Ngành Thuế hoàn thành xuất sắc toàn diện nhiệm vụ năm 2022

Việt Dũng

Chiều ngày 15/12/2022, Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2023 và Công bố cổng thông tin điện tử kết nối dữ liệu với Sàn thương mại điện tử; triển khai Hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trên toàn quốc.

Thu ngân sách ước vượt 24,3% dự toán được giao

Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn - phụ trách trực tiếp Tổng cục Thuế, cùng đại diện một số bộ, ngành và đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế.

Tại 477 điểm cầu các địa phương (64 điểm cầu các cục Thuế và 413 điểm cầu các chi cục Thuế) có sự hiện diện của Lãnh đạo các tỉnh, thành phố, đại diện các sở, ngành cùng đông đảo cán bộ, công chức ngành Thuế.

Trình bày báo cáo tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Chí Hùng cho biết, năm 2022, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự lãnh đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, cùng sự đoàn kết, nỗ lực trên tinh thần chủ động, quyết liệt của cơ quan thuế các cấp, ngành Thuế đã hoàn thành xuất sắc toàn diện nhiệm vụ được giao.

Kết quả thu năm 2022 do ngành Thuế quản lý ước đạt 1.460.100 tỷ đồng, ước vượt 24,3% dự toán (vượt 285.200 tỷ đồng), tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021. Toàn Ngành có 63/64 đơn vị thu hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán giao. Trong đó, có 43/64 Cục Thuế có mức tăng trưởng thu so cùng kỳ. 17/19 khu vực, khoản thu, sắc thuế hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán.

Đáng chú ý có 2 thành phố lớn là TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội đã cán mốc thu trên 300 nghìn tỷ đồng. Thu từ khối doanh nghiệp lớn do Cục Thuế Doanh nghiệp lớn quản lý dự kiến sẽ cán đích trên 245 nghìn tỷ đồng; 8 địa phương cán mốc trên 30 nghìn tỷ đồng. 4 địa phương cán mốc trên 20 nghìn tỷ đồng là: Quảng Nam, Bắc Ninh, Nghệ An, Quảng Ngãi. Có đến 18 địa phương cán mốc trên 10 nghìn tỷ đồng...

Ngay từ đầu năm, toàn Ngành đã triển khai quyết liệt các chính sách gia hạn, miễn giảm thuế, tiền thuê đất để hỗ trợ người dân và DN, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với tổng số tiền trên 174.000 tỷ đồng.

Cùng với đó, cơ quan thuế các cấp đã đẩy mạnh công tác truyên truyền hỗ trợ dưới nhiều hình thức để người dân nắm được chính sách, thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, góp phần vượt qua khó khăn, phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh và đóng góp trở lại cho NSNN.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc và lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tại lễ Công bố cổng thông tin điện tử kết nối dữ liệu với Sàn thương mại điện tử; triển khai Hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trên toàn quốc.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc và lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tại lễ Công bố cổng thông tin điện tử kết nối dữ liệu với Sàn thương mại điện tử; triển khai Hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trên toàn quốc.

Cùng với triển khai các giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, năm 2022, cơ quan thuế đã thực hiện được 64.289 cuộc thanh, kiểm tra, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2021; kiểm tra được 665.781 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế.

Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 59.530 tỷ đồng, tăng 40,7% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: Tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 13.882 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 2.192 tỷ đồng; giảm lỗ là 43.455 tỷ đồng. Cơ quan thuế các cấp đã thực hiện thu hồi nợ đạt 39.000 tỷ đồng, tăng 55,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong năm 2022, toàn ngành Thuế đã nghiên cứu trình các cấp có thẩm quyền cắt giảm 70 thủ tục hành chính (TTHC), giảm từ 304 TTHC năm 2021 xuống còn 234 TTHC (tỷ lệ giảm 23%). Trong đó, hầu hết các TTHC đạt mức độ 3, 4 và đã hoàn thành tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí cho người dân và DN trong việc thực hiện các TTHC về thuế.

Bên cạnh công tác thu ngân sách, ngành Thuế đã ghi nhận các kết quả tích cực từ các nhiệm vụ trọng tâm khác. Điển hình như công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế quản lý thuế; hiện đại hóa công tác quản lý thuế, cải cách hành chính, triển khai hóa đơn điện tử, hóa đơn may mắn, triển khai cổng thông tin điện tử cho nhà cung cấp nước ngoài... 

Đặc biệt sau thời gian gấp rút xây dựng và hoàn thiện, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2023 hôm nay, Tổng cục Thuế chính thức đưa vào vận hành Công bố cổng thông tin điện tử kết nối dữ liệu với Sàn thương mại điện tử; triển khai Hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trên toàn quốc. Đây được xem là bằng chứng thiết thực cho cam kết đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa ngành Thuế, nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý thuế, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Với kết quả toàn diện đạt được trong năm 2022, tại Hội nghị, các đơn vị của ngành Thuế đã vinh dự đón nhận những phần thưởng cao quý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.

Phấn đấu triển khai hoàn thành nhiệm vụ chính trị năm 2023

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2023, ngành Thuế sẽ tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, nâng cao chất lượng dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử.

Toàn Ngành sẽ tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, thu hồi nợ thuế, chống thất thu, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2023 được Quốc hội giao.

Ban Lãnh đạo Tổng cục Thuế đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
Ban Lãnh đạo Tổng cục Thuế đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu đề xuất các giải pháp, chính sách về gia hạn, miễn, giảm thuế, tiền thuê đất thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; đồng thời tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp này nhằm hỗ trợ, giúp người dân, doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo đà phát triển kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Nghị quyết số 69/2022/QH15 về dự toán NSNN năm 2023, Nghị quyết của Chính phủ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2023, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi tăng trưởng kinh tế. Triển khai quyết liệt, hiệu quả Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, trọng tâm là công tác quản lý thuế dựa trên nền tảng thuế điện tử với 13 Đề án thành phần theo các lĩnh vực quản lý thuế.

Tiếp tục rà soát, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, hiện đại hóa hệ thống thuế nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phù hợp với các mục tiêu, định hướng đã đề ra tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.

Thực hiện tốt chương trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về quản lý thuế và chính sách thuế, mở rộng cơ sở thuế; Kịp thời triển khai áp dụng các văn bản, chính sách pháp luật vào cuộc sống, đảm bảo minh bạch, công bằng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Đồng thời, xây dựng, nâng cấp kịp thời hệ thống ứng dụng CNTT, đảm bảo việc triển khai các quy định mới được thông suốt, hiệu quả, thúc đẩy việc chuyển đổi số trong ngành Thuế...