Agribank đồng hành cùng phụ nữ Việt Nam

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 – Tháng 10/2019

Trải qua gần 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng về phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới...

Agribank không ngừng nỗ lực đồng hành, hỗ trợ triệu phụ nữ Việt Nam phát triển kinh tế gia đình.
Agribank không ngừng nỗ lực đồng hành, hỗ trợ triệu phụ nữ Việt Nam phát triển kinh tế gia đình.

Những chính sách ưu đãi, hỗ trợ phụ nữ xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước đã được toàn hệ thống chính trị, trong đó có ngành Ngân hàng và Agribank đặc biệt quan tâm.

Hỗ trợ phụ nữ thông qua cung ứng dịch vụ tài chính vi mô

Một trong những mục tiêu hàng đầu trong công cuộc đổi mới đất nước đó là xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, tăng trưởng kinh tế gắn với công bằng xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới. Hoạt động tài chính vi mô của Việt Nam đã khẳng định vai trò quan trọng thông qua đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là các hộ gia đình thu nhập thấp, khu vực nông thôn về nguồn vốn vay, các dịch vụ tài chính để phát triển kinh tế.

Là ngân hàng thương mại (NHTM) có “dịch vụ tài chính vi mô tốt nhất Việt Nam”, hiện nay, cùng với Ngân hàng Chính sách Xã hội (được thành lập trên cơ sở đề xuất của Agribank năm 1995 về thành lập Ngân hàng phục vụ người nghèo và được tách ra từ Agribank), Quỹ Hỗ trợ nông dân (trực thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam), Agribank là một trong những kênh chính thức cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính vi mô.

Với mạng lưới rộng khắp gần 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch có mặt khắp mọi vùng, miền, và là NHTM duy nhất có mặt tại 9/13 huyện đảo, Agribank đã mở rộng hoạt động tài chính vi mô trên toàn quốc. Agribank hiện có trên 14 triệu khách hàng sử dụng sản phẩm huy động vốn, 4 triệu khách hàng sử dụng sản phẩm tín dụng và trên 11 triệu tài khoản thanh toán.

Việc chú trọng đầu tư cho vay xây dựng nông thôn mới của Agribank tại khu vực Trung du và miền núi phía Bắc đã thúc đẩy quá trình sản xuất kinh doanh của người dân, giải quyết vấn đề việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, góp phần cải thiện đời sống của người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Đến 30/9/2019, tổng nguồn vốn huy động đạt 1.285.356 tỷ đồng, trong đó chủ yếu tiền gửi huy động từ dân cư; quy mô tín dụng và đầu tư đạt trên 1.120.000 tỷ đồng. Dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn chiếm tỷ trọng trên 70%/tổng dư nợ (nguồn vốn Agribank chiếm trên 50% thị phần tín dụng nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam), trong đó dư nợ tập trung vào đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình.

Với vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn, để triển khai hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Agribank đã ký kết các nghị quyết liên tịch với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam, phối hợp triển khai thực hiện mô hình cho vay qua Tổ vay vốn nhằm chuyển tải vốn và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích, hỗ trợ người dân, trong đó có hàng triệu phụ nữ cả nước có điều kiện thuận lợi trong tự chủ phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, Agribank đã phát triển trên 63.000 Tổ vay vốn, thu hút gần 1,4 triệu thành viên tham gia, với dư nợ qua tổ vay vốn trên 134.000 tỷ đồng.

Tham gia Tổ vay vốn của Agribank, chị em phụ nữ được hướng dẫn tư vấn về thủ tục, hồ sơ vay vốn, đồng thời có thể trao đổi kinh nghiệm, học hỏi về phương thức đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, từ đó phát huy vai trò của người phụ nữ trong gia đình xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới.

Tiếp tục đồng hành cùng hàng triệu phụ nữ Việt Nam

Triển khai thành công mô hình cho vay qua Tổ vay vốn với sự phối hợp của Hội Phụ nữ các cấp đã tạo nên những hiệu quả rõ nét trên mọi phương diện. Thông qua tham gia Tổ vay vốn, chị em phụ nữ được tuyên truyền về cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước, được quán triệt các chỉ đạo của các cấp chính quyền, giữ vững lập trường tư tưởng, tập trung tăng gia sản xuất.

Các Tổ vay vốn theo thỏa thuận liên ngành giữa Agribank và Hội Phụ nữ thường do các Hội viên của Hội phụ nữ có uy tín được bầu làm tổ trưởng.
Các Tổ vay vốn theo thỏa thuận liên ngành giữa Agribank và Hội Phụ nữ thường do các Hội viên của Hội phụ nữ có uy tín được bầu làm tổ trưởng.

Các Tổ vay vốn theo thỏa thuận liên ngành giữa Agribank và Hội Phụ nữ thường do các Hội viên của Hội phụ nữ có uy tín được bầu làm tổ trưởng, thành viên trong tổ chủ yếu là phụ nữ, hoạt động của tổ được sự quan tâm của Hội phụ nữ các cấp cơ sở và trung ương. Theo đó, các thành viên được tư vấn, hướng dẫn về hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, truyền tải kinh nghiệm và khoa học công nghệ, được khích lệ tham gia sản xuất kinh doanh, từ đó khẳng định vai trò của mình. Bên cạnh đó, các hội viên phụ nữ được tiếp cận vốn vay ngân hàng dễ dàng hơn, hiểu hơn về hồ sơ thủ tục vay vốn, biết và lựa chọn sản phẩm dịch vụ ngân hàng phù hợp với nhu cầu.

Trao quyền cho phụ nữ và tăng quyền năng cho phụ nữ đang là một xu hướng lớn của thế giới hiện đại. Phụ nữ và lao động nữ đang trở thành một trong những động lực chính trong sự phát triển toàn cầu. Đây không chỉ đơn thuần thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, mà còn thực sự đóng vai trò động lực của tăng trưởng. Đặc biệt trong xu thế phát triển cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới nền kinh tế bao trùm và nhân văn hơn thì vai trò của phụ nữ rất quan trọng.

Tại Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ tham gia thị trường lao động khá cao, đạt 73% và phụ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 31,8%, thuộc nhóm cao nhất của khu vực Đông Nam Á. Việc nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, chú trọng đến nữ làm chủ doanh nghiệp đang là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Agribank với sứ mệnh gắn với “Tam nông” đã và đang không ngừng nỗ lực đồng hành cùng hàng triệu phụ nữ Việt Nam ở mọi thành phần kinh tế tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước.