Tín dụng chính sách: Công cụ xóa đói, giảm nghèo ở việt nam
Trong những năm qua, hộ nghèo luôn nhận được Đảng và Nhà nước ta đầu tư nhiều chương trình, chính sách để phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần. Các chính sách này đã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước để cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Quá trình hình thành và phát triển tín dụng chính sách
Chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo phát triển sản xuất là một cấu phần quan trọng trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của Việt Nam. Chính sách này đã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước để cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong những năm qua, chương trình tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo phát triển sản xuất kinh doanh được thực hiện theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ những hộ nghèo ở 64 huyện nghèo. Cùng với các chính sách an sinh xã hội, chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo phát triển sảng xuất đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giảm nghèo.
Theo đó, các chính sách hỗ trợ tín dụng trong xóa đói, giảm nghèo được quan tâm, điều chỉnh, ban hành và triển khai thực hiện trải dài trong từng giai đoạn. Chính sách hỗ trợ tín dụng cho người nghèo, vùng nghèo đã được thực hiện ở nước ta ngay từ ngày thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (năm 1951) và đã trở thành công cụ xóa đói, giảm nghèo cơ bản và bền vững. Tháng 8/1995, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 525/QĐ-TTg thành lập Ngân hàng Phục vụ người nghèo.
Ngân hàng Phục vụ người nghèo chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/1996 với số vốn điều lệ ban đầu là 500 tỷ đồng, bộ máy quản lý điều hành gọn nhẹ, việc cho vay ủy thác hoàn toàn qua hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Luật Các tổ chức tín dụng cũng quy định: Phát triển các ngân hàng chính sách hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác nhằm thực hiện các chính sách kinh tế - xã hộ của Nhà nước. Đồng thời, quy định có chính sách tín dụng đối với miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; chính sách tín dụng với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Sau 7 năm hoạt động 1996 - 2002 tổng nguồn vốn của ngân hàng phục vụ người nghèo đã lên tới 7.083 tỷ đồng với hơn 2 triệu hộ nghèo được vay vốn để phát triển sản xuất với tổng dư nợ 7.022 tỷ đồng.
Sau một thời gian tích cực chuẩn bị về mọi mặt, ngày 04/10/2002, Chính phủ đã ban hành Nghị định 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; đồng thời Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 131/2002/TTg thành lập Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) trên cơ sở tổ chức lại ngân hàng phục vụ người nghèo để thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP nhằm tập trung các nguồn vốn ngân sách tài trợ cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vào một đầu mối là NHCSXH nhằm góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội
Với quyết tâm tập trung huy động các nguồn lực tài chính cùng với nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động, liên tiếp các năm sau, NHCSXH được tiếp nhận thêm nhiều nguồn vốn từ nhiều nơi trong nước, ngoài nước, để đến cuối năm 2012, kết thúc kế hoạch 10 năm lần thứ nhất, NHCSXH thực hiện đến 14 chương trình sử dụng vốn trong nước, 4 chương trình sử dụng vốn uỷ thác nước ngoài… với tổng dư nợ đạt 113.921 tỷ đồng tăng gấp 16 lần so với thời điểm nhận bàn giao, tốc độ tăng bình quân hàng năm đạt 32,8%/năm.
Tính đến hết tháng 6/2015, tổng nguồn vốn đạt trên 141.000 tỷ đồng, tăng 6.278 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước; tổng dư nợ đạt trên 136.000 tỷ đồng. Nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,42%/tổng dư nợ.
Vốn chính sách đã góp phần giúp hơn 3,6 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 11,8 triệu lao động, trong đó trên 104 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, xây dựng được 6,6 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ 3,3 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, xây dựng được 484 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, 700 chòi tránh lũ, trên 102 nghìn ngôi nhà vượt lũ cho hộ gia đình vùng Đồng bằng sông Cửu Long…
Để đưa đồng vốn chính sách của Chính phủ đến tận tay người nghèo và đối tượng chính sách với chi phí thấp nhất, hiệu quả cao nhất, NHCSXH đã xây dựng mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Mạng lưới hoạt động của NHCSXH có 63 chi nhánh cấp tỉnh, 629 phòng giao dịch cấp huyện và gần 11.000 điểm giao dịch (hoạt động một ngày cố định trong tháng) tại các xã/phường/thị trấn trên cả nước. Ngoài ra, còn hệ thống gần 200.000 tổ tiết kiệm và vay vốn do các hội đoàn thể quản lý tại các thôn xóm, bản làng, đến tận vùng sâu, vùng xa…
Tính đến tháng 9/2016, với 20 chương trình tín dụng, tổng nguồn vốn của NHCSXH đạt hơn 157.000 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt hơn 150.000 tỷ đồng, góp phần giúp hơn 28,8 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn phát triển sản xuất; hơn 4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo.
Các chương trình của NHCSXH đã tạo việc làm mới cho 3,2 triệu lao động, trong đó 107.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp 3,4 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 8.000 căn nhà tránh lũ cho hộ nghèo tại các tỉnh miền Trung, hơn 104.000 căn nhà vượt lũ cho hộ gia đình vùng Đồng bằng sông Cửu Long và gần 484.000 căn nhà cho hộ nghèo và các gia đình chính sách chưa có nhà ở trên toàn quốc… Đặc biệt, chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được củng cố, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh giảm đáng kể khi chỉ chiếm 0,87% tổng dư nợ.
Những kết quả đạt được
Cuộc hành trình của nguồn vốn tín dụng ưu đãi vì an sinh xã hội ở nước ta đã hơn 20 năm, kể từ năm 1995 do ngân hàng phục vụ người nghèo - tiền thân của NHCSXH đảm nhận đã thu được những thành tựu nổi bật là tập trung huy động các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn, đồng thời vừa mở rộng, vừa tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trìnhh tín dụng chính sách. Thành tựu này được các đại biểu Quốc hội nhận xét là một “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo ở Việt Nam.
Cùng với đó, Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đã đánh giá: “Hoạt động tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện là một giải pháp có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn đất nước”. Điều này, đã góp phần vào mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững trong cả nước, làm tăng lòng tin của người dân vào các chính sách của Đảng, Chính phủ.
Có được những kết quả trong thời gian qua, NHCSXH đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ, các quy định tại Nghị định, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đạt kết quả tốt, trở thành công cụ tài chính hiệu quả của Nhà nước trong việc triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo, vùng nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số cư trú trên mọi miền đất nước; là cầu nối giúp người nghèo chuyển từ sản xuất nhỏ, tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa theo kinh tế thị trường, vượt qua đói nghèo để tiến tới làm giàu chính đáng, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, tạo việc làm.
“Trong thời gian tới, toàn hệ thống NHCSXH sẽ tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2020 và Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tập trung huy động vốn, tăng trưởng nguồn vốn để phục vụ nhanh nhất, hiệu quả nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đổi mới, sáng tạo không ngừng, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, góp phần đắc lực vào chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh và công bằng xã hội”, đó là phát biểu khẳng định của Bí thư Đảng ủy NHCSXH Trung ương, Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng tại Đại hội đại biểu Đảng bộ NHCSXH Trung ương lần thứ IV, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban chỉ đạo Trung ương, Báo cáo giảm nghèo năm 2015 và kế hoạch năm 2016;
2. Đào Văn Hùng (2005), Phát triển hoạt động Tài chính vi mô ở Việt Nam, NXB Lao động - Xã hội;
3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2015), Hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam, tính đến ngày 01/12/2015;
4. Các website: giamngheo.molisa.gov.vn, thuvienphapluat.vn, gso.gov.vn, vietnamplus.vn, vneconomy.vn...