Các nền kinh tế đang giảm lãi suất, tại sao Việt Nam “đứng im”?

Theo Nhuệ Mẫn/tinnhanhchungkhoan.vn

Nhiều nền kinh tế trên thế giới đang phát đi tín hiệu hạ lãi suất, nhưng Việt Nam chưa có những động thái tương tự vì nhiều lý do.

Các nền kinh tế đang giảm lãi suất, tại sao Việt Nam “đứng im”?
Các nền kinh tế đang giảm lãi suất, tại sao Việt Nam “đứng im”?

Lãi suất huy động phải thực dương

Lãi suất thực được tính bằng cách lấy lãi suất danh nghĩa trừ đi tỷ lệ lạm phát.

Hiện lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,2 - 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5 - 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,5 - 6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6 - 7,5%/năm.

Trước đó, giai đoạn 2014 - 2018, lãi suất huy động thực của Việt Nam luôn được đảm bảo dương, một phần là do tư duy điều hành cũng như tâm lý của người gửi tiền.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế đánh giá, tương quan giữa lãi suất huy động (theo yêu cầu của người gửi tiền) với tỷ lệ lạm phát của Việt Nam là cùng chiều và mật thiết hơn so với các nước khu vực.

Lãi suất huy động thực tại các quốc gia trong khu vực và cùng mức thu nhập ở mức rất thấp, thậm chí có nhiều năm ở mức “âm”.

Lãi suất huy động thực trung bình của Việt Nam trong giai đoạn này ở mức 2,58%/năm, thấp hơn so với Indonesia là 3,26%/năm, Myanmar là 2,61%/năm, nhưng cao hơn nhiều so với Trung Quốc 0,03%/năm; Hàn Quốc 0,41%/năm; Malaysia 1,3%/năm.

Các quốc gia khác như Thái Lan, Singapore, Philippines thậm chí có lãi suất huy động thực âm.

“Lãi suất huy động thực duy trì ở mức cao chủ yếu do mức lãi suất yêu cầu của người gửi tiền trên cơ sở lạm phát kỳ vọng và so sánh giữa nắm giữ tiền Việt và ngoại tệ. Theo đó, với mức lạm phát kiểm soát của Việt Nam trong năm được xác định ở mức 3 - 4% cùng với mức mất giá VND được kỳ vọng ở mức 2 - 3% đã khiến mức lãi suất huy động danh nghĩa yêu cầu của người gửi tiền khó thấp hơn 5%/năm.  Lãi suất huy động cao dẫn đến lãi suất đi vay tại Việt Nam cũng cao hơn so với các nước khác trong khu vực”, TS. Lực nhận định.

Số liệu của Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2014 - 2018 cho biết, khi so sánh Việt Nam với một số nước trong khu vực, có thể thấy lãi suất cho vay thực của Việt Nam (tính bằng nội tệ) ở mức trung bình cao 4,96%/năm so với mức bình quân của 10 quốc gia là 4,39%/năm.

Mặc dù so với nhóm các nước có cùng mức thu nhập lãi suất cho vay là 7,35%/năm, mức lãi suất cho vay thực của Việt Nam dù không quá cao, song vẫn là điều nhiều doanh nghiệp băn khoăn.

Lãi suất quý IV sẽ biến động theo mùa vụ

Thanh khoản thị trường liên ngân hàng VND được duy trì tương đối ổn định trong phần lớn thời gian của tháng 8 trước khi đột ngột trở nên căng thẳng vào giai đoạn tuần cuối tháng.

Sau động thái giảm lãi suất tín phiếu vào cuối tháng 7 của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất đã được duy trì ở mức 2,9 - 3,1%/năm với kỳ hạn qua đêm tới 1 tuần trong khoảng 3 tuần đầu và sau đó đã bất ngờ tăng mạnh 1,5%/năm lên mức khoảng 4,5%/năm chỉ trong 1 tuần cuối cùng của tháng 8.

Diễn biến trên đã tác động khiến lãi suất bình quân kỳ hạn 1 tuần tăng nhẹ 0,1% so với bình quân tháng trước, lên mức 3,3%/năm, nhưng vẫn thấp hơn khoảng 0,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Yếu tố tác động khiến lãi suất đột ngột tăng mạnh vào cuối tháng 8 được Nhóm Nghiên cứu, Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV cho biết, chủ yếu là do đặc thù phân tán của thị trường VND liên ngân hàng khi nguồn cung tập trung vào một số ngân hàng thương mại và khi các ngân hàng này hạn chế nguồn cung dễ khiến cho thị trường có xu hướng khan thanh khoản cục bộ vào một số thời điểm nhất định.

Tình hình chênh lệch huy động vốn và tín dụng VND được duy trì tương đối ổn định kể từ tháng 7. Tính từ đầu năm, tốc độ tăng trưởng huy động vốn và tín dụng lần lượt ở mức 7,52%/năm và 7,82%/năm.

Số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại tại thời điểm cuối tháng 8 về cơ bản vẫn ở mức cao và tương đương so với cùng kỳ tháng trước.

Tuy vậy, việc lượng tiền trên bị điều chỉnh giảm vào thời điểm cuối tháng khi nguồn cung từ các ngân hàng thương mại lớn bị sụt giảm trong ngắn hạn đã có tác động cộng hưởng lên tâm lý thị trường và đẩy mạnh lãi suất kỳ hạn 1 tuần lên sát mức lãi suất OMO.

Giám đốc tài chính một ngân hàng thương mại cổ phần dự báo, thanh khoản thị trường liên ngân hàng trong tháng 9 có xu hướng hạ nhiệt so với mức cuối tháng 8, tuy nhiên có thể sẽ căng thẳng trở lại vào thời điểm kết thúc quý III.

Chênh lệch huy động vốn - tín dụng được dự báo tiếp tục duy trì ổn định so với mức cuối tháng 8, có thể sẽ giảm nhẹ khoảng 5.000 - 10.000 tỷ đồng khi các ngân hàng thương mại đẩy mạnh hoạt động cho vay vào cuối quý III.

Thông thường, nhu cầu vốn của các ngân hàng thương mại sẽ có xu hướng tăng lên vào các thời điểm cuối tháng, quý nhằm cải thiện các chỉ số an toàn tài chính và tác động tới diễn biến lãi suất trên thị trường.

Mặt bằng lãi suất dự kiến dao động trong biên độ tương đối rộng, khoảng 3 - 4%/năm cho kỳ hạn qua đêm đến 1 tuần. Lãi suất bình quân dự kiến vào khoảng 3,5 - 3,7%/năm với kỳ hạn 1 tuần và khoảng 4,2 - 4,4%/năm kỳ hạn 3 tháng.

Ba nhóm giải pháp để giảm lãi suất

Theo khuyến nghị của TS. Lực, có ba nhóm giải pháp để giảm lãi suất. Thứ nhất, tăng cường kiểm soát lạm phát ở mức thấp, ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó, giải pháp quan trọng là cần sớm thay đổi cách thức đặt mục tiêu lạm phát.

Hiện nay, Quốc hội, Chính phủ công bố chỉ tiêu lạm phát hàng năm ở một mức nhất định (năm 2018, 2019 là dưới 4%). Cách xác định mục tiêu cứng như vậy dễ phát tín hiệu sai cho nền kinh tế khi hiểu thành lạm phát mục tiêu ở mức 4%.

Thay vào đó, các cơ quan quản lý nên công bố mức lạm phát mục tiêu và lạm phát kiểm soát. Khi đó, thị trường và người dân sẽ tiếp nhận tín hiệu chính xác hơn.

Ngoài ra, cần truyền thông mạnh mẽ và rõ ràng ý nghĩa của các chỉ tiêu này đối với nền kinh tế.

Ðồng thời, phối hợp chính sách (nhất là giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và chính sách giá cả) tiếp tục phát huy và làm tốt hơn nữa, nhất là trong khâu phát hành trái phiếu chính phủ, khâu trung hòa lượng tiền từ cổ phần hóa, thoái vốn và điều chỉnh giá dịch vụ công do Nhà nước quản lý.

Hai là, để giảm mức độ rủi ro của nền kinh tế và tổ chức, doanh nghiệp, từ những khuyến nghị của các tổ chức định hạng quốc tế và thực trạng doanh nghiệp hiện nay, Việt Nam nên tập trung thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia một cách thực chất, lâu bền.

Các định hướng, mục tiêu này được các tổ chức định hạng quốc tế đánh giá cao và thực tế những năm qua đã mang lại kết quả rõ nét, nhưng khâu thực thi ở cấp dưới còn bất cập.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế, đảm bảo phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, các tổ chức, thị trường then chốt lành mạnh hơn;

Đồng thời, tăng các gối đệm, tăng khả năng chống chịu cú sốc bên ngoài; trong đó cần tập trung đẩy nhanh xử lý nợ xấu, tái cơ cấu ngân sách nhà nước (giảm mạnh chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển) qua đó giảm thâm hụt ngân sách, kiểm soát vay nợ nước ngoài, tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, có chiến lược thu hút lựa chọn FDI phù hợp; tăng năng lực tài chính, quản lý rủi ro của doanh nghiệp…

Ba là, để giảm chi phí giao dịch của nền kinh tế, có nhiều việc cần làm, nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy minh bạch hóa thông tin, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và thay đổi cơ chế tiền lương của công chức, viên chức là những biện pháp mạnh góp phần đẩy lùi tham nhũng và chi phí không chính thức.