Những định hướng lớn về giá cả trong chiến lược tài chính giai đoạn 2010 – 2020

Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính

Ngày 28/7/2010 tại TP.Huế, đã diễn ra hội thảo về đề án “Những định hướng lớn về giá cả trong chiến lược tài chính giai đoạn 2010 – 2020” dưới sự tài trợ của Quỹ Tín thác đa biên do Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính chủ trì.

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo một số bộ ngành như Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng; đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng Bộ Tài chính: Viện Chiến lược và chính sách  tài chính, Viện Kinh tế tài chính - Học viện Tài chính, Vụ Chính sách thuế, Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Quản lý Nợ và tài chính đối ngoại… và đại diện các sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

 Khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Tiến Thỏa – Cục trưởng Cục Quản lý giá đã trình bày đề án: “Những định hướng lớn về giá cả trong chiến lược tài chính giai đoạn 2010 – 2020”. Đề án này gồm 3 chương: Chương I nói về thực trạng của cơ chế quản lý, điều hành giá và hệ thống giai đoạn 2001 – 2010.  Từ khi nước ta thực hiện cơ chế kinh tế thị trường đến nay, cơ chế quản lý giá, hệ thống giá đã tiếp tục đổi mới và hoàn thiện dần theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, phù hợp với lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Hệ thống giá đã và đang trở thành “tấm gương soi” của nền kinh tế để các doanh nghiệp xây dựng phương án sản xuất kinh doanh của mình.

Bên cạnh những thành công, vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục. Chính vì vậy, chương II của đề án này đã đề cập đến sự cần thiết phải tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, điều hành giá và hệ thống giá giai đoạn 2011 – 2020. Sự đổi mới này là để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế với phạm vi ngày càng sâu rộng và cạnh tranh quyết liệt; Bên cạnh đó, còn phải đảm bảo khuyến khích sự cạnh tranh theo pháp luật để tăng hiệu quả kinh tế cũng như đảm bảo vai trò quản lý về giá của Nhà nước vào việc nâng cao hiệu quả của nên sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội… Để đạt được những mục tiêu trên, cần phải có những định hướng cụ thể. Trong chương III, đề án đã đưa ra những mục tiêu, phương hướng để tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống giá. Việc định hướng, chủ trương điều hành mặt bằng giá với những phương hướng cụ thể như: thực hiện nhất quán cơ chế quản lý giá, hoàn thiện môi trường pháp lý…được xem là những vấn đề then chốt để kiểm soát cả tình trạng lạm phát cao và thiểu phát của nền kinh tế, nhằm nâng cao hiệu quả   bền vững của nền kinh tế.

Hầu hết các ý kiến thảo luận tại Hội thảo đều nhất trí với đề án và khẳng định việc tiếp tục hoàn thiện chính sách giá, cơ chế giá trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường là cần thiết với sự hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.