Làm giàu từ biển


Trải qua quá trình dài gắn bó và phát triển với hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên của đại dương rộng lớn, đã hình thành những đô thị biển. Cà Mau nay giữ vai trò đầu tàu kinh tế, động lực trong chiến lược phát triển bền vững của địa phương, gắn với đảm bảo chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Cầu Sông Ðốc tại thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, đang được triển khai xây dựng. Ảnh: Trần Nguyên
Cầu Sông Ðốc tại thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, đang được triển khai xây dựng. Ảnh: Trần Nguyên

Ở nơi giao hoà giữa rừng và biển, hành trình xuôi theo con nước về chốn hạ nguồn, dòng người khai phá đất phương Nam đã chọn những cửa biển làm chốn dừng chân. Hết lên rừng lại xuống biển, nguồn lợi thì dồi dào và phong phú, cứ thế họ bám trụ lâu dài, rồi sinh cơ, lập nghiệp, dần hình thành những xóm làng đông đúc.

Hiện nay Cà Mau ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư trục đường bộ kết nối Ðông - Tây, và tới đây là tuyến đường ven biển phía Nam, tạo động lực rất lớn để kinh tế biển phát triển mạnh mẽ.

Sự kỳ diệu của tự nhiên đã hình thành nên một Cà Mau với tuyến bờ bao, trùm từ Ðông sang Tây dài 254 km, chiếm 7,8% chiều dài bờ biển cả nước. Ngay từ bờ Ðông đã có đô thị Tân Thuận tại cửa biển Gành Hào, theo dòng hải lưu đến cửa biển Hố Gùi (Ðầm Dơi), đi chút nữa qua đến Năm Căn thì có cửa Bồ Ðề, sang Ngọc Hiển đã có cửa biển Rạch Gốc...

Ðiểm chuyển tiếp diễn ra giữa cửa Vàm Xoáy (xã Ðất Mũi, Ngọc Hiển) và cửa Gò Công (xã Nguyễn Việt Khái, Phú Tân). Bên bờ Tây thì có cửa biển Cái Ðôi Vàm, Sông Ðốc, Ðá Bạc, Khánh Hội... cùng với đó là nhiều cửa biển nhỏ, như Ba Tỉnh, T29, T25, Sào Lưới, Hương Mai, Tiểu Dừa… lúc nào cũng nhộn nhịp ghe tàu ra vào, tạo nên bức tranh sáng bừng theo triền đê biển Tây.

Sản phẩm sau chuyến biển được phân loại tại Cảng cá Sông Ðốc để kịp vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Ảnh: Trần Nguyên
Sản phẩm sau chuyến biển được phân loại tại Cảng cá Sông Ðốc để kịp vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Ảnh: Trần Nguyên

Từ thực tế trên, với tầm nhìn chiến lược hướng ra biển và làm giàu từ biển, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh Cà Mau đã xây dựng “Chương trình về phát triển hệ thống đô thị tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Trong đó, xác định giai đoạn 2022-2025 hình thành các đô thị ven biển cơ bản đạt tiêu chí loại IV, gồm Ðô thị du lịch sinh thái Ðất Mũi (huyện Ngọc Hiển), Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời); đô thị chuyên ngành dịch vụ thuỷ sản ở Khánh Hội (huyện U Minh); đô thị chuyên ngành năng lượng, công nghiệp thuỷ sản và logistics tại Tân Thuận (huyện Ðầm Dơi).

Tỉnh Cà Mau chủ trương nghiên cứu các tiềm năng, lợi thế để quy hoạch xây dựng hai đô thị, Tân Thuận (huyện Ðầm Dơi) và Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển). Đến năm 2030 trở thành các đô thị động lực, bổ sung vào hệ thống đô thị động lực của tỉnh; huy động tổng hợp các nguồn lực.

Khai thác hợp lý các tiềm năng, lợi thế của địa phương để xây dựng mới cơ sở hạ tầng các khu vực đô thị mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng của khu vực đô thị hiện trạng; xây dựng đề án phát triển một số đô thị hạt nhân, đô thị ven biển hiện đại theo mô hình sinh thái, tăng trưởng xanh, thông minh gắn với phát triển du lịch bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Trần Nguyên/ Báo Cà Mau