Bước khởi đầu tái cơ cấu kinh tế ở Việt Nam

ThS. Đinh Văn Trung - Ban Tuyên giáo Đảng ủy, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(Tài chính) Hội nghị Trung ương 3 khóa XI khẳng định: “đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh”. Mục tiêu chung của tái cơ cấu kinh tế là hoàn thiện thể chế, cơ chế, công cụ phân bố, quản lý và sử dụng nguồn lực quốc gia theo mô hình tăng trưởng mới với cơ cấu kinh tế hợp lý hơn, hiệu quả hơn, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm phát triển bền vững và phù hợp với xu thế toàn cầu hóa.

Tái cơ cấu nền kinh tế là điều kiện tiên quyết để đổi mới mô hình tăng trưởng. Nguồn: internet
Tái cơ cấu nền kinh tế là điều kiện tiên quyết để đổi mới mô hình tăng trưởng. Nguồn: internet

Thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế nước ta liên tục tăng trưởng, đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, từ năm 2010 đã thoát khỏi nhóm nước chậm phát triển và nằm trong nhóm nước có thu nhập trung bình thấp.

Bên cạnh những thành tựu đáng khích lệ mà quá trình đổi mới đem lại, nền kinh tế còn phát triển thiếu bền vững, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa vững chắc. Đặc biệt, từ cuối năm 2007, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và sự suy thoái kinh tế trên thế giới đã tác động tiêu cực vào kinh tế nước ta, đã làm bộc lộ nhiều vấn đề trong mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam.

Bước vào giai đoạn 2011-2020, mức tăng trưởng kinh tế nước ta chậm lại, chất lượng và sức cạnh tranh tiếp tục suy giảm, tỷ giá thiếu ổn định,…

Nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mất ổn định của nền kinh tế được Đảng xác định là: mô hình tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng đã phát huy tác dụng tích cực và có hiệu quả nhất định, giúp mang lại nhiều thành tựu phát triển kinh tế trong giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới, giải phóng các nguồn lực sản xuất, cải thiện đáng kể chất lượng đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, việc duy trì quá lâu mô hình tăng trưởng này đã khiến cho những yếu kém nội tại của nền kinh tế với cơ cấu kinh tế không hợp lý, hiệu quả thấp tích tụ, dồn nén gây nên nhiều hạn chế, khiếm khuyết.

Trước thực trạng nền kinh tế và những đòi hỏi bức thiết của quá trình lãnh đạo, quản lý nền kinh tế, Đại hội XI xác định “Chiến lược tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh, bền vững; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đại hội chủ trương “đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế” và coi đây là định hướng tổng quát của phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2011-2020.

Nhiệm vụ là “ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XI, Hội nghị Trung ương 3 khóa XI khẳng định: “đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh”. Tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng sẽ phải gắn kết hữu cơ với nhau, tác động lẫn nhau, trong đó, mô hình tăng trưởng có vai trò dẫn dắt, chi phối quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Ngược lại, tái cơ cấu nền kinh tế là điều kiện tiên quyết để đổi mới mô hình tăng trưởng.

Mục tiêu chung của tái cơ cấu kinh tế là hoàn thiện thể chế, cơ chế, công cụ phân bố, quản lý và sử dụng nguồn lực quốc gia theo mô hình tăng trưởng mới với cơ cấu kinh tế hợp lý hơn, hiệu quả hơn, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm phát triển bền vững và phù hợp với xu thế toàn cầu hóa. Việc tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng phải gắn chặt với việc thực hiện ba khâu đột phá chiến lược mà Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 đã xác định, đó là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển nhanh nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Thứ nhất, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Xây dựng và thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020.

Thực hiện tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, Chính phủ đã điều chỉnh cơ cấu và cơ chế phân bổ vốn đầu tư; tập trung vốn cho các công trình, dự án quan trọng, cấp thiết và vốn đối ứng cho các dự án ODA. Kiểm soát chặt chẽ các dự án, công trình khởi công mới, khắc phục một bước tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Thực hiện các giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư xã hội, đưa tỷ trọng vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước từ 61,3% (giai đoạn 2006-2010) lên 62,6% (năm 2011-2013).

Tái cơ cấu tài chính, tín dụng, tập trung vào trọng tâm là tái cơ cấu các ngân hàng thương mại. Triển khai các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và đạt được kết quả bước đầu. Đã cổ phần hóa 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Chuyển Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương thành Ngân hàng Hợp tác xã. Hoạt động của hệ thống ngân hàng được kiểm soát và bảo đảm an toàn. Thanh khoản được cải thiện, sức cạnh tranh của nhiều ngân hàng thương mại được nâng lên. Hoàn thiện các quy định về an toàn và tăng cường giám sát, thanh tra hoạt động của các tổ chức tín dụng. Chủ động xử lý nợ xấu, kiềm chế nợ xấu gia tăng và đã đưa Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) vào hoạt động. Rà soát, ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng. Các công ty chứng khoán, bảo hiểm được cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động…

Thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước,tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách đổi mới quản lý doanh nghiệp nhà nước. Tăng cường quản lý nhà nước và xác định rõ quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước; nâng cao trách nhiệm, phát huy tính tự chủ của doanh nghiệp.

Chính phủ đã triển khai Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2015. Thực hiện tái cơ cấu từng tập đoàn và tổng công ty, đẩy mạnh cổ phần hóa, đổi mới quản trị doanh nghiệp, tăng cường kiểm soát nội bộ và công tác quản lý cán bộ. Đã thực hiện Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước có bước được cải thiện. Quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp tiếp tục được hoàn thiện.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, tập trung phát triển các ngành có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản. Do vậy, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng từ 60,2% (2010) lên khoảng 78% (2013).

Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được triển khai có hiệu quả. Tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng các vùng chuyên canh, sản xuất quy mô lớn, liên kết sản xuất với chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Chương trình xây dựng nông thôn mới được tích cực triển khai. Kết cấu hạ tầng, đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện. Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông thôn chuyển dịch tích cực; tỷ trọng nông lâm ngư nghiệp trong kinh tế nông thôn giảm; tỷ trọng lao động nông nghiệp trên địa bàn nông thôn giảm từ 49,5% năm 2010 xuống còn 47% năm 2013.

Lĩnh vực dịch vụ thực hiện tái cơ cấu theo hướng nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và tập trung phát triển các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao như công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng, logistics,...

Tuy nhiên, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm so với yêu cầu. Nhiều ngành, sản phẩm giá trị gia tăng còn thấp, chưa gắn được nhiều với mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đổi mới công nghệ còn chậm. Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư còn thấp. Giải quyết nợ đọng trong xây dựng cơ bản còn chậm. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng chưa đạt yêu cầu; quản trị doanh nghiệp chậm đổi mới, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp. Chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch còn nhiều hạn chế. Tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới còn chậm, ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội.

Thứ hai, Chính phủ xác định đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế là một nhiệm vụ quan trọng để hoàn thành mục tiêu kế hoạch 5 năm 2011-2015. Trong đó, tập trung đẩy mạnh thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, các quy hoạch và đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực; có mục tiêu, kế hoạch cụ thể, bảo đảm tính đồng bộ, có trọng tâm trọng điểm và kịp thời rà soát, bổ sung.

Về tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công. Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Luật đầu tư công, kế hoạch đầu tư trung hạn. Chính phủ tập trung vốn cho các công trình trọng điểm, cấp thiết, vốn đối ứng ODA, vốn giải phóng mặt bằng và vốn tham gia các dự án hợp tác công - tư. Tăng đầu tư cho nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, y tế, giáo dục và vùng đặc biệt khó khăn. Hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý đầu tư gắn với tăng cường giám sát, thanh tra, bảo đảm quản lý thống nhất và đề cao trách nhiệm của địa phương, chủ đầu tư. Tích cực xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. Tăng cường quản lý đầu tư, bảo đảm chất lượng và tiến độ công trình.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư xã hội, đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp ngoài nhà nước tiếp cận và sử dụng có hiệu quả nguồn lực và tài nguyên. Thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án lớn, công nghệ cao, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo bước chuyển mạnh trong chuyển dịch cơ cấu. Sớm xây dựng, phê duyệt, triển khai thực hiện một số đề án thành lập khu hành chính - kinh tế đặc biệt.

Tiếp tục tái cơ cấu ngân hàng, thị trường tài chính; tái cơ cấu toàn diện các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, tiếp tục cổ phần hóa và nâng cao sức cạnh tranh của các ngân hàng thương mại quốc doanh. Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, bảo đảm an toàn hệ thống. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán; tăng cường quản lý nhà nước đối với các công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm.

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty. Đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa, tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính, thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, chú trọng kiểm soát nội bộ và công tác cán bộ. Tăng cường quản lý nhà nước, quản lý của chủ sở hữu và công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra. Thực hiện công khai minh bạch hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế. Mục tiêu trong năm 2014 cổ phần khoảng 500 doanh nghiệp nhà nước, trong đó có 1 tập đoàn kinh tế, 5 tổng công ty 91, còn lại hầu hết là tổng công ty 90; bán cổ phần 4 ngân hàng thương mại nhà nước.

Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Giữ vững và sử dụng hiệu quả diện tích đất lúa và phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, chăn nuôi quy mô lớn, các khu nông nghiệp công nghệ cao. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả của các nông, lâm trường quốc doanh. Ưu tiên nguồn lực để thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới; phát triển sản xuất kinh doanh ở nông thôn, nhất là các ngành sử dụng nhiều lao động để giải quyết việc làm, tăng thu nhập và chuyển dịch cơ cấu lao động. Đẩy mạnh thực hiện Chiến lược biển, phát triển các ngành kinh tế biển.

Đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng chuyển từ gia công chế biến sang sản xuất và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản. Chú trọng đổi mới công nghệ, nhất là công nghệ tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và phát triển các dạng năng lượng tái tạo. Đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng đầu tư các dự án công nghiệp trọng điểm. Có chính sách hỗ trợ để phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo.

Thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển khu vực dịch vụ. Đẩy mạnh phát triển du lịch và các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, có giá trị gia tăng cao.

_____________________

Tài liệu tham khảo:

1. ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự Thật, Hà Nội. 1987.

2. ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

3. Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2013, kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm (2011-2015) và nhiệm vụ 2014-2015.