Nâng tầm quỹ bảo lãnh tín dụng

Theo Thạch Bình/thoibaonganhang.vn

Số lượng DNNVV tiếp cận được vốn vay thông qua các quỹ bảo lãnh tín dụng còn khá khiêm tốn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Chính phủ mới đây đã chính thức ban hành Nghị định 34/2018 về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Theo đó, các quỹ này được hoạt động theo mô hình Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước (UBND tỉnh, thành) nắm giữ 100% vốn điều lệ, vốn tối thiểu của mỗi quỹ phải đạt từ 100 triệu đồng trở lên.

Tăng vốn, tháo nút thắt lệ thuộc

Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau 16 năm Chính phủ có Quyết định số 193/2001 về việc ban hành Quy chế thành lập tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, đến cuối năm 2017, cả nước có 27 quỹ được thành lập và đi vào hoạt động. Với tổng vốn điều lệ thực có của các quỹ ước khoảng trên 1.400 tỷ đồng, trong đó có đến hơn 1.300 tỷ đồng là vốn ngân sách.

Trong 16 năm vừa qua, tất cả các quỹ trên cả nước mới chỉ bảo lãnh được khoảng trên 4.100 tỷ đồng vốn vay trong tổng số 1,3 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng của khối DNNVV. Tỷ lệ bảo lãnh chỉ tương đương 3,2% tổng dư nợ tín dụng nhưng đến nay các quỹ bảo lãnh tín dụng đã phải trả nợ thay cho DN với tỷ lệ lên đến 8,6% trong số nợ được bảo lãnh.

Theo TS. Trương Văn Khánh (Đại học Sài Gòn), những hạn chế lớn nhất mà tất cả các Quỹ bảo lãnh tín dụng đang gặp phải hiện nay là khả năng đáp ứng nhu cầu cho các DNNVV chưa cao. Đồng thời mức độ hài lòng của DN về thủ tục, hồ sơ đề nghị cấp tín dụng cũng còn rất thấp. Chẳng hạn, ở khu vực TP.HCM, thời điểm 2010-2011, số lượng DNNVV ước khoảng 100.000 DN với nhu cầu vay vốn khoảng 450.000 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, suốt các năm 2008-2011 Quỹ của thành phố chỉ bảo lãnh vay vốn được khoảng hơn 100 DN với tổng dư nợ được bảo lãnh hơn 3,3 tỷ đồng.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới những hạn chế của các Quỹ bảo lãnh tín dụng hiện nay là do các bất cập về mô hình hoạt động, về vốn điều lệ và quy trình thẩm định cấp tín dụng. Theo đó, hiện nay có 2 mô hình Quỹ bảo lãnh tín dụng cùng hoạt động song song là mô hình quỹ hoạt động độc lập và mô hình quỹ hoạt động phụ thuộc vào các đơn vị khác như Quỹ đầu tư phát triển địa phương và các chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Ông Khánh cho rằng các Quỹ bảo lãnh tín dụng hoạt động theo mô hình độc lập như ở TP. Hồ Chí Minh, Ninh Thuận, Trà Vinh, Kiên Giang… hoạt động hiệu quả hơn hẳn mô hình phụ thuộc ở các địa phương khác. Ngoài ra, các quỹ nếu tổ chức được Hội đồng Quản lý và Ban điều hành không kiêm nhiệm các chức vụ khác cũng sẽ hiệu quả hơn trong việc bảo lãnh cho DNNVV.

Chính vì vậy, việc Chính phủ ban hành Nghị định 34, trong đó thống nhất yêu cầu tất cả các Quỹ bảo lãnh tín dụng phải hoạt động độc lập theo mô hình Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn; nguồn vốn tối thiểu mỗi quỹ phải đạt 100 triệu đồng tăng 70 tỷ đồng so với Quyết định 193/2001 trước đây và bắt buộc phải có Hội đồng Quản lý… sẽ tạo ra một hành lang pháp lý rất cụ thể, sáng rõ để các địa phương chuyển đổi mô hình hoạt động của các quỹ hiện hữu, tăng hiệu quả hỗ trợ DN.

Phát triển các quỹ ngành hàng

Theo TS. Đặng Đức Anh, Trưởng Ban phân tích và Dự báo, Trung tâm thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, mặc dù Chính phủ ban hành Nghị định 34 tạo ra động lực lớn cho sự phát triển, cải tổ hoạt động của các Quỹ bảo lãnh tín dụng. Tuy nhiên, để các quỹ hoạt động thực chất và hiệu quả vẫn cần phải có những hướng dẫn hết sức chi tiết và cụ thể. Chẳng hạn, những quy định về việc sử dụng tài sản để đảm bảo cho các khoản vay vốn, cần được tính toán, trong đó có sự phân loại, ưu tiên cho các DN có quan hệ tài chính, tín dụng tốt.

Ông Đặng Đức Anh cho rằng, từ kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy, nếu các NHTM chia sẻ rủi ro với các Quỹ bảo lãnh tín dụng với tỷ lệ 80% và 20% sẽ làm hoạt động bảo lãnh tín dụng phát huy hiệu quả khá tốt, việc giám sát rủi ro khoản vay và thu hồi nợ của NHTM cũng tốt hơn.

Bên cạnh đó, để tăng khả năng thẩm định khách hàng, TS. Trương Văn Khánh cho rằng, có thể bắt đầu từ việc thay đổi mô hình bảo lãnh, bao gồm: cấp vốn bổ sung từ ngân sách trung ương và tạo ra cơ chế tương trợ với sự tham gia của các hiệp hội. Theo đó, hiện nay tại Việt Nam nếu chỉ cho phép hoạt động duy nhất một loại mô hình Quỹ bảo lãnh tín dụng do Nhà nước thành lập, không vì mục tiêu lợi nhuận thì khó có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của cộng đồng DNNVV.

Thực tế, tại nhiều nước trên thế giới vẫn tồn tại hình thức Quỹ bảo lãnh tín dụng do các tổ chức hiệp hội thành lập. Vốn hoạt động của quỹ đó do các thành viên trong tổ chức hiệp hội đóng góp nhằm bảo lãnh, trợ giúp các DNNVV thành viên, hoạt động phi lợi nhuận. Ngoài ra, cũng có các quỹ do các tổ chức, công ty thành lập, hoạt động kinh doanh chính là bảo lãnh, trợ giúp các DN. Do vậy, Chính phủ cũng cần sớm nghiên cứu, ban hành cơ chế cho phép thành lập các Quỹ bảo lãnh tín dụng do các hiệp hội và DN thành lập để gia tăng số lượng các quỹ và tăng sự lựa chọn cho DN.

Mặc dù hiện nay trong cơ chế thu hút vốn đầu tư vào các Quỹ bảo lãnh tín dụng theo Nghị định 34 vẫn cho phép các quỹ được huy động từ các tổ chức tài chính, tín dụng trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật nhưng Chính phủ cũng cần tạo ra những chính sách ưu đãi để thu hút vốn điều lệ cho Quỹ bảo lãnh tín dụng. Cơ chế này nên hướng, các hiệp hội và DN lớn với khuyến khích cụ thể như miễn một phần thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ vốn góp vào Quỹ bảo lãnh tín dụng của địa phương.