Tăng tín dụng: Cẩn trọng rủi ro thanh khoản

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Từ nay tới cuối năm, hàng loạt các ngân hàng thương mại (NHTM) lại tiếp tục tung ra thị trường những gói tín dụng hỗ trợ vay tiêu dùng, doanh nghiệp (DN) sản xuất với lãi suất rất thấp. Giới chuyên gia nhận định, đây là một tín hiệu tích cực để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đạt chỉ tiêu 12%, song nếu chỉ dựa vào việc hạ lãi suất thì vẫn chưa đủ để gỡ khó cho DN.

Tăng tín dụng: Cẩn trọng rủi ro thanh khoản
Tăng trưởng tín dụng chỉ nên dừng ở 10 - 12% là hợp lý. Nguồn: internet
Đa dạng các gói lãi suất ưu đãi

Khảo sát một loạt các NHTM, có thể nhận thấy sự phong phú của các gói tín dụng lãi suất thấp nhằm hỗ trợ người dân cũng như các DN. Nhiều ngân hàng liên tiếp tung ra các gói hỗ trợ tín dụng khác nhau, ngoài hướng tới DN sản xuất, các gói tín dụng này chủ yếu ưu tiên nhóm khách hàng cá nhân có nhu cầu vay mua nhà, ô tô, tiêu dùng…

Điểm qua một vài gói hỗ trợ hấp dẫn như tại ngân hàng HDBank, đang triển khai gói ưu đãi 1.000 tỷ đồng, với lãi suất từ 8-8,5%/năm, dành cho các DN có nhu cầu vay bổ sung vốn lưu động phục vụ các phương án, dự án sản xuất kinh doanh hàng xuất nhập khẩu… Thời hạn vay tối đa 6 tháng.

Tiếp đó, từ ngày 4/9, chỉ trong 17 ngày, HDBank cũng dành 20 triệu USD hướng tới tài trợ ưu đãi cho DN xuất nhập khẩu với lãi suất chỉ 3%-3,5%/năm. Chương trình dành cho các DN có nhu cầu bổ sung vốn lưu động phục vụ các phương án, dự án sản xuất kinh doanh hàng xuất nhập khẩu. Loại tiền cho vay là USD, kỳ hạn vay linh hoạt 1, 2, 3 tháng. 

Không kém trong cuộc đua tín dụng, ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV tung ra gói hỗ trợ tín dụng 7.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh với lãi suất 9%/năm, áp dụng với 3 tháng đầu. Cùng với lãi suất ưu đãi, thủ tục vay đơn giản, nhanh chóng. 

Ngân hàngTMCP Đông Nam Á SeABank thì đưa ra "Chương trình thúc đẩy tín dụng 2.000 tỷ đồng”, áp dụng lãi suất ưu đãi 9,9%/năm cho tối đa 3 tháng đầu cho một khoản vay và hoàn toàn miễn phí chuyển tiền trong nước cho khách hàng tương ứng với phần giải ngân. Sacombank có gói tín dụng 1.000 tỷ đồng, lãi suất 3 tháng đầu chỉ 6,99%/năm cho hoạt động mua bán, xây dựng, sửa chữa bất động sản…

Rủi ro tiềm ẩn

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/8, tăng trưởng tín dụng ước tính mới tăng 5,4% so với tháng 12/2012, vẫn là một con số khá thấp so với kỳ vọng.

Bởi thế, theo nhận định của chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc các NHTM tung ra những gói tín dụng lãi suất thấp sẽ mang đến những tác động tích cực tới tăng trưởng tín dụng từ nay tới cuối năm. Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung vào vấn đề lãi suất ưu đãi thì kết quả thu được với nền kinh tế lại không nhiều.

Bởi vấn đề nội tại của nền kinh tế hiện nay không nằm ở lãi suất cao hay thấp mà là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn rất yếu. DN, người dân vẫn rất khó tiếp cận nguồn vốn vay, cho nên, để thúc tăng trưởng cần thêm những biện pháp thiết thực hơn nữa.

Bên cạnh đó, tham gia những gói tín dụng này, cả ngân hàng và cá nhân, DN đều gặp những rủi ro cao về thanh khoản, do nền kinh tế còn trì trệ. ngân hàng chạy theo chỉ tiêu tín dụng, có thể gặp lại vòng xoáy tăng nợ xấu. Tăng trưởng về con số là điều cần thiết nhưng nếu chỉ chạy theo con số mà không đi kèm với chất lượng tăng trưởng thì chúng ta sẽ tiếp tục phải trả một cái giá rất đắt.

Cùng quan điểm, theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong, việc các NHTM tung ra các gói tín dụng là hướng đi cần thiết, phải có trong hoàn cảnh hiện nay khi đầu ra của DN còn hạn chế, lãi suất cho vay với DN còn cao, góp phần mở rộng thị phần cho DN và tăng tín dụng cho ngân hàng. Tuy nhiên, với bản thân ngân hàng lẫn khách hàng cần cẩn trọng "bẫy lãi suất”, khi phát sinh các khoản nợ khó đòi, hay lãi suất thay đổi. 

"Do đó, trước khi ký kết vay vốn, khách hàng phải đọc kỹ hợp đồng, không nên chỉ chú ý tới lãi suất thấp mà cần chú ý xem xét mức lãi đó áp dụng trong thời gian bao lâu, thời gian điều chỉnh lãi vay, trả nợ trước hạn có tính phí không… Vì thông thường, các ngân hàng đều tỏ ra khá mập mờ trong việc này. Đây là việc làm cần thiết, đảm bảo quyền lợi của DN, cá nhân khách hàng” – TS. Phong nhấn mạnh.

Từ nay tới cuối năm, các chuyên gia đều cho rằng, tăng trưởng tín dụng cho năm 2013 có thể đạt được 12% nhưng mức hợp lý theo TS. Hiếu là dừng ở 10-12%, để đảm bảo chất lượng tăng trưởng.