Tìm mã ngành tâm điểm 2015

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Một số mã cổ phiếu đã thể hiện được khả năng “tỏa sáng” ngay trong những ngày đầu của năm 2015.

Tìm mã ngành tâm điểm 2015
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tín hiệu tích cực từ giá dầu giảm đối với hoạt động của DN đang khiến thị trường bình tĩnh nhìn nhận lại giá trị nội tại của các mã cổ phiếu. Thêm vào đó, theo lịch sử thị trường những năm gần đây, tâm lý hưng phấn giai đoạn đầu năm cũng là một điểm sáng cộng hưởng vào đà tăng của thị trường. Kể từ năm 2010 đến nay, quý I - thời điểm các DN công bố kết quả kinh doanh năm trước - là giai đoạn ghi nhận mức tăng khá tốt của VN-Index. Một số mã ngành tiềm năng bắt đầu được phân tích, mổ xẻ để tìm kiếm cơ hội.

Với một số NĐT, thời điểm này nhóm cổ phiếu NH được đặt ở vị thế tích cực. Bởi kể từ tháng 11/2014, hầu hết cổ phiếu ngành NH tăng giá, trong đó VCB và EIB là hai cổ phiếu đạt mức tăng tốt nhất, lần lượt 23% và 8%. Chỉ số ngành này cũng đạt được mức tăng 6% trong cùng thời gian. Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá rằng, trong phạm vi hẹp, không nên quá kỳ vọng vì qua các số liệu thống kê, hệ số về hiệu quả hoạt động cũng như an toàn vốn của một số NH niêm yết và hệ thống NH chưa có sự cải thiện đồng nhất.

Chẳng hạn, tỷ lệ lãi cận biên (NIM) trong 9 tháng đầu năm 2014 chỉ cải thiện nhẹ so với 2013 ở một số NH như MBB, EIB và SHB, trong khi tỷ lệ này ở các NH khác vẫn đang trong xu hướng giảm. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ đang tăng ở MBB, EIB và CTG. Như vậy, dường như sự sôi động gần đây của nhóm cổ phiếu NH chủ yếu nhờ lan tỏa từ biến động tích cực của cổ phiếu VCB, hơn là những chuyển biến tích cực của các NH. Điều này cũng đưa giới phân tích đến nghi ngại về khả năng duy trì được sự tăng giá bền vững trong giai đoạn hiện tại của các cổ phiếu ngành này.

Ngược lại, giới phân tích cho rằng, ngành logistics mới trở thành tâm điểm chú ý, vì nhiên liệu dầu chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu giá vốn. Hiện tại, giá xăng dầu trong nước đã giảm hơn 25% sau 13 lần giảm giá và đang ở mức thấp nhất tính từ tháng 2/2011. Và rõ ràng rằng, với giá dầu thô thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục thì giá xăng dầu trong nước thời gian tới sẽ tiếp tục bám theo xu hướng này. Thêm vào đó, các yếu tố vĩ mô như các hiệp định thương mại (FTA) có thể được ký kết trong nửa đầu năm nay sẽ hứa hẹn thúc đẩy nhu cầu giao thương, nâng cao công suất khai thác kho bãi và vận tải biển. Gộp chung lại, kết quả kinh doanh của các DN logistics trong năm 2015 dự báo sẽ cải thiện mạnh về cả lượng (doanh thu) và chất (biên lợi nhuận).

Trong ngành logistics, CTCP Hải Minh (HMH) đang có được nhiều yếu tố tiềm năng. HMH hoạt động trong 4 lĩnh vực chính là vận tải đường bộ, vận tải thủy, kinh doanh kho bãi cho thuê và dịch vụ đại lý tàu biển. Công ty được biết đến nhờ vào kết quả kinh doanh ổn định, tài chính lành mạnh, cổ tức khá hấp dẫn trong giai đoạn kinh tế suy thoái vừa qua. Do đặc thù hoạt động chính của HMH là kinh doanh vận tải và kho bãi nên giá trị đầu tư tài sản cố định cũng như quy mô vốn chủ sở hữu chỉ ở mức thấp. Đồng thời, HMH luôn duy trì các chỉ tiêu về khả năng sinh lời như ROE và ROA ở mức khá cao so với các DN cùng ngành.

Một ngành nữa, theo giới phân tích hướng NĐT quan tâm đến, là ngành dệt may. Năm 2014, dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong ba năm qua (gần 24,5 tỷ USD). Trong đó, CTCP Mirae (KMR), một trong những DN lớn ở Việt Nam về sản phẩm bông chần từ sợi tổng hợp (padding, quilting) làm nguyên liệu trong sản xuất các loại áo jacket, chăn, nệm… được đánh giá rất cao.

Theo chuyên viên của CTCK Rồng Việt, phân khúc dệt may sử dụng sợi tổng hợp cũng là một trong những nhóm ngành hưởng lợi nhiều từ việc giá dầu thế giới giảm mạnh. Với KMR, chi phí nguyên liệu chính (sợi tổng hợp) chiếm khoảng 50% giá thành sản phẩm. Việc giá sợi giảm đã giúp chi phí nguyên vật liệu của KMR giảm khoảng 8% từ tháng 10/2014. Dù giá đầu vào giảm nhưng việc điều chỉnh giá bán có độ trễ nhất định nên doanh thu của KMR trong quý vừa rồi ít bị ảnh hưởng. Để đảm bảo tính cạnh tranh, công ty dự kiến sẽ giảm giá bán 2-3% từ quý I/2015. Với dự báo giá dầu sẽ khó tăng mạnh trở lại mức giá hiện tại (gần 48 USD/thùng), đây là cơ hội tốt để KMR cải thiện lợi nhuận trong năm 2015.

Bên cạnh đó, khả năng tăng trưởng của KMR trong năm tới còn đến từ việc đầu tư gia tăng năng lực sản xuất. Hiện tại, KMR có 2 nhà máy đặt tại Bình Dương và Hưng Yên, với tổng công suất thiết kế tại mỗi nhà máy khoảng 30.000 yard/ngày (gần 27.432 m/ngày). Để nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng quy mô sản xuất, trong quý IV/2014, công ty đã đầu tư khoảng 3 triệu USD cho 1 dàn máy mới với công suất khoảng 10.700 yard/ngày ở nhà máy tại Hưng Yên và thực hiện nâng cấp dây chuyền sản xuất cho nhà máy Bình Dương. Nhìn chung, KMR có thể hưởng lợi nhiều từ sự phát triển của ngành trong dài hạn…