Lĩnh vực nào “hút” vốn cuối năm?

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Thông tin từ các ngân hàng cho biết, mặc dù các nhu cầu cho vay tiêu dùng có tăng nhưng chủ yếu vẫn là vay ngắn hạn và ngân hàng cũng hướng vào lĩnh vực ưu tiên. Hay nói cách khác là cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo chủ trương của Chính phủ.

Lĩnh vực nào “hút” vốn cuối năm?
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Cuối năm không chỉ là thời điểm các NH có nhiều chương trình ưu đãi hơn mà nhu cầu thực của người dân cũng phát sinh. Chị Trần Thu Phượng, ở phường Khương Trung, Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, chị vừa vay 200 triệu đồng từ NH để sửa nhà đón Tết. “Món vay nhỏ hay lớn đều được cán bộ NH tư vấn chu đáo. Vợ chồng mình là giảng viên, lương tháng ổn định nên NH thẩm định hồ sơ cho vay khá nhanh, lãi suất cũng tốt”, chị tâm sự.

Nhu cầu vay vốn của DN và người dân bao giờ cũng tăng mạnh vào cuối năm. Số liệu thống kê những năm gần đây cho thấy, quý IV là “mùa” của tăng trưởng tín dụng (TTTD). Gần đây nhất, quý IV/2013 TTTD đạt gần 4% so với quý trước. Với diễn biến từ đầu năm đến nay, theo các chuyên gia NH, chắc chắn năm nay TTTD cũng sẽ tăng tốc mạnh vào cuối năm. Theo số liệu từ NHNN, nếu như TTTD cuối tháng 7 chỉ ở mức 3,68%, nhưng đến ngày 31/10 con số này đã là 8,63% so với cuối năm 2013. Cho dù hiện sức cầu nền kinh tế chưa cải thiện nhiều nhưng các NHTM đều kỳ vọng cầu tín dụng sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm theo quy luật.

Ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc NHTMCP Phương Đông (OCB) cho rằng, vào giai đoạn cuối năm có 3 khu vực hút vốn nhiều nhất. Thứ nhất, là vốn cho vay kinh doanh thương mại, dịch vụ ngắn hạn cuối năm. Cùng với đó, quý IV cũng thường là kỳ quyết toán khoản công nợ giữa các DN, nhà sản xuất, hoặc nhu cầu vốn chuẩn bị hàng hóa dịp Tết Nguyên đán, thanh toán hàng nhập khẩu. Thứ hai, lĩnh vực cho vay tiêu dùng, ngay cả với những hàng xa xỉ như ô tô, nhu cầu cuối năm bao giờ cũng cao hơn. Thứ ba, giải ngân cho các dự án, công trình thông thường cũng tăng mạnh vào cuối năm.

Tuy vậy, ông Tùng cũng bày tỏ băn khoăn: “Hệ thống NH, trong đó có OCB, đang nỗ lực để hoàn thành mục tiêu TTTD, hỗ trợ vốn cho nền kinh tế. Nhưng vốn có đẩy mạnh được hay không cũng còn phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của nền kinh tế”.

Phó tổng giám đốc một NHTMCP có trụ sở tại Hà Nội cho rằng, so với mọi năm thì năm nay phía người vay cũng thận trọng hơn. Tuy nhiên, ông lý giải: “Có thể do năm nay nhuận tháng 9 âm lịch nên Tết Nguyên đán đến muộn hơn. Người Việt mình thì bao giờ gần giáp Tết mới rầm rộ mua sắm, sửa sang nhà cửa”.

Một cán bộ làm công tác thẩm định của NHTMCP Quân đội (MB) cho biết, khoảng một vài tháng nay, phòng anh làm không hết việc. Nhiều hôm, cán bộ phòng chức năng phải ôm cả đống hồ sơ về nhà để làm. Vị cán bộ của MB chia sẻ: “Thôi thì cũng vì khách hàng. Nhiều người đang cần vốn để sản xuất, đánh quả cuối năm và ngay cả với mình cũng cần hoàn thành chỉ tiêu, nên đành cố gắng vậy!”.

Đồng nhận định như ông Nguyễn Đình Tùng, theo cán bộ thẩm định cho vay của MB, cuối năm những lĩnh vực vay sửa chữa nhà, mở cửa hàng, dịch vụ nhỏ như mở tạp hóa, sửa chữa xe máy… có nhu cầu vay vốn khá lớn. Bản thân NH cũng thích cho vay những lĩnh vực này vì khả năng thu hồi vốn nhanh và hầu như không có rủi ro.

Thông tin từ các NH cho biết, mặc dù các nhu cầu cho vay tiêu dùng có tăng nhưng chủ yếu vẫn là vay ngắn hạn và NH cũng hướng vào lĩnh vực ưu tiên. Hay nói cách khác là cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo chủ trương của Chính phủ.

Đơn cử, tại tỉnh Kiên Giang, NHNN chi nhánh tỉnh này cho biết, ước doanh số cho vay quý III/2014 đạt 16.025 tỷ đồng, tăng 5,84% so với quý trước. Trong đó, vốn cho vay ngắn hạn là 11.979 tỷ đồng, chiếm 74,75% doanh số cho vay. Vựa lúa khác của Đồng bằng sông Cửu Long là Cần Thơ: tính đến cuối tháng 9/2014, tổng dư nợ cho vay ước đạt 48.800 tỷ đồng, tăng 11,55% so với cuối năm 2013. Nhưng dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm 71,52%, trong khi dư nợ cho vay trung dài hạn chỉ chiếm 28,48%...

Mặc dù, nền kinh tế tiếp tục hồi phục chậm, nhưng nhiều dự báo cho rằng cơ hội cho tín dụng sẽ nhiều hơn. Mừng về điều này nhưng nhiều lãnh đạo NH chia sẻ, ở bất cứ thời điểm nào thì chất lượng tín dụng, phòng ngừa rủi ro vẫn đặt lên hàng đầu. Điều này càng được chú trọng hơn khi tín dụng vào vụ cuối năm.