Lựa chọn ở ngoài trung tâm sẽ trở nên phổ biến


Khi hệ thống Metro và hạ tầng giao thông công cộng trong các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được phát triển sẽ là cơ hội để giá trị các bất động sản tăng lên.

Việc xây dựng các dự án giao thông đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển thị trường nhà ở, đặc biệt ở khu vực ngoại thành
Việc xây dựng các dự án giao thông đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển thị trường nhà ở, đặc biệt ở khu vực ngoại thành

CBRE dự báo, trong vòng 20 năm tới, Hà Nội dự kiến sẽ có ít nhất 4 tuyến metro đi vào hoạt động. Các tuyến mới được kỳ vọng sẽ cải thiện khả năng kết nối từ khu vực Hòa Lạc, quận Bắc Từ Liêm đến trung tâm thành phố hiện hữu.

Đòn bẩy hạ tầng

Hà Nội đã khởi công xây dựng đường vành đai số 3, 5 và 4. Dự kiến sau khi hoàn thành, các dự án hạ tầng này sẽ tạo ra nhiều triển vọng phát triển mới cho các quận ngoại thành như Đan Phượng, Đông Anh, Hoài Đức và các khu vực lân cận của tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên.

Dự kiến cũng sẽ có thêm 9 cây cầu nối 2 bờ sông Hồng được hoàn hành trước năm 2050. Việc hoàn thành các cây cầu mới này có khả năng nâng tầm vị thế của khu vực phía Bắc và phía Đông Hà Nội thành một cụm thương mại và nhà ở mới.

Hà Nội hiện đang lên kế hoạch phát triển một sân bay quốc tế khác để bổ sung cho Sân bay Quốc tế Nội Bài hiện hữu. Sân bay mới dự kiến sẽ nằm tại một quận ngoại thành phía Nam thành phố. Điều này sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản công nghiệp cũgn như nhà ở tại những khu vực này.

Tương tự, TP. Hồ Chí Minh trong 20 năm tới dự kiến sẽ có ít nhất 3 tuyến metro đi vào hoạt động. Những tuyến mới này được kỳ vọng sẽ tăng cường khả năng kết nối từ TP.Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Bình Chánh đến trung tâm thành phố.

Sân bay quốc tế Long Thành hiện đang trong quá trình xây dựng tại tỉnh Đồng Nai. Sân bay này dự kiến sẽ thu hút một lượng doanh nghiệp và lao động đáng kể, kéo theo sự phát triển của các khu dân cư phía Đông TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai.

Đường vành đai 3 hiện đang được xây dựng và sẽ đi qua một số tỉnh thành, gồm TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Sau khi dự án này được hoàn thành, khả năng kết nối giữa các tỉnh, thành phố sẽ được cải thiện, mở rộng khu dân cư ra các khu vực ngoại thành như TP.Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, cùng với các tỉnh Long An và Đồng Nai.

Khu vực Thủ Thiêm sẽ được kết nối với Quận Bình Thạnh, Quận 1, Quận 4 và Quận 7 qua 5 cây cầu (trong đó có 1 cầu đi bộ) theo quy hoạch chung của TP. Ngoài ra, chính quyền TP. Hồ Chí Minh đang tiến hành xây dựng thêm 3 cây cầu khác thuộc dự án Đường Vành đai 3.

Động lực phát triển thị trường nhà ở các tỉnh thành

Trước cam kết của chính phủ về việc nâng cấp hạ tầng giao thông, bức tranh thị trường bất động sản cũng đang trải qua quá trình thay đổi. Theo dự báo của Tổ chức G20 về Triển vọng Hạ tầng Toàn cầu, Việt Nam đã dành từ 6% đến 7% GDP của mình để phát triển hạ tầng trong 5 năm qua. G20 dự đoán rằng Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư vào hạ tầng với tỷ lệ từ 4% đến 6% GDP hàng năm trong tương lai.

Đến năm 2030, chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành 5.000 km đường cao tốc và đến năm 2050, mục tiêu là mở rộng hệ thống hạ tầng lên 9.000 km đường cao tốc. Mạng lưới đường liên tỉnh được cải thiện sẽ thúc đẩy sự phát triển của các thành phố mới và đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển không chỉ giới hạn ở khu vực Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Miền Bắc: Các tỉnh/thành ven biển như Hải Phòng, Quảng Ninh và có thể cả Thái Bình là những ứng cử viên tiềm năng ở miền Bắc để trở thành khu vực nhà ở chính, ngoài đô thị lớn Hà Nội. Việc hoàn thành gần đây của tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái (biên giới Trung Quốc) và việc mở rộng tương lai của tuyến đường ven biển Hải Phòng - Thái Bình sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển thị trường công nghiệp, tạo việc làm và thu hút người dân di chuyển đến các tỉnh thành này. Điều này sẽ tạo ra cơ hội để hình thành các đại đô thị mới.

Miền Trung: Đối với khu vực miền Trung, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa và Bình Định có tiềm năng trở thành những nền kinh tế chính bên cạnh Đà Nẵng. Phát triển ngành du lịch và công nghiệp sẽ là động lực chính để phát triển kinh tế cho các tỉnh thành này, thúc đẩy phát triển dân số và nhu cầu nhà ở.

Miền Nam: Cần Thơ, Bình Phước, Long An và Tây Ninh có tiềm năng trở thành các thị trường nhà ở mới nổi ở miền Nam. Những tỉnh này sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển thị trường công nghiệp và việc cải thiện kết nối với TP. Hồ Chí Minh.

Theo CBRE, việc xây dựng các dự án giao thông công cộng và tuyến xe buýt sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc phát triển thị trường nhà ở, đặc biệt là ở khu vực ngoại thành. Chất lượng vị trí được xác định bởi khả năng tiếp cận các tiện ích bán lẻ và dịch vụ lưu trú, sự tập trung sẽ dồn vào các Dự án phát triển dựa trên Hạ tầng Giao thông (Transit-Oriented Developments - TODs) gần các trạm metro và tuyến xe buýt chính.

Cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang tiến hành phát triển và thực hiện cơ chế đặc biệt cho TODs, điều này sẽ tạo nền tảng cho việc phát triển các cụm dân cư và thương mại mới trong các thành phố này. 

Theo Đan Thanh/Diendandoanhnghiep.vn