Lan tỏa hiệu quả chương trình khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan

Trần Huyền

Sau 1 năm triển khai, Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật Hải quan đã mang lại những kết quả thiết thực. Chương trình này sẽ tiếp tục được Tổng cục Hải quan mở rộng đối tượng tham gia nhằm lan tỏa hiệu quả của Chương trình, nâng cao mức độ tuân thủ pháp luật hải quan trong thời gian tới.

Cán bộ Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Hòn Gai giám sát hoạt động xếp dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu tại Cảng container quốc tế Cái Lân (CICT). Ảnh: internet
Cán bộ Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Hòn Gai giám sát hoạt động xếp dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu tại Cảng container quốc tế Cái Lân (CICT). Ảnh: internet

Nhiều lợi ích đối với doanh nghiệp

Với mong muốn đồng hành, giúp đỡ doanh nghiệp tự đánh giá được mức độ tuân thủ, từ đó có các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ, ngày 15/7/2022, Tổng cục Hải quan ban hành Quyết định số 1399/QĐ-TCHQ về việc ban hành Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật Hải quan.

Chương trình này mang tính chất đối tác, trên tinh thần tự nguyện, hợp tác. Thủ tục tham gia Chương trình đơn giản, hạn chế tối đa các thủ tục hành chính, giấy tờ phiền hà cho doanh nghiệp khi tham gia.

Khi tham gia Chương trình, các doanh nghiệp sẽ được cơ quan Hải quan hỗ trợ nâng cao mức độ tuân thủ, từ đó giảm tỷ lệ kiểm tra đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Đồng thời sẽ được hưởng các ưu đãi về thủ tục trong quá trình tự nguyện tuân thủ pháp luật.

Không những thế, doanh nghiệp còn được cơ quan hải quan cấp chứng nhận là thành viên Chương trình tự nguyện tuân thủ, giúp doanh nghiệp nâng cao thương hiệu, uy tín và là tiền đề để doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi trong trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu trong nước và trên thị trường quốc tế.

Doanh nghiệp cũng được ưu tiên hỗ trợ và được cơ quan hải quan cử công chức có trình độ năng lực, đảm bảo tạo thuận lợi tối đa để giải quyết khi doanh nghiệp thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu tại cửa khẩu, cảng trên phạm vi toàn quốc.

Cùng với đó, còn được cơ quan hải quan ghi nhận tư cách thành viên trên hồ sơ doanh nghiệp và các hệ thống thông tin nghiệp vụ của cơ quan Hải quan để đảm bảo được hưởng các biện pháp hỗ trợ, tạo thuận lợi trong quá trình hoạt động xuất nhập khẩu.

Ngoài ra, doanh nghiệp tham gia Chương trình còn được ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi trong kiểm tra bằng máy soi khi doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí đối với việc thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa của doanh nghiệp.

Lan tỏa hiệu quả thiết thực

Triển khai Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật Hải quan, nhiều Cục Hải quan trong cả nước đã ký kết biên bản ghi nhớ, kế hoạch hành động với các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.

Chương trình đã mang lại hiệu quả thiết thực sau 1 năm triển khai thực hiện. Theo Tổng cục Hải quan, qua một năm triển khai thực hiện, đã có 213 doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đại lý hải quan tham và được công nhận là thành viên của Chương trình tại 34 Cục Hải quan các tỉnh, thành phố.

Nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình đã tăng hạng về tuân thủ pháp luật hải quan. Điển hình như tại Cục Hải quan Đồng Tháp, Công ty TNHH liên doanh Nghị Phong và Công ty TNHH Tỷ Thạc đã có những kết quả tích cực. Cụ thể, trước khi tham gia Chương trình, hệ thống thông tin ngành Hải quan ghi nhận các doanh nghiệp này tuân thủ pháp luật xếp hạng 4, nhưng sau 1 năm tham gia Chương trình, đến tháng 6/2023, doanh nghiệp được hệ thống thông tin ngành Hải quan ghi nhận đánh giá tuân thủ xếp hạng 3.

Là một trong những doanh nghiệp tham gia Chương trình, Công ty TNHH Deawon Auto Vina chuyên lắp ráp ghế ngồi cho ngành Ô tô, chuyên nhận thầu các loại phụ tùng với số lượng lớn đã ghi nhận thời gian thông quan mỗi lô hàng giảm tới 30-40% so với trước thời điểm trở thành thành viên của Chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hải quan. Từ đó, góp phần thúc đẩy quá trình sản xuất và tăng năng lực cạnh tranh, uy tín của doanh nghiệp.

Có thể nói, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan là chương trình đặc biệt có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay, khi ngành Hải quan thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, hỗ trợ, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Được biết, hiện nay, Tổng cục Hải quan đang thực hiện các bước mở rộng đối tượng tham gia nhằm lan tỏa hiệu quả của Chương trình, nâng cao mức độ tuân thủ pháp luật trong thời gian tới.

Theo ông Hồ Ngọc Phan - Phó Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro, để tăng số lượng doanh nghiệp tham gia, Tổng cục Hải quan sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giải thích cho doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa và lợi ích của doanh nghiệp khi tham gia chương trình.

Cùng với đó, ngành Hải quan cũng sẽ thực hiện các hoạt động hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng thông qua việc điều phối, phối hợp với các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan, từ cấp cục đến chi cục hải quan...