Khuyến công góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các cơ sở công nghiệp nông thôn tại Hà Nội

Đức Mạnh

Giai đoạn 2021-2025, TP. Hà Nội đặt mục tiêu có trên 10.000 lượt doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ từ chương trình khuyến công, tạo việc làm cho khoảng 50.000 lao động nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ tăng bình quân 5% - 8%/năm, đạt 550 triệu USD vào năm 2025...

Năm 2024, TP. Hà Nội phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ hồi phục và tăng trưởng 6-8%/năm.
Năm 2024, TP. Hà Nội phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ hồi phục và tăng trưởng 6-8%/năm.

Theo Sở Công Thương TP. Hà Nội, để đạt được mục tiêu đề ra, Thủ đô sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đáng chú ý, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch khuyến công năm 2024 làm cơ sở triển khai, hiện thực hóa các mục tiêu đề ra trong năm nay cũng như cả giai đoạn 2021-2025.

Kế hoạch do UBND TP. Hà Nội ban hành nhằm hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn có tiềm năng, thế mạnh, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Khuyến khích chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghiệp nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh.

Đồng thời, mong muốn tạo sức bật cho các cơ sở công nghiệp nông thôn tiếp cận các cơ hội phát triển kinh tế số, thương mại điện tử, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh. Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực thuộc các thành phần kinh tế, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp...

Kế hoạch khuyến công năm 2024 nêu rõ, Thành phố phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ hồi phục và tăng trưởng 6-8%/năm. Tạo ra 650 - 800 mẫu thiết kế mới phục vụ thị trường trong và ngoài nước; hỗ trợ 600 - 650 lượt doanh nghiệp tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế. Hỗ trợ 10-15 cơ sở đầu tư thiết bị mới tiên tiến hiện đại vào sản xuất; khoảng 2.000-2.500 học viên là lãnh đạo, quản lý của cơ sở công nghiệp nông thôn được nâng cao năng lực quản lý.

Đại diện Sở Công Thương TP. Hà Nội cho biết, thực hiện Kế hoạch năm 2024, Sở sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện hoạt động khuyến công trên địa bàn bảo đảm thiết thực, hiệu quả, không chồng chéo, đúng các quy định pháp luật và thành phố. Xây dựng các nội dung chi tiết nhiệm vụ Hỗ trợ ứng dụng thiết bị tiên tiến hiện đại vào sản xuất đảm bảo đúng mục tiêu, đối tượng, tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả, trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt trước khi triển khai thực hiện.

Đặc biệt, tập trung nâng cao năng lực quản lý cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn; Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến hiện đại vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng với nguồn kinh phí khuyến công thành phố đầu tư, hỗ trợ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn nông thôn TP. Hà Nội.

Được đánh giá như một làn gió mới hỗ trợ tăng trưởng sản xuất khu vực công nghiệp nông thôn, khuyến công Thủ đô đã được các đơn vị liên quan triển khai nghiêm túc với tinh thần chủ động, sáng tạo. Nhờ vậy, trong giai đoạn từ năm 2021-2022, nhiều cơ sở sản xuất đã phát triển từ quy mô siêu nhỏ thành quy mô nhỏ và vừa, đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn đạt tăng trưởng bình quân trên 6 - 8%/năm, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngoại thành theo hướng công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội cho khu vực nông thôn, góp phần giữ ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Chia sẻ về những kết quả chương trình khuyến công của TP. Hà Nội mang lại suốt thời gian qua, , ông Nguyễn Văn Chung - Chủ tịch Hội doanh nghiệp mây tre Phú Vinh chia sẻ, khuyến công Thủ đô đã giúp nâng cao tay nghề cho một bộ phận lao động nông thôn, đặc biệt, tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp, hợp tác xã nông thôn tham gia các hội nghị kết nối giao thương, qua đó đảm bảo nguồn cung nguyên liệu ổn định cho sản xuất và tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm.

Đặc biệt, nhiều mô hình công nghiệp nông thôn được hình thành và đang sản xuất kinh doanh hiệu quả với sự hỗ trợ từ các đề án khuyến công của Thành phố.

 

Thống kê kết quả 10 năm (2012-2022) triển khai thực hiện Nghị định số 45/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công, Hà Nội đã tổ chức 137 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý, quản trị doanh nghiệp, thiết kế mẫu, xuất nhập khẩu, quản trị bán hàng, quản trị tài chính; hỗ trợ 292 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ, triển lãm trong nước với 574 gian hàng nhằm kết nối giao thương... Đồng thời, tổ chức 625 lớp truyền nghề, nâng cao tay nghề cho gần 22.000 lao động nông thôn; 16 lớp truyền nghề, nhân cấy nghề cho 800 lao động tại các tỉnh miền núi phía Bắc nhằm liên kết vùng nguyên liệu và mở rộng thị trường; xây dựng mô hình trình diễn, đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất cho 110 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn.