Cạnh tranh phát triển ngân hàng số
Phát triển dịch vụ ngân hàng (NH) số là xu hướng tất yếu, và các NH ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn, khi thói quen giao dịch, thanh toán của người dân bắt đầu chuyển dịch từ trực tiếp sang trực tuyến.
Ra mặt cạnh tranh
Mới đây, kênh NH số Timo bất ngờ thông báo có đối tác NH mới là VietCapital Bank. Trước động thái này, VPBank đã gửi thông báo đến khách hàng đang sử dụng dịch vụ NH số Timo của VPBank. Thông báo nêu, Timo powered by VPBank là một trong các kênh NH số được VPBank triển khai 5 năm qua, trên cơ sở hợp tác về công nghệ, dịch vụ giữa VPBank và đối tác GOFS. Khách hàng giao dịch với Timo là bộ phận của khách hàng VPBank do VPBank quản lý trong hệ thống kế toán và core banking của NH. Đồng thời, việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ qua kênh Timo powered by VPBank được đăng ký hoạt động bởi VPBank và được NHNN phê duyệt.
Về việc thông tin Timo thay đổi đối tác, VPBank khẳng định là quyết định đơn phương của đối tác. Thỏa thuận hợp tác giữa VPBank và đối tác GOFS hết hiệu lực vào ngày 8-9 tới. Sau ngày này, toàn bộ dịch vụ và sản phẩm khách hàng đang sử dụng qua kênh Timo powered by VPBank, sẽ tự động chuyển đổi và tiếp tục phục vụ thông qua các nền tảng ứng dụng điện tử, ứng dụng số và hệ thống đa kênh dịch vụ của NH.
Việc thay đổi đối tác là điều bình thường, song sự việc trên cho thấy đang có sự cạnh tranh, chớp thời cơ để tìm cơ hội phát triển lĩnh vực NH số của các nhà băng. Có thể thấy, với việc đầu tư bài bản cho việc số hóa dịch vụ, không tiếp tục hợp tác với đối tác này trong thời gian tới, VPBank vẫn tiếp tục đứng trong nhóm có tên tuổi trong lĩnh vực NH số hiện nay, vì nhà băng này có nhiều kênh NH số khác như VPBank Online, VPBank Dream, YOLO…
Trong khi đó, cú bắt tay với đối tác Timo có thể là bước tiến mới của VietCapital Bank, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển nhanh NH số, tạo sự đột phá trên thị trường được đề ra trong năm 2020. Trước đó, để thực hiện định hướng này, VietCapital Bank hợp tác với CTCP VNG triển khai sử dụng giải pháp TrueID định danh khách hàng điện tử (eKYC); hợp tác chiến lược với Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ mạng lưới Thông Minh (Smartnet) triển khai dịch vụ gửi tiết kiệm trực tuyến thông qua ví điện tử SmartPay. Mới đây, NH này đã ứng dụng phương thức eKYC để triển khai dịch vụ mở tài khoản thanh toán không cần đến NH, có thể giao dịch tài chính được ngay lập tức trên ứng dụng Viet Capital Mobile Banking.
Cuộc đua sống còn
Thống kê của NHNN cho thấy, trong 4 tháng năm 2020, thanh toán nội địa qua thẻ NH tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị; thanh toán qua kênh internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% giá trị; thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 189% về số lượng và 166,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Điều này cho thấy xu hướng thanh toán trong nền kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhiều hơn. Đồng thời, thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ công ngày càng được chú trọng, tăng cường.
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số của NH tương quan thuận với việc tăng khả năng sinh lời của họ. Khi đầu tư vào công nghệ số, NH giảm tải hệ thống giấy tờ, tinh gọn quy trình làm việc, giảm được nhiều chi phí nhân sự, chi phí quản lý. Đơn cử, tại thời điểm cuối quý II-2020, TPBank có 5.300 cán bộ nhân viên, chỉ bằng 60-70% lượng nhân sự tại các NH có tổng tài sản tương đồng. Quy mô nhân sự và và mạng lưới được cắt giảm thông qua việc dùng công nghệ phục vụ khách hàng, đã giúp NH này tiết kiệm chi phí hoạt động hiệu quả, nằm trong nhóm NH có tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) luôn ở nhóm thấp trong hệ thống.
Một động lực khác cũng đang thúc đẩy các NH chưa mạnh về NH số phải nhìn lại và định ra những bước tiến mới. Đó là sự phát triển của các công ty công nghệ tài chính, sự tham gia của các doanh nghiệp (DN) công nghệ viễn thông vào thị trường thanh toán. Chỉ trong thời gian ngắn đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các công ty fintech, từ 40 năm 2016 lên 154 công ty vào tháng 6-2019. Dự báo giá trị giao dịch thị trường fintech từ mức 4,4 tỷ USD lên khoảng 9 tỷ USD năm 2020. Đồng thời, các bigtech cũng rất tích cực triển khai dịch vụ thanh toán, dự báo sẽ phát triển mạnh khi sản phẩm tiền di động (mobile money) được cấp phép. Các fintech và bigtech đang cạnh tranh trực tiếp và hợp tác với trung gian tài chính truyền thống, tạo hệ sinh thái và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính.
Việc các NH phải định hình, phát triển NH số để cạnh tranh, là đương nhiên, vì nó quyết định sự tồn tại và sống còn của NH. Số liệu của NHNN cho thấy, hiện đã có 94% NH bắt đầu triển khai hoặc xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Trong đó có 19 TCTD đang triển khai mô hình NH số và nhận được phản hồi tích cực về chất lượng dịch vụ; 78 NH triển khai dịch vụ thanh toán qua internet và 41 đơn vị cho phép người dùng thanh toán trên điện thoại di động. Điều này càng chứng tỏ NH số đã trở thành một phần quan trọng trong chiến lược kinh doanh của nhiều NH.
Tuy nhiên, trước phong trào nhà băng cạnh tranh dịch vụ NH số, các chuyên gia tài chính cũng lưu ý, NH số thành công đúng nghĩa không hẳn là NH cắt giảm nhiều chi nhánh, cũng không hoàn toàn đúng là NH có quầy giao dịch đẹp hoặc ứng dụng trải nghiệm tốt. Một NH số đúng nghĩa là NH đủ tốt để có thể đáp ứng được những nhu cầu tài chính diễn ra hằng ngày, bất cứ lúc nào khách hàng cần đến, làm cho khách hàng tin tưởng và sử dụng như một công cụ không thể thiếu. Do đó, tương lai thuộc về các tổ chức hiểu biết về khách hàng, nhận thức và đáp ứng được nhu cầu khách hàng.
Làn sóng chuyển đổi số của các NH đang diễn ra mạnh mẽ. Ngoài những tên tuổi đã sớm gây dựng được thương hiệu NH số như Vietcombank, BIDV, VietinBank, VPBank, TPBank, Techcombank, các NH khác đã có những bước chạy để bắt kịp xu hướng, tìm kiếm cơ hội mới cho mình.