Nên nới rộng biên độ tỷ giá

Theo Hà Anh/enternews.vn

Trong bối cảnh thị trường thế giới biến động bất thường, nhiều chuyên gia cho rằng, NHNN nên xem xét tăng độ linh hoạt cho tỷ giá bằng cách nới rộng hơn biên độ tỷ giá, thay vì từ mức +/-3%.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Diễn biến tỷ giá USD/VND từ tháng 9/2018 đến ngày 15/8/2019
Diễn biến tỷ giá USD/VND từ tháng 9/2018 đến ngày 15/8/2019

Biến động thấp nhất

Sau hai phiên tăng liên tục với mức tăng tổng cộng là 21 đồng lên 23.121 đồng/USD, tỷ giá trung tâm đã được NHNN điều chỉnh giảm trở lại 6 đồng xuống còn 23.115 đồng/USD trong phiên giao dịch ngày 15/8. Tính chung từ đầu tuần đến nay, tỷ giá trung tâm đã tăng 13 đồng, nâng mức tăng kể từ đầu tháng 8 đến nay lên 42 đồng. Còn so với cuối năm 2018, tỷ giá trung tâm đã tăng 290 đồng, tương đương tăng 1,27%.

Với biên độ +/-3%, tỷ giá sàn ngày 15/8 là 22.422 đồng/USD và tỷ giá trần là 23.808 đồng/USD. Hiện Sở Giao dịch NHNN cũng giảm giá bán ra USD xuống còn 23.758 đồng/USD, thấp hơn tỷ giá trần là 50 đồng, song vẫn giữ nguyên giá mua vào ở mức 23.200 đồng/USD.

Mặc dù tỷ giá trung tâm được cơ quan quản lý điều chỉnh tăng liên tục, song tỷ giá thực của các ngân hàng không có nhiều biến động trong tuần này sau khi đã giảm nhẹ trong tuần trước. Theo đó, hiện các nhà băng vẫn niêm yết giá mua USD phổ biến trong khoảng 23.140 – 23.150 đồng/USD, còn giá bán ra trong khoảng 23.260 – 23.270 đồng/USD.

Diễn biến này được Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá là “tương đối bất ngờ trong bối cảnh CNY có diễn biến giảm khá mạnh trong tuần qua”. Quả vậy, không chỉ trong tuần qua, CNY vẫn tiếp tục sụt giảm mạnh trong tuần này. Theo đó, mặc dù tỷ giá tham chiếu của CNY so với USD được NHTW Trung Quốc (PBoC) tăng nhẹ trong phiên hôm qua lên 7,0268 CNY/USD, nhưng theo ước tính của các chuyên gia, đáng lẽ tỷ giá trung tâm phải được nâng lên mức 7,0236 CNY/USD. Đây là phiên thứ 6 liên tiếp PBoC ấn định tỷ giá tham chiều ở dưới ngưỡng 7 CNY/USD. Tính chung từ đầu tháng 8 đến nay, tỷ giá tham chiếu của CNY so với USD đã giảm 2%.

Trong khi đó, dù USD giảm đôi chút so với mức đỉnh 2 năm thiết lập hồi cuối tháng 7, song vẫn đứng ở mức rất cao. Hiện chỉ số đồng USD đang xoay quanh ngưỡng 98 điểm, chỉ thấp hơn 0,5 điểm so với mức đỉnh 2 năm.

Theo các chuyên gia của HSBC, việc đồng USD neo ở mức cao, trong khi CNY giảm mạnh đều tác động đến tỷ giá trong nước theo cùng một hướng: tăng. Tuy nhiên, hiện tỷ giá giao dịch của các ngân hàng chỉ tương đương so với thời điểm cuối năm 2018. Có nghĩa VND là một trong những đồng tiền có mức biến động thấp nhất so với USD kể từ đầu năm đến nay.

Linh hoạt ứng phó

Lý giả nguyên nhân khiến tỷ giá trong nước chỉ biến động nhẹ bất chấp những cơn gió ngược từ bên ngoài, BVSC cho biết, nguồn cung ngoại tệ dồi dào nhờ xuất siêu và thặng dư cán cân thanh toán tổng thể đang là nhân tố hỗ trợ cho VND. Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, nền kinh tế tiếp tục xuất siêu 43 triệu USD trong tháng 7/2019.

Tỷ giá ổn định đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, từ đó củng cố lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài. Điều đó thể hiện qua con số giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 7 tháng đầu năm nay đạt 10,6 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2018; vốn nước ngoài vào qua kênh góp vốn mua cổ phần cũng đạt tới 8,52 tỷ USD, tăng 77,8% so với cùng kỳ năm 2018…

Tuy nhiên, trong bối cảnh CNY đang rớt thảm, tỷ giá trong nước ổn định cũng đồng nghĩa với việc VND đang tăng giá so với CNY. Đơn cử theo NHNN Việt Nam, nếu như thời điểm đầu tháng 8, 1 CNY đổi được 3.350,95 VND thì đến nay chỉ đổi được 3.295,75 đồng. Có nghĩa VND đã tăng giá 1,65% so với CNY chỉ trong 15 ngày đầu tháng 8.

Nhiều chuyên gia cũng dự báo, từ nay đến cuối năm 2019, CNY có thể giảm khoảng 5-6% xuống mức 7,35 CNY/USD. Điều đó chắc chắn sẽ tạo sức ép lớn đến tỷ giá trong nước. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, không nên vội vã phá giá VND, bởi điều đó sẽ mang lại nhiều thiệt hại hơn cho nền kinh tế.

“Việc phá giá VND chưa chắc đã hỗ trợ được nhiều cho xuất khẩu trong nước cũng như cải thiện tình trạng nhập siêu với Trung Quốc, bởi nhập siêu từ Trung Quốc mang tính cơ cấu khi mà khá nhiều ngành sản xuất đang phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ quốc gia láng giềng này”, một chuyên gia cho biết và cảnh báo.

Theo đó, việc phá giá mạnh VND có thể gây bất ổn kinh tế vĩ mô, đẩy lạm phát tăng, từ đó làm xói mòn lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài. Đó là chưa kể tỷ giá tăng cao cũng làm tăng gánh nặng nợ nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp. Ngoài ra còn một lý do nữa không thể không tính tới là việc giảm giá mạnh đồng nội tệ có thể khiến Việt Nam bị quy kết là thao túng tiền tệ.

Đó cũng là quan điểm của khá nhiều tổ chức. Công ty chứng khoán KB cho rằng, NHNN sẽ lựa chọn thời điểm thích hợp để bán ngoại tệ, vừa giúp ổn định tỷ giá dưới mức mục tiêu 3% đầu năm cũng như giúp Việt Nam tránh vi phạm quy định mua ròng dưới 2% của Mỹ.

Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cũng khuyến nghị NHNN nên theo dõi sát diễn biến của thị trường để chủ động điều tiết tỷ giá hài hòa các mục tiêu và xem xét nới rộng biên độ tỷ giá.