Thanh tra giám sát ngân hàng: Nâng chất bảo đảm an toàn cho hệ thống

Theo Hà Thành/thoibaonganhang.vn

Chú trọng nâng cao khả năng cảnh báo sớm đối với những rủi ro tiềm ẩn mang tính hệ thống và ngăn ngừa nguy cơ vi phạm pháp luật của các TCTD.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Nâng cao khả năng cảnh báo sớm

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng (TTGSNH) phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế là một trong những nhiệm vụ được đánh giá rất quan trọng tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam định hướng đến năm 2025 và tầm nhìn năm 2030.

Việc xây dựng hệ thống TTGSNH hiện đại và hữu hiệu về thể chế, mô hình tổ chức, con người và phương pháp nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển hệ thống ngân hàng Việt Nam và thực hiện đúng các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế về giám sát ngân hàng được đánh giá là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng đối với sự an toàn và phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng.

Để đạt được mục tiêu đề ra, tại Chiến lược đã đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện, đó là hoàn thiện mô hình tổ chức Cơ quan TTGSNH phù hợp với lộ trình đổi mới mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của NHNN; đổi mới phương pháp thanh tra, giám sát; tăng cường đầu tư công nghệ hỗ trợ công tác TTGSNH…

Đối với mô hình tổ chức, Chiến lược hướng tới đảm bảo sự thống nhất về hoạt động thanh tra, giám sát của Cơ quan TTGSNH tới các đơn vị TTGSNH tại địa phương, tránh tình trạng chồng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ…

Một yêu cầu đặt ra tại chiến lược được quan tâm đó là đổi mới phương pháp thanh tra giám sát. Đối với công tác thanh tra theo hướng chuyển nhanh và mạnh từ thanh tra tuân thủ sang thanh tra trên cơ sở rủi ro, gắn kết chặt chẽ với giám sát trên cơ sở rủi ro, từng bước áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống các TCTD.

Trên thực tế, yêu cầu thanh tra trên cơ sở rủi ro gia tăng hiệu quả là nhiệm vụ quan trọng mà lãnh đạo NHNN đã đặt ra đối với Cơ quan TTGSNH từ nhiều năm nay, nhất là trong thời kỳ tái cơ cấu giai đoạn I Đề án 254 hoạt động một số ngân hàng bộc lộ yếu kém, sai sót tiềm ẩn rủi ro.  Để làm tốt được điều này, thì Cơ quan TTGSNH cần phải nâng cao công tác giám sát từ xa, các quy định quản trị rủi ro đối với các TCTD...

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ Ngành năm 2018, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đặc biệt lưu ý vấn đề trên đối với Cơ quan TTGSNH và cũng là quan tâm lớn nhất của ngành Ngân hàng trong năm nay và những năm tiếp theo.

Theo đánh giá của Phó Thống đốc Đào Minh Tú, công tác TTGSNH vẫn còn một số hạn chế nhất định như chất lượng một số cuộc thanh tra chưa cao, chưa chỉ rõ vi phạm và kiến nghị biện pháp xử lý phù hợp và kịp thời; còn phụ thuộc vào tính trung thực, chính xác từ đối tượng giám sát…

Khắc phục hạn chế trên, trong thời gian tới, công tác giám sát cần phải được tăng cường đổi mới và nâng cao hiệu quả phù hợp với yêu cầu thực tiễn của Việt Nam và các thông lệ, chuẩn mực quốc tế trong đó đẩy nhanh việc hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của Cơ quan TTGSNH. Đặc biệt, chú trọng nâng cao khả năng cảnh báo sớm đối với những rủi ro tiềm ẩn mang tính hệ thống và ngăn ngừa nguy cơ vi phạm pháp luật của các TCTD.

Đó cũng là một trong những lý do yêu cầu nâng cao khả năng cảnh báo sớm của NHNN đối với những rủi ro tiềm ẩn mang tính hệ thống và ngăn ngừa nguy cơ vi phạm pháp luật ngành Ngân hàng của các TCTD là giải pháp mà Chiến lược đặt ra đối với Cơ quan TTGSNH trong thời gian tới.

Ngăn chặn rủi ro sở hữu chéo

Nội dung được quan tâm và được đánh giá rất quan trọng là tăng cường chất lượng thanh tra giám sát các tập đoàn tài chính dưới hình thức công ty mẹ – con, trong đó công ty mẹ là TCTD.

Cũng có ý kiến góp ý cơ quan soạn thảo không nên đưa nội dung này vào trong Chiến lược, nhưng NHNN bảo lưu quan điểm và lý giải trong giai đoạn trước đây, hoạt động của các tập đoàn tài chính trên thực tế đã làm gia tăng vấn đề sở hữu chéo, xung đột lợi ích và nghĩa vụ, tiềm ẩn rủi ro lây lan lớn. Trong khi đó, khuôn khổ thanh tra giám sát cùng các quy định về an toàn, bao hàm cả khả năng phát hiện và điều chỉnh các vấn đề tiềm ẩn rủi ro hệ thống còn rất hạn chế. Đây có thể coi là một khoảng trống pháp lý rất lớn, đe dọa tới sự an toàn hệ thống tài chính nói chung nếu không kịp thời xử lý.

Về khuôn khổ pháp lý cũng đang khẳng định việc NHNN chịu trách nhiệm giám sát các tập đoàn tài chính do một định chế tài chính đứng đầu dưới hình thức công ty mẹ - con là phù hợp với những quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cũng như về nguồn lực và chuyên môn hiện có của cơ quan này.

Cụ thể, tại Điều 27, khoản 2, Nghị định 26/2014/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Cơ quan TTGSNH, Chính phủ đã giao NHNN có quyền và nghĩa vụ: “Xem xét, đánh giá các hoạt động của đối tượng giám sát ngân hàng, bao gồm cả hoạt động trong nước và ngoài nước, hoạt động của công ty mẹ, công ty con, công ty liên kết, đơn vị trực thuộc của đối tượng giám sát NH ảnh hưởng đến đối tượng giám sát ngân hàng”.

Hay như tại Điều 2, Khoản 2, điểm a Nghị định 26 cũng quy định đối tượng giám sát của Cơ quan TTGSNH như sau: “a) Đối tượng giám sát ngân hàng được quy định tại Điều 56 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bao gồm cả ngân hàng chính sách và công ty con của TCTD”.

Đánh giá tích cực giải pháp về tăng cường đầu tư công nghệ hỗ trợ công tác TTGSNH được đưa vào nội dung Chiến lược, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh: “Việc thúc đẩy mạnh mẽ giám sát từ xa phải có sự hỗ trợ rất đắc lực của công nghệ thông tin, đặc biệt phải có chuyên gia có kỹ năng phân tích tài chính của các TCTD, cũng như là đánh giá những rủi ro phi tài chính khác. Nếu không có công nghệ thông tin hiện đại phục vụ công tác thanh tra giám sát sẽ hạn chế khả năng phát hiện tức thì những dịch chuyển tài sản đáng ngờ từ các TCTD. Vì vậy NHNN cần hỗ trợ đầu tư hệ thống thông tin đủ mạnh để hỗ trợ Cơ quan TTGSNH hoạt động có hiệu quả”.

Giới chuyên môn nhận định những thay đổi về chất trong công tác thanh tra giám sát như trên là rất quan trọng. “Hệ thống ngân hàng chiếm tới 80% toàn bộ khu vực tài chính. Vì thế nhiệm vụ tăng cường hiệu lực, hiệu quả hệ thống TTGSNH, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế đặt ra rất quan trọng và đòi hỏi bước tiến mạnh hơn so với khu vực khác. Đồng thời, Cơ quan TTGSNH cần làm cầu nối phối hợp với các bộ, ngành cùng với NHNN giữ trọn ổn định cho toàn bộ khu vực tài chính”, một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhận xét thêm.