Không phải nhà đầu tư nước ngoài nào cũng phụ thuộc vào việc nới room

Theo bizlive.vn

(Tài chính) Trong quý I/2014, trên sàn TP. Hồ Chí Minh, tuy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng nhưng đã giảm mạnh khối lượng và giá trị so với các quý trước. Theo đó, khối ngoại mua ròng hơn 16 triệu đơn vị, với giá trị mua ròng là gần 872 tỷ đồng. Con số này chỉ bằng 1/3 giá trị mua ròng của quý IV/2013 và chỉ bằng 1/4 giá trị mua ròng của quý I/2013.

Sự sụt giảm này do đâu và động thái mua ròng của khối ngoại liệu có được duy trì trong thời gian tới? Dưới đây là nhận định của ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư của Tập đoàn VinaCapital.

Phóng viên: Tháng 3/2014, khối ngoại đã chuyển hướng bán ròng trên sàn TP. Hồ Chí Minh sau thời gian dài mua ròng liên tiếp trước đó. Ông có nhận định gì về xu hướng này?

Không phải nhà đầu tư nước ngoài nào cũng phụ thuộc vào việc nới room - Ảnh 1
Ông Andy Ho,
Giám đốc Điều hành VinaCapital
Ông Andy Ho: Nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển sang bán ròng mạnh trong tháng 3/2014 sau 6 tháng mua ròng kể từ tháng 9/2013. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng hơn 20% kể từ tháng 9 năm 2013, vượt trội so với một số thị trường khác trong khu vực nên tôi nghĩ rằng các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện chốt lời.

Chúng tôi ghi nhận trong đợt bán ròng này có sự tham gia của 2 quỹ ETF tại Việt Nam và kể cả các nhà đầu tư nước ngoài khác.


Một trong 2 quỹ ETF tại Việt Nam là VNM ETF thực hiện bán ròng để giảm tỷ trọng của chứng khoán Việt Nam trong danh mục về mức tối đa là 70% (theo quy định của quỹ) sau khi con số này đã tăng lên 73% do thị trường Việt Nam tăng tốt.

Ngoài ra, tình hình chính trị căng thẳng tại Ukraine cũng tác động tâm lý các nhà đầu tư nói chung.

Phân tích của ông về việc sụt giảm giá trị mua ròng của khối ngoại trong quý I/2014? Liệu các nhà đầu tư nước ngoài có quay trở lại trạng thái mua ròng trong quý II?

Tôi nghĩ rằng việc phân tích hàng quý phản ánh quan sát ngắn hạn. Hiện có nhiều nhà đầu tư nước ngoài xem Việt Nam và các thị trường mới nổi khác là các khoản đầu tư dài hạn. 

Vì vậy, các thay đổi hàng quý chưa đủ để phân tích. Thay vào đó, chúng ta có thể xem tổng mức đầu tư/thoái vốn hàng năm.

Khi mức giá cổ phiếu tiếp tục tăng cao, tôi cho rằng nhà đầu tư nước ngoài sẽ có sự giảm dần về mức độ đầu tư, tuy nhiên vẫn duy trì vị thế mua ròng trong 6 tháng đầu năm. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ chú ý đến kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm trước khi quyết định các bước tiếp theo.

 Hiện nay mức độ quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài mới tại Việt Nam vẫn đang ở mức cao. Điều này được thấy qua các hội thảo đầu tư gần đây. 

Nguyên nhân là vì triển vọng về việc nới lỏng giới hạn sở hữu cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài và định giá chứng khoán Việt Nam thấp so với các nước trong khu vực. Vì vậy tôi nghĩ rằng nhà đầu tư nước ngoài sẽ trở lại mua ròng trong thời gian sắp tới.

Thông tin nới room cho khối ngoại được nhà đầu tư rất kỳ vọng nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức. Vậy theo ông, điều này tác động ra sao tới giao dịch của khối ngoại nói riêng và thị trường nói chung?

Nói chung, chúng tôi quan tâm đến khả năng mở room cho nhà đầu tư nước ngoài lên 60% (từ mức 49% hiện tại). Dù chưa có thông tin chính thức về thời điểm được thông qua, việc làm này sẽ mở ra cơ hội đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài vào chứng khoán niêm yết tại Việt Nam. 

Điều này sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài mới đến Việt Nam.

Mặc dù vậy, chiến lược đầu tư của chúng tôi vẫn không thay đổi, chúng tôi tập trung vào các doanh nghiệp tư nhân (trước khi niêm yết) và các cơ hội mua cổ phần khi các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa. 

Do đó, các khoản đầu tư của chúng tôi không bị ảnh hưởng bởi mức room nước ngoài 49%.

Xin cảm ơn ông!