"Sóng ngầm" tỷ giá, vốn ngoại

Theo Khánh Huyền/tienphong.vn

Trước tác động của dịch Covid -19, tỷ giá VND/USD và dòng vốn ngoại cũng đang có sóng “ngầm”.

Thời gian tới, nguồn ngoại hối được dự báo sẽ giảm ảnh: Như Ý
Thời gian tới, nguồn ngoại hối được dự báo sẽ giảm ảnh: Như Ý

Kiều hối sẽ giảm

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tuyên bố cắt giảm lãi suất thêm 0,5% - mức cắt giảm một lần mạnh nhất kể từ khủng hoảng 2008-2009.  Quyết định này được đưa ra ngay mà không cần đợi đến cuộc họp định kỳ của FED diễn ra ngày 17-18/3 tới đây. Điều này cho thấy sự phối hợp, tính cấp bách và chủ động can thiệp sớm của FED cùng ngân hàng trung ương các nước khác trong việc ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đến tăng trưởng kinh tế.

Dịch Covid-19 đang tác động mạnh tới kinh tế toàn cầu và Việt Nam. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào đang sụt giảm, báo động cung ngoại tệ sẽ không còn dồi dào như trước. Trao đổi với các nhà đầu  tư, ông Vũ Minh Trường, Giám đốc Nguồn vốn và Thị trường Tài chính Techcombank nói rằng, sóng gió từ dịch corona là nguyên nhân chính khiến các đồng tiền trong khu vực giảm giá mạnh.

Đồng Bath của Thái Lan đã mất giá tới khoảng 6%, đồng Won của Hàn Quốc mất giá khoảng 5%, đồng đô la Singapore mất giá khoảng 4%... “Tuy vậy, VND vẫn khá ổn định và có thể mất giá chỉ 0,2-0,3%”, ông Trường nhận định.

Theo ông Trường, dịch Covid-19 dự kiến ảnh hưởng bất lợi đến dòng kiều hối năm nay, với bối cảnh kinh tế chung có thể khó khăn hơn đối với kiều bào, lao động của Việt Nam ở nước ngoài. Đại diện Techcombank dự tính năm 2020, luồng thu ngoại hối của Việt Nam sẽ giảm; dự kiến mất khoảng 5 tỷ USD về doanh thu…

“Năm nay, khả năng Việt Nam sẽ không mua được 20 tỷ USD như năm ngoái, nhưng chúng tôi vẫn hy vọng là Ngân hàng Nhà nước sẽ mua được khoảng 10 tỷ USD nữa, dẫn đến Việt Nam cũng có thể có lượng dự trữ ngoại hối lên đến 90 tỷ USD”,  ông Giang nói.

Chia sẻ với PV Tiền Phong, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cũng nhận định, tỷ giá USD/VND có thể có biến động nhẹ, nhưng không sốc như xảy ra ở nhiều  nước trong khu vực, và như vậy vẫn đảm bảo cho các hoạt động thanh toán quốc tế, xuất - nhập khẩu của doanh nghiệp.

Lo khối ngoại rút vốn  

Cùng với mối quan ngại sụt giảm nguồn cung ngoại tệ từ kiều hối, dòng vốn FDI có dấu hiệu giảm mạnh. Tại bản tin kinh tế vĩ mô cập nhật chiều 5/3, Công ty Chứng khoán BVSC viết: Lũy kế 2 tháng đầu năm 2020, vốn FDI đăng ký tăng 70% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện giảm nhẹ 3%,  trong khi vốn góp mua cổ phần giảm 83%.

Theo BVSC, sự biến động mạnh về mức độ tăng giảm của vốn FDI trong 2 tháng đầu năm có nguyên nhân chính là sự xuất hiện các dự án với vốn lớn. Điển hình như dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu do nhà đầu tư đến từ Singapore đăng ký. Tổng vốn đầu tư dự án này lên tới 4 tỷ USD.

Từ đầu năm 2020 đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua nhiều phiên giao dịch khó khăn, nguyên nhân chủ yếu là tác động tiêu cực từ dịch Covid-19.  Những lo ngại về việc đứt gãy nguồn cung từ Trung Quốc, tác động của dịch làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế tại quốc gia đứng thứ 2 về đầu tư FDI vào Việt Nam là Hàn Quốc… khiến thành quả giao dịch cả năm 2019 của VN-Index hoàn toàn bốc hơi sau phiên giao dịch ngày 24/2.

Theo Công  ty Chứng khoán SSI, từ đầu năm tới nay, khối ngoại đã rút 5,3 triệu USD ra khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu tại Việt Nam. “Chỉ số VN-Index vẫn thấp hơn 25% so với mức đỉnh năm 2018, cho thấy dư địa tăng trưởng vẫn còn trong dài hạn…”, SSI nhận xét.  

Lãi suất tiền đồng giảm nhẹ

Sau khi neo ở mức cao trong tháng cuối năm 2019, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng dần hạ nhiệt và duy trì ở mức thấp trong hai tháng đầu năm 2020. Cụ thể, lãi suất các kỳ hạn hiện dao động quanh mức 2%/năm. Dưới tác động của dịch Covid - 19, với nhiều doanh nghiệp đóng cửa, nhu cầu vay vốn ngân hàng được dự báo sẽ giảm sút. Mặt bằng lãi suất vì thế có thể giảm nhẹ tiếp trong thời gian tới.