Công ty chứng khoán chuẩn bị nguồn “tham chiến” IPO

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Cùng với sự khởi sắc của thị trường chứng khoán (TTCK), hoạt động đấu giá cổ phần doanh nghiệp nói chung và hoạt động IPO các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) kỳ vọng sẽ sôi động hơn trong năm nay. Các công ty chứng khoán (CTCK) có thêm mảng việc lớn và đang tích cực chuẩn bị tham gia vào hoạt động này.

Công ty chứng khoán chuẩn bị nguồn “tham chiến” IPO
TTCK sẽ sôi động hơn. Nguồn: internet

Sôi động tại CTCK

Ông Tào Minh Dương, Giám đốc Khối Dịch vụ ngân hàng đầu tư CTCK Bảo Việt (BVSC) cho biết, dự kiến trong 6 tháng đầu năm, BVSC sẽ đứng ra làm đại lý tư vấn, tổ chức đấu giá cho khoảng 7 doanh nghiệp với tổng quy mô vốn lên đến hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó có Tổng công ty ô tô Việt Nam (Vinamotor - đấu giá 51 triệu cổ phần), Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông số 1, Tổng công ty Xây dựng Thăng Long, Tổng công ty Xây dựng đường thủy… Bên cạnh đó, BVSC sẽ làm đại lý đấu giá cấp 2 cho 2 Sở giao dịch chứng khoán.

CTCK Vietcombank (VCBS) cũng là đơn vị thực hiện khá nhiều cuộc đấu giá cổ phần của doanh nghiệp. Ông Tống Minh Tuấn, Trưởng Phòng Tư vấn doanh nghiệp cho biết, trong năm 2014, các hoạt động đấu giá, từ cổ phần hóa các DNNN, thoái vốn ngoài ngành của DNNN đến phát hành đại chúng của các doanh nghiệp khác sẽ diễn ra rất mạnh. VCBS dự kiến trong 6 tháng đầu năm sẽ làm đại lý đấu giá cho khoảng 20 đến 30 doanh nghiệp. Ông Nguyễn Thế Minh, Tổng giám đốc CTCK SHBS nhận định, năm nay là năm sôi động của đấu giá và Công ty cũng sẽ tham gia mạnh mẽ vào mảng việc này.

Một số CTCK khác như VietinbankSC, Đông Á, ACBS, IVS… cũng đã nhận được danh sách làm đại lý đấu giá cho các DNNN do SCIC thoái vốn.

Cuối năm 2013, để đẩy nhanh việc thoái vốn nhà nước, SCIC và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ký bản ghi nhớ nhằm tăng cường hợp tác và trao đổi thông tin giữa 2 bên. Theo đó, HNX và SCIC sẽ phối hợp thực hiện đấu giá cổ phần doanh nghiệp có vốn đầu tư của SCIC trên TTCK.

Làm sao để đấu giá thành công?

Trong năm 2013, số lượng doanh nghiệp đăng ký đấu giá rất lớn nhưng tỷ lệ thất bại cũng rất nhiều do số lượng nhà đầu tư đăng ký “èo uột”. Ngay trong tháng 1/2014, Sở giao dịch chứng khoán TP. HCM đã phải công bố hủy đấu giá cổ phần của SCIC tại CTCP Bến xe Kon Tum do không có nhà đầu tư nào đăng ký mua.

Làm thế nào để nhà đầu tư quan tâm hơn đến các đợt đấu giá cổ phần là điều mà các “đầu mối” - các CTCK phải đẩy mạnh hơn nữa, từ việc phổ biến tuyên truyền đến tư vấn sát sao hơn. Các CTCK cũng sẽ đóng vai trò tư vấn cho SCIC trong việc làm các thủ tục đăng ký với Sở Giao dịch chứng khoán, công bố thông tin, định giá.

Cho đến nay, một trong những vấn đề mấu chốt của việc đấu giá cổ phần SCIC tại các DNNN chưa thành công là thông tin không đầy đủ. Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico từng nhận xét, các thông tin về việc thoái vốn của SCIC mới chỉ dừng ở việc công bố thuần túy theo quy định, thủ tục chứ chưa có các yếu tố để thu hút nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, công tác định giá cũng đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động bán đấu giá cổ phần. Ông Tào Minh Dương cho biết, trước đây, khi Nghị định 151/2013/NĐ-CP của Chính phủ liên quan đến việc SCIC được thoái vốn dưới mệnh giá chưa có hiệu lực, nhiều đợt thoái vốn đã thất bại. Việc cho phép SCIC bán cổ phần tại các doanh nghiệp yếu kém dưới mệnh giá được xem là phù hợp với quy luật cung - cầu của thị trường và giải quyết hài hòa lợi ích, nhu cầu cần thiết của cả SCIC lẫn các doanh nghiệp có vốn của công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước này.