Bùng nổ cho vay tín dụng xanh

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Hàng loạt ngân hàng đang đẩy mạnh vốn vào lĩnh vực “tín dụng xanh”. Không chỉ các dự án lớn, mà ngay đến những doanh nghiệp nhỏ, thậm chí cá nhân cũng được vay vốn ưu đãi.

Tính chất của các dự án “xanh” không khó và không có rủi ro cao.
Tính chất của các dự án “xanh” không khó và không có rủi ro cao.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết tính đến quý I/2019 đã có 20 tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay “tín dụng xanh” với dư nợ 242.000 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2018, trong đó cho vay trung dài hạn xấp xỉ 188.000 tỷ đồng, chiếm 77%, cho vay ngắn hạn 54.000 tỷ đồng.

Nhiều ưu đãi

“Tín dụng xanh” được hiểu là những khoản vay cho các dự án có liên quan đến yếu tố môi trường, như thích ứng biến đổi khí hậu, sử dụng tài nguyên hiệu quả, tiết kiệm năng lượng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hầu hết các ngân hàng hiện nay đều chú trọng đến yếu tố “xanh” nhiều hơn trong hoạt động cấp tín dụng. Thậm chí, một số ngân hàng gắn tính “xanh” vào các chiến lược marketing và định hướng phát triển dài hạn của mình.

Kết quả khảo sát về áp dụng “tín dụng xanh” trong ngành ngân hàng của NHNN cho thấy có 19 TCTD xây dựng chiến lược quản lý rủi ro môi trường xã hội, trong đó có 13 TCTD tích hợp nội dung quản lý rủi ro môi trường xã hội vào quy trình hoạt động “tín dụng xanh”, 10 TCTD đã xây dựng được sản phẩm tín dụng ngân hàng cho “tín dụng xanh”, 17 TCTD đã sử dụng sổ tay đánh giá rủi ro môi trường xã hội cho 10 ngành kinh tế.

Hơn một năm trở lại đây, nhiều ngân hàng đã liên tục đưa ra các chương trình tín dụng ưu đãi cho khách hàng doanh nghiệp (DN) và khách hàng cá nhân vay vốn triển khai các dự án “xanh”.

Chẳng hạn, Sacombank vừa triển khai gói cho vay hạn mức tối đa 500 triệu đồng, lãi suất giảm 1% so với lãi suất hiện hành, thời hạn vay tối đa 60 tháng cho khách hàng cá nhân có nhu cầu mua thiết bị điện năng lượng mặt trời phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và kinh doanh sản xuất.

BIDV cũng đã phối hợp với CTCP Đầu tư và phát triển năng lượng mặt trời Bách Khoa (SolarBK) hỗ trợ cho các hộ gia đình (trong liên kết của SolarBK) vay tối đa 75% tổng vốn đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái với thời hạn 12 – 36 tháng, lãi suất 10%/năm để đầu tư hệ thống sản xuất điện mặt trời.

Còn HDBank cho vay với DN đầu tư dự án điện mặt trời trên mái nhà, tỷ lệ vay lên đến 70%, thời hạn cho vay 5 năm. Vietcombank tham gia tài trợ một số dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như các thủy điện nhỏ và vừa, dự án nhiệt điện sinh thái, dự án điện năng lượng mặt trời.

Nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh vốn vào lĩnh vực “tín dụng xanh”
Nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh vốn vào lĩnh vực “tín dụng xanh”
 

Cần thêm vốn trung dài hạn

Dư nợ cam kết cho vay các dự án “tín dụng xanh” của VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank, SHB, HDBank, OCB… đã lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Chưa kể, một số ngân hàng còn tài trợ các dự án “tín dụng xanh” thông qua mua lại trái phiếu do chính DN đầu tư phát hành, nên con số thực có thể còn cao hơn nữa.

Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại khi các ngân hàng ồ ạt đẩy vốn vào lĩnh vực này và khó kiểm soát rủi ro. Chẳng hạn như một số dự án điện mặt trời nếu không nằm trong vùng quy hoạch (chỉ dự án trong quy hoạch mới được Nhà nước chấp nhận cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam mua điện), đồng nghĩa với đầu ra rất bấp bênh.

Thực tế, thời gian cho vay các dự án này thường dài hạn, trong khi nguồn vốn các ngân hàng huy động chủ yếu là ngắn hạn. Do đó, nếu dự án “xanh” gặp khó khăn kéo theo ngân hàng cũng phải gánh rủi ro.

Tuy nhiên, lãnh đạo một nhà băng chia sẻ dù đẩy mạnh cho vay “tín dụng xanh” với giá ưu đãi, song không phải dự án nào có yếu tố “xanh” cũng được cấp tín dụng, các nhà băng cũng có những tiêu chí nhất định. Đối với DN, các dự án phải chứng minh được tính hiệu quả, minh bạch thông tin, kinh doanh có lợi nhuận, có kinh nghiệm trong lĩnh vự công nghệ “xanh” tối thiểu một năm, đặc biệt phải chứng minh được đầu ra của sản phẩm. Đối với cá nhân, phải chứng minh được năng lực tài chính, có hồ sơ “sạch”, không có nợ xấu tại ngân hàng.

Về phía nhà đầu tư các dự án tăng trưởng “xanh”, ông Dominic Scriven, Chủ tịch HĐQT Quỹ Dragon Capital, cho biết Quỹ có tham gia các dự án “xanh”, đó là dự án nhỏ về sản xuất điện mặt trời, thủy điện… Tính chất của các dự án “xanh” không khó và không có rủi ro cao. Việt Nam có nhiều kỹ sư giỏi nên không thể không làm nổi các dự án “xanh”.

Theo ông Dominic Scriven, rủi ro nếu có không nằm ở đầu tư, mà có thể đến từ các quy định của Nhà nước như: trong điều khoản hợp đồng về trách nhiệm giữa bên mua và bán đang có lợi cho bên mua, đẩy rủi ro cho bên bán.

Ngoài ra, để tạo nguồn vốn cho các dự án “xanh”, ngân hàng cần dành thêm vốn trung dài hạn cho các dự án này. Trong khi đó, Việt Nam rất có khả năng tạo ra nguồn vốn trung dài hạn nhưng phải nỗ lực hơn nữa như việc thành lập các định chế tài chính, như: quỹ hưu trí, quỹ tín thác, phát triển thị trường trái phiếu DN… Nếu các cơ quan quản lý không nhanh chóng thúc đẩy cơ chế cho thị trường vốn trung dài hạn phát triển trong nước thì các dự án “xanh” sẽ phải tìm kiếm nguồn vốn trung dài hạn ở nước ngoài đắt đỏ hơn.