Khi khối nội “chán chường” bán ra, khối ngoại gom hàng

Minh Lâm

Thị trường chứng khoán phiên ngày 26/9 diễn biến thận trọng, chủ yếu do tâm lý bán tháo nhà đầu tư cá nhân trong nước. Ngược lại, khối ngoại tiếp tục gom hàng, với giá trị mua ròng hơn 650 tỷ đồng.

Mở cửa phiên sáng 26/9, tâm lý nhà đầu tư vẫn còn thận trọng sau phiên giảm điểm mạnh khiến cho chỉ số chung liên tục dao động, rung lắc quanh mốc tham chiếu với thanh khoản thấp. Lực cầu bắt đáy cũng đã xuất hiện đưa chỉ số lên trên tham chiếu và có lúc bật khá cao. Nhiều nhà đầu tư “hô gọi” mở lại app xem thị trường đã hồi trên các nhóm chứng khoán. Tuy nhiên, áp lực bán vẫn còn quá lớn khiến cho VN-Index không thể duy trì sắc xanh được lâu.

VN-Index phiên giao dịch ngày 26/9 thoắt xanh thoắt đỏ khiến nhà đầu tư đau đầu, chóng mặt. 
VN-Index phiên giao dịch ngày 26/9 thoắt xanh thoắt đỏ khiến nhà đầu tư đau đầu, chóng mặt. 

Phiên chiều tiếp tục ghi nhận sự giằng co giữa phe mua và phe bán thông qua tốc độ giao dịch và sự biến động nhanh của chỉ số. Đến tầm 14h, phe mua áp đảo hơn, VN-Index lấy lại được sắc xanh, trong đó phải kể đến công của nhóm cổ phiếu chứng khoán, thu hút được lực cầu mạnh mẽ với 23 mã xanh, nhiều mã tăng mạnh từ 4% đến 9%.

Thị trường “đang vui thì đứt dây đàn”, VN-Index đang từ tăng 11 điểm lúc 14h, thế mà vừa bước vào phiên ATC đã quay đầu giảm, do lượng hàng bị xả quá lớn. Đến 14h45 thì VN-Index lùi xuống dưới tham chiếu quá 15 điểm. Số mã sàn nhanh chóng tăng lên mức gần 50 mã. Trong đó, các cổ phiếu sàn tập trung ở nhóm xuất khẩu gồm thủy sản, dệt may và cổ phiếu bất động sản, xây dựng.

Thanh khoản mua chủ động gia tăng mạnh và nhanh vào những phút cuối phiên giao dịch đã khiến cho VN-Index tiếp tục giảm điểm về dưới khu vực 1.140. Cuối cùng, chỉ số dừng ở 1.137,96 điểm, giảm 15,26 điểm.

Như vậy, chỉ trong 3 phiên giảm, vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam “bốc hơi” gần 340.000 tỷ đồng, tương đương 14 tỷ USD, xuống mức còn gần 6 triệu tỷ đồng. Trong đó, giá trị vốn hóa sàn HoSE giảm gần 280.000 tỷ đồng, tương đương gần 11,5 tỷ USD, về mức 4,6 triệu tỷ đồng.

Nếu các cổ phiếu nhóm ngành Chứng khoán là “công thần” thì Bất động sản lại là “tội đồ” của thị trường hôm nay, khi kéo giảm tới 3,14%. Vẫn là các cổ phiếu nhà Vin gây thất vọng cho thị trường: VHM giảm 4,26%, VIC giảm 3,23%, VRE giảm 3,01%. Riêng bộ 3 này đã lấy đi 3,5 điểm của VN-Index.

"Chung mâm" với cổ phiếu nhà Vin còn có nhiều cổ phiếu bất động sản khác giảm sâu như: BCM (-3,09%), NVL (-6,48%), PDR (-3,73%), NLG (-2,37%), DXG (-6,48%), SZC (-5,42%), CII (-5,34%). Các mã đồ giảm kịch sàn có TCH, DXS, LCG, FCN, SGR.

Ở nhóm ngân hàng, chỉ VCB (-2,58%) và BID (-1,66%) đã làm hao đi hơn 4 điểm của VN-Index. Các mã cổ phiếu khác cũng giảm khá sâu: TCB (-1,22%), SHB (-1,82%), TPB (-1,67%), LPB (-2,94%), EIB (-4,11% ). Cũng có một số mã cổ phiếu ngân hàng bơi ngược dòng, tăng như CTG (+1,68%), VPB (+0,25%), MBB (+0,83%), SSB (+0,77%), VIB (+1,05%), nhưng không thể lấn át được sắc đỏ của cả nhóm ngành.

Trái ngược với sự thận trọng của dòng tiền khối nội, khối ngoại tiếp tục giải ngân mua ròng với thanh khoản 651 tỷ đồng, tập trung mua ròng ở các mã như HPG (+157 tỷ đồng), SSI (+133 tỷ đồng), DGC (+76 tỷ đồng)… Ở chiều ngược lại, tập trung bán ròng ở các mã như FUESSVFL (-118 tỷ đồng), GVR (-48 tỷ đồng), MWG (-38 tỷ đồng)…

Theo Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam, sự biến động trong khoảng từ 5 - 12% trong một chu kỳ tăng giá không phải là điều hiếm gặp. Nhà đầu tư nên giữ vững sự bình tĩnh và quan sát trong giai đoạn này.

“Rời khỏi thị trường tại thời điểm này có thể không phải là quyết định tốt”, đại điện Dragon Capital nhận định.