Lần đầu tiên Việt Nam có đại diện là thành viên Hội đồng APO-AB

Nguyễn Linh

Việt Nam lần đầu tiên trở thành thành viên hội đồng cơ quan công nhận của APO.

Hội đồng APO-AB sẽ đánh giá và xem xét, công nhận năng lực và độ tin cậy của các cơ quan năng suất quốc gia (NPO) và các tổ chức có liên quan.
Hội đồng APO-AB sẽ đánh giá và xem xét, công nhận năng lực và độ tin cậy của các cơ quan năng suất quốc gia (NPO) và các tổ chức có liên quan.

Mới đây, dựa theo Quy tắc và Quy trình APO-AB 1001:2020 cùng với việc đánh giá năng lực và kinh nghiệm, thành tích trong lĩnh vực năng suất, tổng cộng 11 đại diện tiêu biểu đã được đề xuất lựa chọn làm thành viên danh giá Hội đồng APO-AB.

Trong đó, TS. Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Giám đốc APO Việt Nam đã trở thành một trong 11 thành viên của Hội đồng APO-AB nhiệm kỳ 2023-2025. Đáng chú ý hơn cả, đây là lần đầu tiên Việt Nam có đại diện là thành viên Hội đồng APO-AB.

Cuộc họp thường niên đầu tiên của Hội đồng APO-AB nhiệm kỳ 2023-2025 dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 15 – 16/3/2023 tại Ulaanbaatar, Mông Cổ.

Được biết, được thành lập vào năm 2019, Hội đồng cơ quan công nhận của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO-AB Council) đảm nhận vai trò quản lý và thực hiện Chương trình Chứng nhận và Kiểm định APO phù hợp với các yêu cầu quốc tế. Đây là một hoạt động vô cùng quan trọng nhằm nâng cao và quảng bá vai trò của APO với tư cách là một tổ chức năng suất quốc tế hàng đầu khu vực.

Hội đồng APO-AB sẽ đánh giá và xem xét, công nhận năng lực và độ tin cậy của các cơ quan năng suất quốc gia (NPO) và các tổ chức có liên quan khác, nhằm xây dựng nhận thức về APO, nuôi dưỡng và mở rộng cộng đồng chuyên gia năng suất quốc tế, đồng thời củng cố vai trò lãnh đạo của APO trong lĩnh vực năng suất trong khu vực.

Hội đồng APO-AB bao gồm lãnh đạo của các NPO, quan chức chính phủ, đại diện của các tổ chức công nhận quốc gia, tổ chức công nghiệp dưới sự điều phối của Tổng Thư ký APO, Chủ tịch Hội đồng.

Hội đồng APO-AB đóng vai trò là cơ quan có thẩm quyền cao nhất để xem xét tiến độ, đưa ra các khuyến nghị về cách thức cải thiện quản lý và đề ra các định hướng trong tương lai.