Thông tin nổi bật trên thị trường tiền tệ trong tuần


Tuần qua (từ ngày 8-12/4/2019), thị trường tiền tệ Việt Nam đã có nhiều thông tin đáng chú ý, thu hút sự quan tâm của dư luận.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Siết cho vay ngoại tệ

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 42/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018, về cho vay ngoại tệ. Theo đó, các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay bằng ngoại tệ ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh phục vụ nhu cầu trong nước, khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu để trả nợ vay đến hết ngày 31/3/2019.

Từ ngày 31/3, các tổ chức tín dụng đã dừng cho vay ngắn hạn ngoại tệ để thanh toán tiền nhập khẩu phục vụ sản xuất - kinh doanh cho nhu cầu trong nước. Tiếp tục thực hiện việc thắt chặt cho vay ngoại tệ, nhằm chuyển từ quan hệ tiền gửi và cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua bán ngoại tệ theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 30/9/2019 tới sẽ dừng luôn việc cho vay ngoại tệ để nhập khẩu trung và dài hạn.

Nếu cho vay trung hạn và dài hạn, thực hiện đến hết ngày 30/9/2019. Ngân hàng Nhà nước cũng dỡ bỏ quy định giới hạn thời gian cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.

Nhà đầu tư ngoại chờ sở hữu ngân hàng 0 đồng

Việc nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam không còn là câu chuyện mới, song gần đây sự quan tâm của các "đại gia" ngoại trở nên rõ nét hơn.

Theo các chuyên gia, yếu tố chính để nhà đầu tư nước ngoài quyết định "xuống tiền" đầu tư vào ngân hàng Việt là vì những cải thiện về chất lượng tài sản (chủ yếu do tiến trình xử lý nợ xấu diễn biến tích cực), thanh khoản ổn định, lợi nhuận của nhiều ngân hàng tăng mạnh…

Bên cạnh đó là những đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ "ổn định" lên "tích cực" và tiếp tục duy trì trong những năm tới của các tổ chức tín nhiệm quốc tế.

Ngay trong tháng 3, đã có hai tập đoàn lớn nước ngoài là Clermont (Singapore) và J Trust (Nhật Bản) đã bày tỏ mong muốn mở rộng đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng. Cụ thể là muốn tham gia quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, ngân hàng yếu kém tại Việt Nam.

Cẩn trọng khi cấp tín dụng bất động sản tại nơi sốt đất

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có văn bản số 2438/NHNN-TD ngày 9/4/2019, yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố triển khai công tác tín dụng năm 2019.

Theo đó, các tổ chức tín dụng phải thực hiện theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường bất động sản và việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng đối với lĩnh vực này trên địa bàn, đăc biệt tại các tỉnh, thành phố, các khu vực có hiện tượng sốt đất.

Tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động tín dụng, đặc biệt là tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, cho vay phục vụ đời sống tiêu dùng của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích, an toàn, hiệu quả và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Vàng thế giới, trong nước lao dốc

Tính đến ngày 12/4, giá vàng thế giới lao dốc không phanh do USD tăng mạnh và chứng khoán Mỹ có xu hướng đi lên sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố chỉ số giá bán của người sản xuất Producer Price Index (PPI) bất ngờ tăng 0,6% trong tháng 3, cao hơn nhiều so với dự báo 0,3% và cao hơn hẳn so với mức tăng 0,1% trong tháng 2.

Giá vàng ngày 12/4, tính đến đầu giờ sáng nay (giờ Việt Nam) đang giao dịch quanh ngưỡng 1.292,4 USD/ounce, giảm 17 USD/oz so với thời điểm mở cửa phiên giao dịch trước đó.

Tại thị trường vàng trong nước, thời điểm ngày 12/4, Tại Công ty Phú Quý, giá vàng SJC cũng giảm 70.000 đồng mỗi lượng, với giá bán ra là 36,48 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, thương hiệu Thần Tài Phú Quý 9999 cũng giảm 100.000 đồng/lượng, giá bán ra từ 36,80 triệu đồng lên 36,70 triệu đồng/lượng.

Tương tự, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu cũng giảm 100.000 đồng/lượng, giá bán ra còn 36,73 triệu đồng/lượng.

Sáng ngày 12/4, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của VND với USD áp dụng ngày 12/4 là 22.996 đồng/USD, tăng 5 đồng/USD so với ngày 11/4.