Miễn, giảm thuế “cần câu” giúp doanh nghiệp ứng phó với đại dịch

Việt Dũng

Chính phủ đã chính thức có Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội các giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19. Trong đó, điểm nhấn chính là gói miễn, giảm thuế lên tới 20.000 tỷ đồng, khi áp lực cân đối thu chi rất lớn. Điều này thể hiện sự đồng hành của Chính phủ đối với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có “cần câu” để ứng phó với đại dịch.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trả lời báo chí mới đây, PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế nhận định, trong bối cảnh việc thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước còn nhiều thách thức, việc đề xuất những giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội là hết sức cần thiết. Đây cũng là “cần câu” để doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có thể vực dậy trong thời điểm khó khăn. 

Theo tính toán của Bộ Tài chính, tính chung các giải pháp thực hiện từ đầu năm 2021 và giải pháp đang chuẩn bị đề xuất thì số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân sẽ khoảng 138 nghìn tỷ đồng.

Đại diện Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, ngay sau khi có ý kiến Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị quyết theo Thông báo số 209/TB-VPCP ngày 5/8 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính đã khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, gửi xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp cũng như tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến các thành viên Chính phủ để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đến ngày 13/8, Chính phủ đã chính thức có Tờ trình số 289/TTr-CP trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị quyết để cho ý kiến và đề nghị thông qua Nghị quyết theo quy trình một phiên họp. Dự thảo Nghị quyết gồm 4 chính sách, trong đó tiếp tục giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2021 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác như đã áp dụng năm 2020. Đồng thời, có 3 nhóm chính sách lần đầu tiên được đề xuất kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện gồm:

Thứ nhất, giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, địa bàn, các hình thức, phương pháp khai thuế, nộp thuế.

Thứ hai, giảm 30% mức thuế suất, mức tỷ lệ % thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 như du lịch, vận tải, lưu trú, ăn uống, thể thao, vui chơi, giải trí; sáng tác, nghệ thuật; báo chí, truyền hình, thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác...

Thứ ba, miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 (02 năm ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19) đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, năm 2019, năm 2020...

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc miễn, giảm thuế lần này sẽ khiến ngân sách nhà nước hụt thu khoảng 20.000 tỷ đồng, trong khi áp lực cân đối thu chi rất lớn. Tuy nhiên, điều này thể hiện sự đồng hành của Chính phủ, Bộ Tài chính đối với cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh giúp họ có “cần câu” để ứng phó với đại dịch. Các đối tượng thụ hưởng cần tận dụng cơ hội này, nỗ lực để vượt qua khó khăn.

Nêu quan điểm về gói hỗ trợ lần này, PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, lần này ngoài việc tiếp tục các giải pháp hỗ trợ đã có thì Bộ Tài chính đã đề xuất thêm những nội dung mới so với các gói hỗ trợ trước. Dự thảo đã mở rộng việc miễn giảm thuế đến các hộ dân cư một cách cụ thể; giảm số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động kinh doanh của quý III và quý IV/2021 đối với hộ, cá nhân kinh doanh; giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm lĩnh vực dịch vụ bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh; miễn tiền chậm nộp, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất…

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, chính sách miễn giảm lần này tương đối nhanh chóng, kịp thời và mang tính đột phá. "Nhanh chóng, kịp thời" vì việc bùng phát đại dịch lần tư chỉ từ cuối tháng 4 và khi Bộ Tài chính có ý kiến đề xuất, Chính phủ đã nhanh chóng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp bắt tay vào thực hiện chính sách ngay để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong khi đó, "mang tính đột phá" vì đây là cố gắng của Bộ Tài chính, của Chính phủ để rút ngắn quy trình khi nó vượt quá thẩm quyền của Chính phủ nên cần phải Quốc hội cho phép. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021, trong đó cho phép trong thời gian Quốc hội không họp, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn trước khi thực hiện; và đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi thực hiện. 

Hiện gói hỗ trợ đang được cộng đồng doanh nghiệp đón đợi. Theo PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh, doanh nghiệp hoàn toàn có thể tính toán được số thuế phải nộp, số thuế được trừ. Chuyên gia này cũng tin tưởng, một khi được thông qua, số tiền hỗ trợ chắc chắn sẽ đến ngay và đến đúng đối tượng. 

Theo kết quả điều tra đối với gần 12.000 doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam  tiến hành cuối năm 2020, các nhóm giải pháp hỗ trợ về thu ngân sách là nhóm giải pháp có hiệu ứng và tác động tốt nhất với các doanh nghiệp, đặc biệt là các nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh như du lịch, khách sạn.