Vol. 6, No. 4;2017, https://doi.org/10.5430/afr.v6n4p87;
2. Brad, L. - Munteanu, A. (2012), Aacounting and management information systems, https://www.researchgate.net/publication/260083273;
3. Brazel Joseph F., Dang Li. (2008), The Effect of ERP System Implementationson the Management of Earnings and Earnings Release Dates, Journal of Information Systems, 22(2), 1-21, https://doi.org/10.2308/jis.2008.22.2.1;
4. Dani, A. C. - Bueren, I. M. (2014), Integration Level of Financial and Management Accounting Systems with the Accounting Convergence Process and the Effectiveness of Controllership, Journal of Education and Research in Accounting, vol 8, no. 3, art. 4, p. 284-302;
5. Dechow N, Mouritsen J. (2005), Enterprise resource planning systems, management control and the quest for integration, Accounting, Organizations and Society, 30(7-8), 691-733, https://doi.org/10.1016/j.aos.2004.11.004;
6. Francis Pol C. Lim. (2013), Impact of Information Technology on Accounting Systems, Asia-pacific Journal of Multimedia Services Convergent with Art,Humanities, and Sociology, 3(2), 93-106, https://doi.org/10.14257/AJMAHS.2013.12.02;
7. Joseph N., Turley S., Burns J., Lewis L., Scapens R.W., Southworth A., 1996, External financial reporting and management information: a survey of U.K. management accounts, Management Accounting Research, 7, pp. 73-93.