Khoảng trống phân cấp thu, chi ngân sách

Theo Trịnh Dũng/ Báo Quảng Nam

Lãnh đạo nhiều địa phương cho rằng phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi thời kỳ ổn định ngân sách 2017 – 2021 hợp lý nhưng vẫn còn nhiều khoảng trống. HĐND tỉnh Quảng Nam sẽ mở những cuộc tham vấn với các địa phương (từ ngày 16 - 18.11) để nhận diện những bất cập, tìm phương án thích hợp cho thời kỳ 2022 - 2025.

Tiền thu từ sử dụng đất phân bổ lại các địa phương có số thu cao sẽ giúp các địa phương có điều kiện mở rộng cơ sở hạ tầng, tái thiết thị chính nhưng lại hạn chế ngân sách tỉnh đầu tư cho các dự án trọng điểm. Ảnh: T.D
Tiền thu từ sử dụng đất phân bổ lại các địa phương có số thu cao sẽ giúp các địa phương có điều kiện mở rộng cơ sở hạ tầng, tái thiết thị chính nhưng lại hạn chế ngân sách tỉnh đầu tư cho các dự án trọng điểm. Ảnh: T.D

Chủ động nhưng thiếu hợp lý

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng 100% phân cho 3 cấp đã tạo điều kiện cho các địa phương kịp thời huy động nguồn thu, chủ động cân đối nhiệm vụ chi và phấn đấu thu vượt dự toán để tạo nguồn bổ sung chi ngân sách.

Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam nói các khoản thu phân chia (nhóm tự cân đối và nhóm trợ cấp) đều có chung một tỷ lệ điều tiết đã tạo ra tính thống nhất trong phân cấp, chia sẻ lợi ích khi có tăng thu và phân chia rủi ro khi hụt thu. 

Tuy nhiên, phân tích của Sở Tài chính cũng cho thấy việc phân cấp này vẫn còn nhiều khoảng trống khó lấp đầy. Nguồn thu ngân sách phát sinh không đồng đều giữa các địa phương. Số thu phần lớn chủ yếu ở Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn và Núi Thành. Các địa phương còn lại số thu chỉ chiếm 15% số thu ngân sách trên địa bàn.

Có thể dễ dàng nhìn thấy, các địa phương có số thu phát sinh lớn, thường có tăng, vượt thu cao có đủ điều kiện để tăng chi. Các địa phương có số thu thấp, số tăng thu, vượt thu hằng năm không đáng kể sẽ thiếu nguồn tăng chi. Hằng năm, ngân sách tỉnh phải cân đối thêm nguồn để bảo đảm nhiệm vụ chi thường xuyên không thấp hơn năm trước cho các huyện miền núi.

Nguồn thu tiền sử dụng đất các khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị, các dự án lớn… được tỉnh quản lý 100%. Ngân sách huyện, xã không được phân chia nguồn thu này nên chưa thật sự khuyến khích địa phương quản lý, khai thác, sử dụng nguồn thu tiền sử dụng đất

Không chỉ vậy, tiền sử dụng đất của ngân sách cấp tỉnh chủ yếu phát sinh trên địa bàn Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Núi Thành. Ngân sách cấp lại số thu này cho các địa phương có nguồn đầu tư cơ sở hạ tầng. Song, điều này lại dẫn đến hạn chế nguồn đầu tư của ngân sách cấp tỉnh cho các dự án trọng điểm, liên vùng phát triển kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho việc theo dõi, điều tiết, phân bổ, thiếu kịp thời và làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn thu này.

Khoảng trống khác cần kể đến là việc quản lý, sử dụng nguồn sử dụng đất được trích 10% cho đo đạc, đăng ký, cấp giấy chứng nhận, xây dựng dữ liệu đất đai, chỉnh lý hồ sơ địa chính và 20% bổ sung quỹ phát triển đất chưa kịp thời và thiếu hiệu quả.

Theo ông Đặng Phong, thực trạng này đã khiến việc xây dựng cơ chế phân cấp nguồn thu, tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo tính thống nhất áp dụng chung cho toàn tỉnh hết sức khó khăn.

Góc nhìn của địa phương

Sau 5 năm thực hiện quy định phân cấp thu chi, nhiều địa phương thừa nhận tính hợp lý, nhưng thực tiễn lại ít nhiều thiếu phù hợp, cần sự thay đổi. Việc phân cấp thu rõ ràng, nhưng thực tế thu lại khác.

Ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn tỉnh Quảng Nam cho rằng không có cơ sở phân tích dự toán để đánh giá số phát sinh trên địa bàn cấp xã (do Cục Thuế tỉnh quản lý) như thu doanh nghiệp nhà nước trung ương, địa phương, doanh nghiệp ngoài quốc doanh, thuế thu nhập cá nhân…

Thu cấp tỉnh không đạt dự toán thì tỉnh không xem xét phần bù hụt thu. Còn cấp xã vượt được bù trừ phần hụt thu cấp tỉnh. Chính bất cập này đã làm hạn chế phần tăng thu của ngân sách thị xã được hưởng. Định mức chi cơ bản chỉ đáp ứng nhiệm vụ cho con người.

Một số nhiệm vụ chi còn bố trí quá ít so với nhu cầu thực tiễn (an sinh, kiến thiết thị chính, phát thanh, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao) hoặc chưa đáp ứng khi chính sách, cơ chế thay đổi, trượt giá…

Ông Úc nói cần hạn chế thay đổi, điều chỉnh cơ chế, chính sách khiến thị xã sẽ bị động trong quá trình triển khai thực hiện các đề án, dự án xây dựng cơ bản theo các nghị quyết HĐND thị xã đã ban hành.

Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho rằng các nguồn thu được phân chia 100% cho ngân sách địa phương là những khoản thu có hiệu suất thu thấp.

Trong khi đó, các chính sách miễn, giảm, giãn nộp một số sắc thuế, khoản thu ngân sách nhà nước ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách địa phương, nhưng các nhiệm vụ chi không giảm. Định mức phân bổ chi ngân sách ổn định kéo dài 5 năm, nhưng mức chi thực tế phát sinh không ổn định, ngày càng cao, khó điều hành ngân sách.

Ngay cả việc hình thành nhiều cụm công nghiệp kéo theo lượng công nhân trong và ngoài địa phương đến làm ăn, lưu trú khiến an ninh trật tự phức tạp hơn, đòi hỏi tăng cường lực lượng tuần tra, canh gác, trực cơ động nên định mức phân bổ không đảm bảo nhu cầu chi và chi sự nghiệp kinh tế phân bổ 7%/tổng chi thường xuyên quá thấp, không đảm bảo nhu cầu chi để phát triển kinh tế mỗi địa phương.

Đại diện lãnh đạo TP. Tam Kỳ cũng than khó về nguồn ngân sách. Ông Bùi Ngọc Ảnh - Chủ tịch UBND TP. Tam Kỳ cho hay dự toán thu giao quá cao nên hầu như không có vượt thu ngân sách hằng năm.

Thành phố gặp khó khăn khi thực hiện các nhiệm vụ và trong điều hành ngân sách. Việc phân bổ quỹ lương theo thực tế là sát với nhiệm vụ chi, nhưng chưa thực sự khuyến khích các địa phương sắp xếp lại bộ máy hành chính và tinh giản biên chế. Vừa phân bổ theo số người thực tế có mặt, vừa dự nguồn cho biên chế trong chỉ tiêu nhưng chưa được tuyển dụng khiến cho việc tính toán phức tạp.

Kế hoạch phân cấp thu chi ngân sách giai đoạn 5 năm tới đang được hoàn chỉnh. HĐND tỉnh Quảng Nam sẽ mở những hội nghị tham vấn, lấy ý kiến các địa phương (từ ngày 16 - 18/11/2021). Kiến nghị từ các địa phương sẽ được ghi nhận để hoàn chỉnh nghị quyết trình kỳ họp HĐND sắp tới.