Kinh nghiệm thu hút vốn FDI tại singapore và bài học cho Việt Nam

Phạm Thị Oanh, Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Trường Đại học Thủ Dầu Một

Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam thì nguồn vốn đóng vai trò vô cùng quan trọng. Thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và cũng được coi là điểm sáng hay thành tựu nổi bật nhất của Việt Nam kể từ khi đổi mới đến nay. Bài viết này làm rõ một số nội dung liên quan đến thu hút FDI, tác động của FDI đến nền kinh tế các nước đang phát triển cũng như nghiên cứu kinh nghiệm thu hút vốn FDI của quốc gia thành công nhất trong lĩnh vực này là Singapore và bài học rút ra cho Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tổng quan về thu hút vốn FDI trực tiếp nước ngoài và tác động của vốn FDI đến các nước đang phát triển

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài là hệ thống các biện pháp mà chính quyền của một quốc gia hoặc địa phương thực hiện để hấp dẫn các nhà đầu tư (NĐT) từ nước ngoài đem nguồn vốn và công nghệ vào quốc gia hoặc địa phương để tổ chức thực hiện hoạt động tìm kiếm lợi nhuận hoặc lợi ích lớn hơn so với đầu tư tại quốc gia xuất phát của họ. Tác động của vốn FDI đến các nước đang phát triển thể hiện ở một số điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, góp phần bổ sung vốn đảm bảo sự phát triển kinh tế ở các nước đang phát triển. Nguồn vốn tiết kiệm của các nước đang phát triển thường hạn chế do thu nhập thực tế trong nước còn thấp. Thu hút vốn FDI sẽ bổ sung cho nguồn vốn nội tệ này giúp các quốc gia đang phát triển thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, thu hút vốn FDI cũng góp phần làm tăng ngân sách nhà nước thông qua tiền thu thuế các doanh nghiệp FDI và thuế thu nhập của những lao động trong doanh nghiệp, từ đó có thêm nguồn tài chính huy động cho các dự án phát triển của quốc gia.

Thứ hai, giúp các quốc gia tiếp nhận vốn khai thác và sử dụng tốt hơn các nguồn lực sẵn có trong nước. Các dự án có vốn FDI giúp các quốc gia đang phát triển khai thác tối ưu và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực trong nước như: đất đai, tài nguyên thiên nhiên và đặc biệt là góp phần nâng cao trình độ công nghệ và chất lượng lao động.

Thứ ba, giúp các quốc gia tiếp nhận vốn mở ra thị trường xuất khẩu và đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Mặc dù các nước đang phát triển có lợi thế khi thường tạo ra sản phẩm với chi phí thấp nhưng để thâm nhập sâu vào các thị trường lớn là hết sức khó khăn. Bên cạnh đó, việc tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp và dịch vụ không chỉ là nỗ lực nội tại của quốc gia mà còn đến từ xu hướng toàn cầu hóa kinh tế. Thu hút vốn FDI sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế thông qua việc đa dạng hóa các lĩnh vực và ngành nghề kinh tế, nâng cao năng suất lao động.

Bên cạnh những tác động tích cực trên, thu hút vốn FDI cũng đem đến những tổn thất cho các quốc gia tiếp nhận vốn. Cụ thể:

Thứ nhất, kiềm chế sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp FDI nhận được nhiều ưu đãi từ phía chính phủ của nước chủ nhà dần trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp hay tiềm tàng với các doanh nghiệp bản địa trong cùng lĩnh vực đầu tư, từ đó dần thu hẹp thị trường, bóp nghẹt và thâu tóm các doanh nghiệp này bằng ưu thế về vốn, thương hiệu, hiệu quả sản xuất và trình độ khoa học công nghệ vượt trội của mình.

Thứ hai, gây ô nhiễm môi trường, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên tại các quốc gia tiếp nhận vốn. Với các dự án FDI chất lượng thấp, thu hút vốn FDI mang đến các quốc gia này những trang thiết bị, máy móc lỗi thời, đã hết khấu hao và những quy trình công nghệ, kỹ thuật vốn đã quá lạc hậu tại nước họ với mức giá cao. Việc khai thác quá mức và không hợp lý các nguồn lực của các dự án FDI có thể gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, nhất là khi NĐT chỉ quan tâm đến mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận và không quan tâm đến các lợi ích xã hội khác.

Thứ ba, có thể mang đến rủi ro cho nền kinh tế khi bị phụ thuộc vào bên ngoài. Về nguyên tắc, nguồn vốn FDI không tạo ra những ràng buộc về chính trị, quân sự, tuy nhiên vẫn có những trường hợp doanh nghiệp FDI vận động hành lang chính trị, thậm chí đe dọa hoặc bắt buộc chính phủ nước chủ nhà thông qua các quy định, chính sách có lợi cho họ. Trong những trường hợp như vậy, thu hút vốn FDI giúp tối đa hóa lợi ích cho các nước lớn và trở thành công cụ điều khiển tình hình kinh tế chính trị của quốc gia tiếp nhận vốn.

Thực trạng thu hút vốn FDI tại Việt Nam thời gian qua.

Về quy mô vốn FDI

Thực trạng thu hút vốn FDI tại Việt Nam trong hơn 35 năm qua cho thấy sự biến động không ngừng về quy mô vốn FDI qua các thời kỳ. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2010-2021, bình quân vốn FDI thực hiện hàng năm chiếm khoảng 22-23% vốn đầu tư toàn xã hội. Năm 2022, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 27,72 tỷ USD, mức vốn FDI thực hiện đạt kỉ lục 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm (2017 - 2022).

Tính lũy kế đến năm 2022, Việt Nam đã thu hút được gần 438,7 tỷ USD vốn FDI; trong đó, 274 tỷ USD đã được giải ngân, chiếm 62,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Về cơ cấu vốn FDI

Đối với cơ cấu vốn theo địa phương, theo vùng kinh tế: Tính đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố của Việt Nam đều đã thu hút được vốn FDI với các hình thức đầu tư khác nhau (vốn FDI đã có mặt ở 63/64 tỉnh, thành phố trên cả nước), trong đó nhiều địa phương trở thành trung tâm của các dự án FDI. Hiện nay, vốn FDI vào Việt Nam tập trung nhiều ở các vùng kinh tế trọng điểm và các địa phương có tiềm năng thế mạnh phát triển, những địa phương có điều kiện cơ sở hạ tầng tốt hơn thu hút được FDI tốt hơn, như vùng Đông Nam Bộ (gồm các tỉnh, thành phố: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh) và vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình).

Đối với cơ cấu vốn theo ngành, lĩnh vực: Vốn FDI hiện nay đã có mặt ở hầu hết các ngành kinh tế của Việt Nam. Tính đến ngày 31/12/2022, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, mức chênh lệch về tỷ trọng vốn FDI phân bố vào các ngành khá lớn. Theo số liệu năm 2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 16,8 tỷ USD, chiếm 60,6% tổng vốn đầu tư đăng ký năm 2022; ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 4,45 tỷ USD, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư đăng kí; tiếp theo lần lượt là các ngành sản xuất, phân phối điện (với vốn đầu tư đăng ký 2,26 tỷ USD), hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với vốn đăng ký đạt gần 1,29 tỷ USD; còn lại là các ngành khác.

Đến nay, Việt Nam đã thu hút được đầu tư của hàng nghìn tập đoàn, doanh nghiệp đến từ 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó các đối tác FDI lớn nhất đến từ khu vực Đông Á. Năm 2022, có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam; trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,46 tỷ USD, Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 4,88 tỷ USD, Nhật Bản đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,78 tỷ USD, tiếp theo là Trung Quốc (2,52 tỷ USD), Hồng Kông (2,22 tỷ USD)

Kinh nghiệm thu hút vốn FDI tại Singapore và bài học rút ra cho Việt Nam

Chính sách thu hút vốn FDI tại Singapore

Singapore là một trong số những quốc gia thành công nhất trong khu vực ASEAN về thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng. Sức mạnh kinh tế của Singapore nằm ở cơ chế thương mại mở, môi trường chính trị và luật pháp ổn định, chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng, thuế suất cạnh tranh, môi trường quản lý minh bạch và khung pháp lý hiệu quả. Những đặc điểm nổi bật của chính sách thu hút vốn FDI của Singapore như sau:

Thứ nhất, Singapore chú trọng đến cải thiện môi trường đầu tư trong sạch, ổn định. Singapore không có sự phân biệt đối xử giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, ngoài trừ một số trường hợp đặc biệt được quy định cụ thể trong luật. Thay vì ban hành một luật riêng, hoạt động đầu tư ở Singapore được điều chỉnh bởi các luật chung, chẳng hạn như luật chung về hợp đồng, luật công ty và các luật cụ thể theo ngành. Hệ thống luật pháp của Singapore cũng hoạt động khá hiệu quả. Thừa hưởng hệ thống pháp luật từ Anh và phát triển thành bản sắc riêng, hệ thống luật pháp của Singapore đến nay được đánh giá cao nhờ tính hiệu quả và nhất quán. Cơ sở pháp lý liên tục được cập nhật và đổi mới để phù hợp với môi trường văn hóa, kinh tế và thương mại hiện hành.

Một ưu điểm nổi bật khác trong chính sách thu hút vốn FDI của Singapore đó là bộ máy hành chính giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả. Quốc gia này nổi tiếng với bộ máy hành chính hoạt động rất trơn tru, nhanh chóng, với sự cộng tác hiệu quả giữa các các cơ quan hữu quan để giúp doanh nghiệp hoạt động và phát triển dễ dàng.

Thứ hai, chú trọng đến các chính sách khuyến khích các NĐT nước ngoài. Một điểm mạnh khác nữa của Singapore chính là hệ thống thuế được xem là "đơn giản và thân thiện với NĐT". Chính phủ Singapore đã ban hành những chính sách khuyến khích các nhà tư bản nước ngoài bỏ vốn vào đầu tư tại Singapore. áp dụng chính sách ưu đãi rất đặc biệt, đó là: Khi kinh doanh có lợi nhuận, NĐT được tự do chuyển lợi nhuận về nước; NĐT có quyền cư trú nhập cảnh (đặc quyền về nhập cảnh và nhập quốc tịch); NĐT nào có số vốn ký thác tại Singapore từ 250.000 đô la Singapore trở lên và có dự án đầu tư thì gia đình họ được hưởng quyền công dân Singapore. Mức thuế doanh nghiệp của Singapore cao nhất chỉ là 17%. Bên cạnh đó, Singapore đã ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần (DTA) với hơn 70 quốc gia trên thế giới, qua đó góp phần quan trọng giảm gánh thuế cho doanh nghiệp nước ngoài

Thứ ba, Singapore thực hiện chính sách thu hút vốn FDI có chọn lọc và có trọng điểm. Singapore đã xác định rõ việc thu hút vốn FDI tập trung vào 3 lĩnh vực cần ưu tiên là: ngành sản xuất mới, xây dựng và xuất khẩu. Tùy từng điều kiện cụ thể trong mỗi thời kỳ, Singapore chủ trương thu hút vốn FDI vào các ngành thích hợp. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp điện tử và một số công nghệ tiên tiến khác, hướng sử dụng nguồn vốn đầu tư của quốc gia này tập trung vào những ngành như: sản xuất máy vi tính, điện tử, hàng bán dân dụng, công nghiệp lọc dầu và kỹ thuật khai thác mỏ…

Bài học rút ra cho Việt Nam

Qua nghiên cứu chính sách thu hút vốn FDI của Singapore, có thể rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam như sau:

Thứ nhất, linh hoạt trong xây dựng chiến lược thu hút vốn FDI.

Nghiên cứu kinh nghiệm của Singapore cho thấy quốc gia này sử dụng chính sách thu hút vốn FDI năng động, linh hoạt phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước và bối cảnh kinh tế-xã hội cụ thể. Việt Nam có thể vận dụng bài học này để điều chỉnh chính sách thu hút vốn FDI phù hợp với sự thay đổi trong mục tiêu chung của quốc gia.

Thứ hai, chú trọng xây dựng hành lang pháp lý để tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn. Để tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, Việt Nam có thể nghiên cứu rà soát, hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật, đặc biệt là các quy định liên quan đến đầu tư để loại bỏ sự mâu thuẫn, chồng chéo và những quy định không cần thiết.

Thứ ba, sử dụng hợp lý các ưu đãi về đầu tư trong thu hút vốn FDI

Singapore sử dụng khá phổ biến và đa dạng các ưu đãi về đầu tư trong thu hút vốn FDI. Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của nước này trong việc thực hiện chia theo vùng, theo lĩnh vực và tiến hành các chính sách ưu đãi cụ thể cho từng vùng, lĩnh vực đó để tránh dư thừa, lãng phí trong ưu đãi đầu tư.

Bên cạnh đó, chú trọng đến xây dựng mô hình quản lý các dự án đầu tư gọn nhẹ, đảm bảo tính minh bạch, nhất quán và thực thi nghiêm túc trong tiếp nhận và quản lý các dự án FDI.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022), Báo cáo Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 2021, NXB Khoa học và Kỹ thuật;
  2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư & Nhóm ngân hàng Thế giới (2018), Chiến lược và định hướng chiến lược thu hút FDI thế hệ mới giai đoạn 2018-2030;
  3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020), Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030, Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ vào ngày 31/8/2020;
  4. Lê Như Quỳnh (2022): “Chính sách thu hút VĐT trực tiếp nước ngoại của Việt Nam đến năm 2030” – Luận án tiến sĩ kinh tế, Đại học Thương mại;
  5. Nguyễn Quỳnh Thơ (2017), Thu hút VĐT trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Luận án tiến sĩ Kinh tế, Học viện Ngân hàng.
 
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2023