Ngân hàng Việt sắp có thêm nguồn vốn ngoại từ EVFTA?
Theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), các ngân hàng châu Âu sẽ được nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại 2 ngân hàng Việt Nam lên tối đa 49% mà không phải chờ quyết định nới room chung.
Các chuyên gia cho rằng Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ mở ra cơ hội cho cả hai phía Việt Nam và EU tham gia nhiều hơn vào thị trường lẫn nhau. Tuy nhiên, các ngân hàng của Việt Nam không có nhiều lợi thế vào EU như phía EU vào Việt Nam.
Khó tận dụng cơ hội trong tương lai gần
Theo Hiệp định EVFTA, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) sẽ có cam kết về thương mại, dịch vụ, đầu tư nhằm tạo ra một môi trường đầu tư cởi mở, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp hai bên. Cam kết của Việt Nam có đi xa hơn cam kết trong Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Cam kết của EU cao hơn trong cam kết trong WTO và tương đương với mức cam kết cao nhất của EU trong những FTA gần đây của EU.
Các lĩnh vực mà Việt Nam cam kết thuận lợi cho các nhà đầu tư EU gồm một số dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối.
Đối với dịch vụ ngân hàng, trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, Việt Nam cam kết sẽ xem xét thuận lợi việc cho phép các tổ chức tín dụng EU nâng mức nắm giữ của phía nước ngoài lên 49% vốn điều lệ trong 2 ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam. Tuy nhiên, cam kết này không áp dụng với 4 ngân hàng thương mại cổ phần mà Nhà nước đang nắm cổ phần chi phối là BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank.
Đánh giá về tác động của Hiệp định EVFTA với lĩnh vực ngân hàng Việt Nam, chuyên gia Ts. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng EVFTA chắc chắn sẽ mở ra cơ hội cho cả hai phía Việt Nam và EU tham gia nhiều hơn vào thị trường lẫn nhau. Tuy nhiên, các ngân hàng của Việt Nam không có nhiều lợi thế vào EU như phía ngược lại.
Các ngân hàng Việt Nam không thấm vào đâu so với các ngân hàng của EU về quy mô, năng lực, quản lý rủi ro, chuẩn mực hoạt động, quản trị. Chẳng hạn, hiện nay, các ngân hàng mới đang hoàn thiện chuẩn mực Basel II, trong khi các ngân hàng châu Âu đang áp dụng theo Basel III và tiến hành đến Basel IV.
Quy mô của các ngân hàng Việt còn nhỏ, với những ngân hàng được cho là nằm trong nhóm "ông lớn" hiện nay cũng chỉ hoạt động loanh quanh khu vực ASEAN như Lào, Campuchia, Myanmar… Có một vài ngân hàng đặt chi nhánh tại châu Âu nhưng hoạt động không liền mạch, chứng tỏ lực lượng tài chính của ngân hàng Việt Nam sang thị trường châu Âu còn yếu.
"Trong bối cảnh năng lực hệ thống ngân hàng còn yếu kém như hiện tại thì việc chúng ta tận dụng cơ hội trong tương lai gần sẽ khó khăn", Ts. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá.
Không cần chờ quyết định nới room
Đánh giá về cơ hội thâm nhập thị trường của các ngân hàng EU, các chuyên gia cho rằng trong cam kết EVFTA ở lĩnh vực dịch vụ, các khía cạnh mở cửa bao gồm phương thức đầu tư liên quan đến thành lập hiện diện thương mại ở các nước sở tại (liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, góp vốn/mua cổ phần…).
Về doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, thời gian qua có một số ngân hàng EU vào Việt Nam, nhưng không có dấu ấn, hoạt động cầm chừng, thậm chí có ngân hàng đã rút khỏi Việt Nam do không am hiểu thị trường, khó cạnh tranh với các ngân hàng Việt.
Thực tế gần đây, nhiều nhà đầu tư ngoại mong muốn sở hữu cổ phần tại ngân hàng Việt. Tuy nhiên, theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng Việt Nam hiện hành, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại các ngân hàng là 30%, khiến nhiều nhà đầu tư dè dặt, còn một số ngân hàng hết "room" vốn ngoại. Nhưng với EVFTA sẽ cho phép các tổ chức tín dụng EU nâng mức nắm giữ của phía nước ngoài lên 49% vốn điều lệ trong 2 ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam.
Vì vậy, giới phân tích cho rằng thời gian tới, ngân hàng EU sẽ chọn hình thức góp vốn/mua cổ phần để thâm nhập vào thị trường Việt Nam.
"Ngân hàng EU có thể dư năng lực tài chính để mở chi nhánh mới tại Việt Nam, nhưng vấn đề thị trường lại quyết định sự tồn tại. Vì vậy, thay vì mạo hiểm mở chi nhánh ở Việt Nam, ngân hàng EU sẽ hợp tác với các ngân hàng Việt", một chuyên gia đánh giá.
Câu hỏi được thị trường quan tâm là ngân hàng cổ phần nào sẽ đáp ứng được tiêu chí để các tổ chức tín dụng châu Âu nâng room ngoại lên 49%.
Một chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, việc lựa chọn ngân hàng được nới room ngoại của các tổ chức tín dụng châu Âu lên 49% sẽ được dựa vào các tiêu chí như: sạch nợ xấu, hoạt động tín dụng cốt lõi, đáp ứng các tiêu chuẩn của Ngân hàng Nhà nước.
Trong báo cáo tài chính năm 2019 có thể thấy, nhiều ngân hàng tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLC) so với đầu năm như: ACB là 175%, MB là 110,5%...
Ngoài ra, theo thống kê hiện nay, hệ thống ngân hàng Việt đã có 15 nhà băng đáp ứng được chuẩn Basel II: Nam A Bank, Vietcombank, VIB, OCB, TPBank, ACB, Techcombank, VPBank, MB, HDBank, VietBank, VietCapitalBank, MSB, SeABank và LienVietPostBank.
Như vậy, việc nâng room ngoại lên 49%, cùng với việc cải tổ toàn diện hơn theo hướng phải tăng vốn, kinh doanh cần được thông thoáng hơn, minh bạch hơn, nợ xấu giảm..., các chuyên gia dự báo thời gian tới, các ngân hàng Việt sẽ "hút" thêm nguồn vốn đầu tư từ EU.
"Tôi vẫn kỳ vọng các ngân hàng EU tham gia vào thị trường Việt Nam mạnh hơn trong những năm tới, đặc biệt là các ngân hàng kỹ thuật số (digital banking) vốn là thế mạnh của ngân hàng châu Âu. Như vậy, người tiêu dùng Việt Nam sẽ được thụ hưởng những dịch vụ tiên tiến, chất lượng hơn". Ts. Nguyễn Trí Hiếu |