Đẩy lùi “tín dụng đen”

Theo Duy Minh/congthuong.vn

Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng “tín dụng đen” hoành hành ở nhiều địa phương, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa là việc người dân khó tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng. Bởi vậy, tăng cường các gói tín dụng đặc thù là một trong những nhiệm vụ được ngành ngân hàng thực hiện trong năm 2019, nhằm góp phần đẩy lùi tín dụng đen.

Thời gian tới, sẽ có những chương trình tín dụng phù hợp với nhu cầu của người dân. Nguồn: Internet
Thời gian tới, sẽ có những chương trình tín dụng phù hợp với nhu cầu của người dân. Nguồn: Internet

Hơn 1.000 tỷ đồng là con số được Bộ Công an công bố về quy mô tín dụng đen ở nông thôn. Tuy nhiên, con số thực tế còn nhiều hơn, bởi không chỉ cho vay nặng lãi, “tín đụng đen” còn núp bóng các hình thức hụi, họ…

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, tín dụng đen là vấn đề lớn của xã hội và để ngăn chặn hoạt động này cần có sự tham gia của nhiều ngành, nhiều cấp. Nhưng ở góc độ cơ quan quản lý tiền tệ, NHNN sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho mọi người dân để góp phần đẩy lùi tín dụng đen.

Thực tế, đã có khoảng 70 TCTD, mạng lưới hơn 1.100 quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Chính sách xã hội tham gia cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn với dư nợ đến cuối tháng 11/2018 ước đạt khoảng 1,69 triệu tỷ đồng, tăng 14,5% so với cuối năm 2017 và cao hơn so với mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế với hơn 14 triệu lượt khách hàng còn dư nợ chiếm tỷ trọng gần 24% tổng dư nợ đối với nền kinh tế, trong đó dư nợ cho vay không có tài sản bảo đảm đạt gần 450 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa thấm vào đâu so với nhu cầu vay vốn của người dân khu vực nông thôn.

Để dòng vốn ngân hàng tiếp tục đến với người dân khu vực nông thôn, ngành ngân hàng đã đẩy mạnh triển khai Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, cũng như đưa ra các giải pháp cụ thể góp phần hạn chế tín dụng đen. Nghị định này đã nâng mức vốn cho vay không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác tại địa bàn nông thôn được vay tới 200 triệu đồng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) - bày tỏ: “Việc nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với các khách hàng này góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, đồng thời góp phần hạn chế tình trạng khách hàng thiếu vốn sản xuất, kinh doanh và không có tài sản bảo đảm phải tìm đến các nguồn vốn khác như tín dụng đen”.

Cụ thể hơn, đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho biết, sẽ dành 5.000 tỷ đồng để cho vay khu vực nông thôn, chung tay cùng toàn xã hội đẩy lùi tín dụng đen. Bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Tổng giám đốc Agribank - khẳng định: “Cùng với việc tăng tỷ trọng cho vay tiêu dùng tới khu vực nông thôn trong năm 2019, ngân hàng sẽ tiếp tục nghiên cứu đưa ra sản phẩm phù hợp nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng của người dân tại khu vực nông thôn đảm bảo thủ tục nhanh chóng, thời gian thẩm định cho vay được rút ngắn”.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng

Thời gian tới, NHNN sẽ chỉ đạo các TCTD xây dựng nhiều chương trình tín dụng phù hợp, đáp ứng những nhu cầu chính đáng của người dân với lãi suất thấp hơn rất nhiều so với lãi suất mà người dân vay bên ngoài. Bên cạnh đó, NHNN kiến nghị với Chính phủ xem xét để Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo dừng bớt một số chương trình khác để tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách của đời sống xã hội hiện nay.