Về chuyển động của hệ thống ngân hàng trong Cách mạng công nghiệp 4.0

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 10/2019

Làn sóng Cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam, trong đó có ngành Ngân hàng.

Để thích ứng với bối cảnh mới, ngành Ngân hàng Việt Nam đã chủ động nghiên cứu đổi mới công nghệ. Nguồn: internet
Để thích ứng với bối cảnh mới, ngành Ngân hàng Việt Nam đã chủ động nghiên cứu đổi mới công nghệ. Nguồn: internet

Để thích ứng với bối cảnh mới, ngành Ngân hàng Việt Nam đã chủ động nghiên cứu đổi mới công nghệ, nhanh chóng phát triển ứng dụng vào các hoạt động: thanh toán qua di động, qua mã QR chuẩn hóa, ví điện tử, số hóa thông tin thẻ - Tokenization, thanh toán thẻ chíp đối với thẻ nội địa… Những chuyển đổi này giúp hệ thống ngân hàng Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng tới người dân, đặc biệt là người dân nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Thực tiễn đổi mới công nghệ, sản phẩm của hệ thống ngân hàng

Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đem đến cho Việt Nam nhiều cơ hội trong việc cải thiện trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời tạo ra sự thay đổi lớn về mô hình kinh doanh bền vững hơn. Nhận thức được tầm quan trọng và những tác động mạnh mẽ của CMCN 4.0, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chủ động thực hiện nhiều hoạt động nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0.

Đồng thời, tiếp tục đánh giá, nghiên cứu hoàn thiện hành lang pháp lý để hỗ trợ cho hoạt động thanh toán, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), an toàn, bảo mật; đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và chính phủ điện tử, trong đó đặc biệt chú trọng tăng cường công tác truyền thông và nghiên cứu khoa học về ứng dụng công nghệ 4.0 trong ngành Ngân hàng.

Hệ thống ngân hàng thương mại đã chủ động nghiên cứu đổi mới công nghệ, nhanh chóng phát triển ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0 trong sản phẩm, dịch vụ, hoạt động và quản trị của mình nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, gia tăng trải nghiệm của khách hàng. Những chuyển đổi mạnh mẽ này đã giúp hệ thống ngân hàng Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng tới mọi người dân, đặc biệt là người dân ở nông thôn, vùng sâu vùng xa không có điều kiện tiếp cận các dịch vụ ngân hàng truyền thống.

Khảo sát “Dịch vụ Ngân hàng, hành vi sử dụng của người dùng và xu hướng tại Việt Nam” của Tập đoàn Dữ liệu quốc tế năm 2017 cho thấy, các giải pháp về ngân hàng điện tử đang ngày càng được sử dụng phổ biến và được đánh giá cao về tính tiện lợi, tiết kiệm thời gian, với 81% người dùng sử dụng các giải pháp ngân hàng điện tử so với 21% trong năm 2015. Một số ngân hàng Việt Nam đã thử nghiệm các dịch vụ ngân hàng số và chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng hiện đại, số hóa như: Sử dụng các giải pháp e-banking để cung cấp dịch vụ chuyển tiền qua mạng xã hội (Facebook, Zalo...), rút tiền tại ATM không cần dùng thẻ của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam và Ngân hàng Quốc tế; ứng dụng ngân hàng điện tử My Ebank của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín; ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu của Tập đoàn IBM để đồng bộ hóa dữ liệu khách hàng, hỗ trợ phân tích hành vi khách hàng nhanh chóng của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng; dịch vụ ngân hàng tự động LiveBank của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong; khu trải nghiệm giao dịch ngân hàng điện tử hiện đại E-Zone tại trụ sở chi nhánh Hà Nội Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam; nền tảng hợp kênh của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông…

Bắt nhịp nhanh với CMCN 4.0, thời gian qua các ngân hàng thương mại nhà nước cũng đã tăng cường đổi mới công nghệ, nghiên cứu, áp dụng nền tảng công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, dữ liệu lớn để cung cấp đa dạng các sản phẩm mới, ưu việt hơn cho khách hàng. Điển hình như trong năm 2018, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã vận hành dịch vụ VCBPAY, dịch vụ mới thuộc hệ sinh thái Mobile Banking của Vietcombank.

VCBPAY được thiết kế tính năng chatbot (trợ lý ảo) hỗ trợ khách hàng thực hiện các dịch vụ cơ bản như nạp tiền điện thoại, chuyển khoản qua số điện thoại và giải đáp các câu hỏi thường gặp. Bên cạnh đó, ứng dụng này còn thể hiện tính tiện lợi vượt trội khi giúp kết nối, chia sẻ với bạn bè dễ dàng hơn với những dịch vụ đi kèm như gửi quà may mắn, chuyển tiền cho bạn bè qua số điện thoại hay gửi yêu cầu chuyển tiền.

Cùng với Vietcombank, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng đã chủ động đa dạng hóa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, sản phẩm dịch vụ của mình, ngày càng đáp ứng nhu cầu đa dạng của mọi đối tượng khách hàng. Đối với nhóm sản phẩm dịch vụ thẻ, Agribank đã triển khai thêm nhiều sản phẩm, chức năng tiện ích mới phù hợp với CMCN 4.0 như: Thanh toán bằng QR Code, Samsung Pay, thanh toán thẻ không tiếp xúc - công nghệ mới nhằm tối ưu hóa tiện ích, gia tăng tính bảo mật và rút ngắn thời gian giao dịch cho chủ thẻ. Bên cạnh phát triển cung ứng sản phẩm dịch vụ, Agribank còn chú trọng phát triển các kênh phân phối phù hợp với xu thế CMCN 4.0, phát triển kênh phân phối qua ATM và EDC/POS, kênh Mobile Banking, Internet Banking...

Đầu năm 2019, Agribank cũng đã hoàn tất việc triển khai lắp đặt và đưa vào sử dụng thêm 40 CDM (ATM đa chức năng) mới cho các chi nhánh và điểm giao dịch của Agribank trên toàn hệ thống. Đặc điểm nổi bật của CDM, ngoài các tính năng thông thường như máy ATM, khách hàng có thể trực tiếp gửi tiền mặt vào tài khoản và mở tài khoản tiền gửi trực tuyến (gửi tiền tiết kiệm). Thay vì giao dịch gửi tiền chỉ có thể thực hiện trực tiếp tại quầy giao dịch như trước đây, thì nay khách hàng có thể gửi tiền 24/7 vào Ngân hàng bất kể thời điểm nào trong ngày…

Những vấn đề đặt ra đối với hệ thống ngân hàng trong bối cảnh mới

Nhìn chung, với sự phát triển mạnh mẽ của CMCN 4.0, hệ thống ngân hàng đã có nhiều cơ hội tiếp cận và mở rộng cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp đến người dân, tuy nhiên, xu hướng mới này đang đặt ra những thách thức lớn cho ngành Ngân hàng, cụ thể:

- Cách mạng số đặt ra yêu cầu đối với cơ quan quản lý cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng thích ứng với bối cảnh mới.

- Cách mạng số đặt ra yêu cầu phải nhanh chóng chuyển đổi mô hình quản trị điều hành, mô hình kinh doanh, cấu trúc lại sản phẩm, dịch vụ thích ứng với xu hướng khách hàng thế hệ số, nền kinh tế số cần thiết lập khuôn khổ, cơ chế hữu hiệu trong phòng ngừa rủi ro an ninh mạng và bảo vệ bí mật thông tin khách hàng trong kỷ nguyên số.

- Thách thức lớn đối với ngành Ngân hàng là việc đầu tư phát triển trang thiết bị để thích ứng với tiến bộ khoa học công nghệ số. Đầu tư cho các thiết bị công nghệ sẽ giúp mang lại nhiều hiệu quả, tuy nhiên chi phí đầu tư là vấn đề cần quan tâm.

- Cách mạng số đặt ra yêu cầu mới về số lượng, chất lượng cán bộ, nhân viên ngân hàng, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều hoạt động có thể được thực hiện bằng rô bốt. Vấn đề giải quyết những hạn chế về trình độ, năng lực của cán bộ, nhân viên và sắp xếp công việc cho một số lượng công nhân viên là một bài toán không hề dễ đối với ngành Ngân hàng trong bối cảnh CMCN 4.0.

Nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, gắn với xu thế phát triển của ngành Ngân hàng trong cuộc CMCN 4.0, thời gian tới cần chú trọng một số vấn đề sau:

Về phía Ngân hàng Nhà nước

- Nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển ngành Ngân hàng trong trung và dài hạn. Tập trung phát triển Ngân hàng Nhà nước trở thành Ngân hàng Trung ương hiện đại, tiên tiến, có mô hình tổ chức hợp lý, phát huy vai trò điều hành, định hướng, quản lý hoạt động của toàn bộ hệ thống ngân hàng, đảm bảo ngành Ngân hàng vận hành đồng bộ, hoạt động có hiệu quả.

- Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành Ngân hàng, tăng khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng đội ngũ cán bộ ngân hàng đủ năng lực, phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu quản lý, kinh doanh ngân hàng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về trình độ so với khu vực và thế giới.

- Tiếp tục triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0, trong đó, tập trung vào hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ cho hoạt động thanh toán, hệ thống thanh toán, đảm bảo an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng; tăng cường đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc gia…

- Triển khai nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng thanh toán quốc gia quan trọng như: Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; thúc đẩy việc sớm ra đời và đưa vào vận hành Hệ thống bù trừ điện tử tự động.

- Tiếp tục triển khai các mô hình thanh toán mới tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với việc xây dựng, triển khai Chiến lược quốc gia về phổ cập tài chính tại Việt Nam. Thúc đẩy thanh toán điện tử dịch vụ công trong khu vực Chính phủ.

- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện chiến lược tài chính toàn diện, trong đó nhấn mạnh vai trò ứng dụng CNTT, khuyến khích sự phát triển hợp tác giữa ngân hàng và các công ty tài chính công nghệ; Thúc đẩy hệ sinh thái phát triển, trở thành một phần của hệ sinh thái trong chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính, ngân hàng hiện đại…

Về phía hệ thống ngân hàng thương mại

- Tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp, công nghệ mới đột phá; xây dựng nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu mở qua giao diện lập trình ứng dụng, các công nghệ mới; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức kinh doanh cơ bản cho cán bộ hiện có nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của môi trường kinh doanh.

- Chú trọng việc đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng quản lý cho cán bộ quản lý cấp trung và cấp cao nhằm tạo sự đột phá về tư duy và kỹ năng quản lý, tạo tiền đề cho việc triển khai các kế hoạch cải cách và chấp nhận sự thay đổi ở các cấp điều hành và cấp thực hiện.

- Tăng cường hợp tác với doanh nghiệp Fintech, để tận dụng mô hình kinh doanh tinh gọn, khai thác được những ưu thế quản lý rủi ro vững mạnh, tạo ra sức mạnh tổng hợp trong cung ứng dịch vụ, đem lại lợi ích thiết thực về giảm chi phí, tăng tiện ích, thuận lợi cho khách hàng và góp phần đắc lực phổ cập tài chính địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

- Đầu tư các giải pháp, tăng cường công tác cảnh báo, khuyến cáo khách hàng cần cẩn trọng khi giao dịch ngân hàng điện tử; xây dựng trung tâm Dự phòng dữ liệu (khôi phục dữ liệu sau thảm họa); Nâng cấp hệ thống an ninh, bảo mật ở mức cao; phát hiện và xử lý kịp thời những lỗ hổng về bảo mật; nâng cao năng lực tài chính, quản trị ngân hàng, nhất là quản trị rủi ro.

- Đầu tư, hoàn thiện kết cấu cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin để có thể hiện đại, tự động hóa hầu hết các quy trình nghiệp vụ ngân hàng, phát triển dịch vụ ngân hàng thông qua ứng dụng công nghệ số, xây dựng mô hình chi nhánh hiện đại, dựa vào nền tảng công nghệ tự động hóa, kết nối đa chiều và thông minh hóa của Cách mạng số…           

Tài liệu tham khảo:

1. Thủ tướng Chính phủ (2016), Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020;

2. Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0;

3. Viện Chiến lược ngân hàng (2016), Báo cáo đánh giá tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và một số định hướng hoạt động của ngành Ngân hàng Việt Nam;

4. Vụ Thanh toán (2016), Báo cáo kết quả triển khai Quyết định số 2453/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2011 – 2015;

5. Bùi Quang Tiên (2017), Tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với ngành Ngân hàng Việt Nam và cơ hội, thách thức đối với lĩnh vực thanh toán.