Phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử ở Việt Nam hiện nay

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 11/2020

Phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử luôn được các ngân hàng thương mại đầu tư, ứng dụng công nghệ số, công nghệ mới, công nghệ cao, thông tin, viễn thông, cơ sở hạ tầng kỹ thuật vào sản phẩm, để nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, nâng cao hiệu quả, uy tín, phát triển bền vững của mỗi ngân hàng.

Thực trạng phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử hiện nay

Ở Việt Nam, dịch vụ ngân hàng vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau, các quy định về hoạt động dịch vụ ngân hàng vẫn còn nhiều bất cập, tuy nhiên, dịch vụ ngân hàng được hiểu theo nghĩa rộng là toàn bộ các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng được các ngân hàng thương mại (NHTM) cung ứng cho nền kinh tế đều gọi là dịch vụ ngân hàng.

Phát triển các dịch vụ của ngân hàng điện tử (NHĐT) là xu hướng tất yếu, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Không phải từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, thanh toán số mới phát triển mà từ khá lâu, tại nhiều nước trên thế giới, việc không sử dụng tiền mặt đã trở thành xu hướng thanh toán được thúc đẩy mạnh mẽ.

Tại Việt Nam, từ năm 2006, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thanh toán không dùng tiền mặt. Đề án này đã được điều chỉnh phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế và sự phát triển của công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt. Thời gian qua, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở nước ta đã được mở rộng cả về quy mô và chất lượng; có bước tiến mạnh mẽ với nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, tiện ích và hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin.

Năm 2015, hệ thống thẻ NAPAS xử lý đến hơn 90% là giao dịch chuyển mạch máy rút tiền tự động (ATM) thì con số năm 2019 chỉ còn khoảng 40%. Trong những tháng đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 xảy ra và nhất là trong giai đoạn cách ly xã hội, hoạt động thanh toán điện tử diễn ra thông suốt và an toàn, thanh toán qua kênh internet tăng gần 50% về giá trị giao dịch trong khi thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng hơn 160% so với cùng kỳ năm 2019.

Những con số này cho thấy, sự dịch chuyển lớn từ giao dịch rút tiền mặt ATM sang giao dịch thanh toán trong thời gian qua đã khẳng định những chủ trương và chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và của NHNN đang đi đúng hướng.

Lợi ích của NHĐT đem lại cho người dùng, ngân hàng và nền kinh tế là rất lớn nhờ tính tiện ích, tiện lợi, nhanh chóng, chính xác và bảo mật. NHĐT đã góp phần thúc đẩy các hoạt động kinh tế thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển, tạo điều kiện mở rộng quan hệ kinh tế thương mại với khu vực và thế giới. Ưu điểm của NHĐT là có khả năng thu hút trên phạm vi rộng về khách hàng bất kỳ thời điểm nào trong ngày với mọi khoảng cách về không gian, thời gian. Chính điều này giúp cho các ngân hàng tiếp cận được khách hàng tốt hơn, tiết kiệm được chi phí giao dịch...

 Bên cạnh đó, thực hiện các hoạt động dịch vụ NHĐT cho phép các ngân hàng thích ứng nhanh chóng với những thay đổi của thị trường, điều chỉnh kịp thời phí, lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến của tình hình thị trường. Hạn chế rủi ro do biến động về giá cả của thị trường gây ra, mang lại lợi ích kinh tế cho ngân hàng và khách hàng tham gia sử dụng dịch vụ của NHĐT. Đây là lợi ích vượt trội so với ngân hàng truyền thống.

Những năm gần đây, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, nhất là thanh toán điện tử, đã được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả. Các ngân hàng sử dụng công nghệ thanh toán tiên tiến, hiện đại, phục vụ tốt cho việc cung ứng các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt mới.

Hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho thanh toán thẻ được cải thiện chất lượng, tập trung đầu tư phát triển; ATM được lắp đặt với số lượng lớn; Các máy chấp nhận thanh toán thẻ (POS) hiện đã được lắp đặt tại hầu hết các cơ sở, chuỗi phân phối, bán lẻ, khách sạn lớn, đang mở rộng dần ra các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học... và tăng trưởng đều qua các năm, bình quân mỗi năm tăng khoảng 17-18%.

Các NHTM đã cung ứng thêm nhiều dịch vụ thanh toán dựa trên thẻ ngân hàng; quan tâm đến việc cải thiện chất lượng dịch vụ thẻ, chú trọng tăng độ an toàn của thẻ ngân hàng.

Không dừng lại ở đó, để đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, an ninh, độ an toàn và tăng thêm tiện ích sử dụng thẻ, NHNN đã ban hành Bộ tiêu chuẩn cơ sở thẻ chip nội địa, xây dựng và thực hiện Kế hoạch chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip tại Việt Nam.

Theo Vụ Thanh toán (NHNN), tính đến tháng 5/2020, cả nước có khoảng 19,2 nghìn ATM, hơn 277 nghìn POS, khoảng 78 NHTM triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet banking, 49 NHTM cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động, 30 NHTM và 6 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp triển khai thanh toán với khoảng 80 nghìn điểm QR Code. NHNN đã cấp phép cho 34 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó dịch vụ ví điện tử (29); dịch vụ cổng thanh toán điện tử, hỗ trợ thu hộ, chi hộ (28), dịch vụ chuyển tiền điện tử (9).

Các NHTM đều quan tâm, chú trọng đầu tư, cập nhật và phát triển hệ thống thanh toán nội bộ, với kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, quản lý tập trung, từ đó cho phép các NHTM cung ứng các dịch vụ, phương tiện thanh toán hiện đại, đa dạng, tiện lợi, mở rộng phạm vi cung ứng trên toàn quốc. Các công nghệ mới, hiện đại trong thanh toán như: Áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sử dụng mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS... được các ngân hàng nghiên cứu, hợp tác và ứng dụng, đặc biệt là việc thanh toán bằng QR Code gắn với đẩy mạnh thanh toán qua điện thoại di động hợp với xu thế phát triển trên thế giới và hành vi người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã phát triển hạ tầng thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công, theo NHNN, đến nay, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã được kết nối với toàn bộ 63 Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh trong cả nước, đáp ứng được nhu cầu thu ngân sách một cách nhanh chóng, kịp thời.

Có khoảng 50 NHTM hoàn thành kết nối với hệ thống nộp thuế điện tử của Tổng cục Thuế, Hải quan; trên 63 tỉnh/thành phố và tất cả các quận, huyện trên cả nước, với 95% số thu hải quan được thực hiện qua ngân hàng; 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử; 27 ngân hàng và 10 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện, doanh thu tiền điện của Điện lực Việt Nam (EVN) thanh toán qua ngân hàng lên tới gần 90%...

Nhìn chung, các dịch vụ, phương tiện thanh toán điện tử được phát triển mạnh, đa dạng; hầu hết các sản phẩm, phương tiện thanh toán mới, hiện đại đã được nghiên cứu, triển khai tại Việt Nam, đặc biệt thanh toán qua thiết bị di động có tốc độ tăng trưởng mạnh.

Thống kê cho thấy, giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong 3 tháng đầu năm 2020 tăng trên 21% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng số lượng giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử trong 3 tháng đầu năm 2020 tăng 81,32% về số lượng và tăng 145,32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Trong 20 ngày đầu tháng 4/2020, giá trị giao dịch trung bình qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 8,85% so với cùng kỳ năm 2019.

Mặc dù, đạt được một số kết quả nhưng phát triển dịch vụ NHĐT vẫn còn một số hạn chế, đó là: Cơ sở hạ tầng cho thanh toán số đã phát triển mạnh trong thời gian gần đây, nhưng vẫn chưa đồng bộ. Cho đến nay, hệ thống ATM/POS vẫn chủ yếu tập trung ở 5 thành phố lớn là: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, trong khi số lượng ATM/POS ở các thành phố nhỏ và khu vực nông thôn còn hạn chế.

Các giao dịch thông qua ATM hầu hết là để rút tiền mặt; còn lại là giao dịch chuyển khoản và thanh toán. Hạ tầng thanh toán số trên di động, hóa đơn điện, nước, truyền hình, điện thoại, internet, bảo hiểm, tài chính cá nhân, hành chính công... đã được triển khai nhưng phạm vi chưa tương xứng với tiềm năng thị trường.

Bên cạnh đó, sự liên kết giữa hệ thống thẻ của các ngân hàng chưa thực sự hoàn hảo. Ngoài ra, các sự cố an ninh bảo mật cũng là hạn chế lớn của dịch vụ ngân hàng điện tử, nhiều trường hợp khách hàng bị đánh cắp dữ liệu, làm thẻ giả, rút tiền trái phép tại các máy ATM hoặc phải thanh toán những khoản nợ thẻ tín dụng mà khách hàng không thực hiện.

Giải pháp thúc đẩy phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử

Để thúc đẩy phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử, thời gian tới, Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cơ quan quản lý cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán điện tử, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin. Nghiên cứu, rà soát, cơ chế chính sách, đề xuất ban hành quy định pháp luật phù hợp với xu thế phát triển ngân hàng số, tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng thực hiện chuyển đổi số. Cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đối với các lĩnh vực chứng thực chữ ký số, quy định về các sản phẩm tiết kiệm điện tử.

Thứ hai, các cơ quan liên quan như các ngân hàng, tổ chức tài chính, các trung tâm thương mại, sàn thương mại điện tử, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ cần xây dựng hạ tầng mạng lưới các điểm chấp nhận thanh toán điện tử (từ siêu thị, khách sạn, nhà hàng, cho tới cửa hàng tạp hoá…) với quy mô trên toàn quốc. Xây dựng hệ thống thanh toán hoá đơn điện tử tập trung (từ y tế, giáo dục, dịch vụ công, cho tới điện, nước, truyền hình, điện thoại…) và kết nối liên thông tới toàn bộ cơ quan thuế tại trung ương cũng như địa phương.

Hạ tầng chấp nhận thanh toán dùng chung đáp ứng mọi phương tiện thanh toán được phát hành bởi các ngân hàng, trung gian thanh toán, các tổ chức tài chính, các tổ chức thanh toán trong và ngoài nước. Trên cơ sở sử dụng hạ tầng chuyển mạch bù trừ để kết nối, các thành phần tham gia không cần lắp đặt riêng các thiết bị máy POS, QRCode, NFC… để giảm thiểu chi phí đầu tư của xã hội và đạt được mức chi phí thấp cho người dân. 

Thứ ba, sớm triển khai thí điểm dịch vụ sử dụng tài khoản viễn thông trong thanh toán dịch vụ có giá trị thấp, qua đó góp phần phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và tăng cường tiếp cận, sử dụng dịch vụ thanh toán trên địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Thứ tư, bên cạnh đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, ngành Ngân hàng cần tiếp tục nghiên cứu, áp dụng các công nghệ, phương thức thanh toán hiện đại. Triển khai các mô hình thanh toán tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia; thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ công... Thực hiện giám sát công tác thanh toán đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả; tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử. Đẩy mạnh các chương trình truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng và khả năng tiếp cận sản phẩm dịch vụ tài chính cho người dân.

Thứ năm, đối với các ngân hàng, cần đẩy mạnh xây dựng chính sách bảo mật nội bộ, chú trọng phát triển các tiện ích, chức năng và phương thức xác thực bảo mật nâng cao hơn.

Thứ sáu, ngân hàng cần có các hình thức đào tạo, tuyển dụng, có chế độ đãi ngộ tốt đối với nhân lực có chuyên môn về công nghệ ngân hàng. Đồng thời, cần tích cực phát triển và quảng bá các sản phẩm điện tử mới, đơn giản hóa các thủ tục đăng ký dịch vụ, hỗ trợ chăm sóc khách hàng khi sử dụng ngân hàng điện tử.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ (2012), Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt;

2. Ngân hàng Nhà nước (2014), Thông tư số 39/2014/TT-NHNN, ngày 11/12/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán;

3. Ngân hàng Nhà nước (2014), Thông tư số 46/2014/TT-NHNN ngày 31/12/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt;

4. Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước (2014-2018), Báo cáo về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán quý IV các năm 2014-2018.