Cách mạng 4.0: Sẽ lấy đi nhiều việc làm?

Theo Nguyễn Ngọc/daibieunhandan.vn

Tại tọa đàm Việc làm, thị trường lao động Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sáng 27/12, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết: Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm mất đi việc làm của nhiều người lao động nhưng đồng thời tạo ra những công việc mới đòi hỏi trình độ cao.

Năm 2017 cả nước đã tạo việc làm cho gần 1,6 triệu người. Nguồn: Internet
Năm 2017 cả nước đã tạo việc làm cho gần 1,6 triệu người. Nguồn: Internet

Thiếu lao động chất lượng cao

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2017 cả nước đã tạo việc làm cho gần 1,6 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm xuống còn 3,19%. Tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản giảm từ 50% năm 2010 xuống còn 40,4%. Việt Nam cũng tích cực đưa lao động và chuyên gia đi làm việc tại nhiều quốc gia. Trong 6 tháng đầu năm, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 57.424 lao động, tăng 6,08% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, về cơ bản nước ta vẫn dư thừa lao động trong nông nghiệp, nông thôn; vẫn còn tỷ lệ lớn lao động làm trong các nghề giản đơn; chất lượng lao động thấp. Khu vực làm công ăn lương phát triển chậm, tỷ lệ thiếu việc làm vẫn còn khá cao.  Hệ thống luật pháp về thị trường lao động chưa đầy đủ, cơ sở hạ tầng của thị trường lao động chưa phát triển đồng bộ dẫn đến khả năng kết nối cung cầu lao động kém và có sự mất cân đối cung cầu lao động cục bộ.

Đáng nói là mặc dù tỷ lệ thiếu việc làm chiếm tỷ lệ lớn nhưng một số ngành nghề, địa phương lại không tuyển được lao động. Hệ thống giáo dục, hướng nghiệp và đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là đối với lao động yêu cầu kỹ năng cao. Một bộ phận lớn người lao động chưa được bảo vệ.

Thách thức nhiều hơn cơ hội

Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhận định, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với quốc tế, khu vực và đang nhận được nhiều làn sóng đầu tư từ nước ngoài. Sự phát triển của công nghệ cũng như thay đổi trong dây chuyền sản xuất được đánh giá là mang tới nhiều cơ hội.

Tuy nhiên, do xuất phát điểm, nền tảng, trình độ công nghệ, nguồn nhân lực… của nước ta còn hạn chế nên thị trường lao động sẽ gặp nhiều thách thức. Chẳng hạn, nguồn lao động dồi dào, giá rẻ sẽ không còn là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Cùng với đó là sức ép về vấn đề giải quyết việc làm và sẽ phải đối mặt với sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp hoặc thiếu việc làm.

46 triệu lao động chưa qua đào tạo đứng trước nguy cơ không có cơ hội tham gia làm những công việc có mức thu nhập cao, bị thay thế bởi robot, trang thiết bị công nghệ thông minh… Một số ngành, lĩnh vực chủ lực của thời kỳ kỷ nguyên số như bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin có thể rơi vào tình trạng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao…

Trước những tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiên cứu, dự báo về việc làm và thị trường lao động nhằm tìm ra những chính sách phù hợp để bảo đảm việc làm cho người lao động.

Kết quả dự báo cho thấy thị trường lao động đã và đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng giảm dần sử dụng lao động giản đơn sang sử dụng nhóm lao động có kỹ năng và trình độ cao. Đến năm 2020, tỷ trọng lao động trong ngành nông nghiệp giảm xuống còn 36,1%; ngành công nghiệp tăng lên 27,4%; ngành dịch vụ tăng lên 36,5%. 

Hiện nay, Bộ tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực hiện dự án phát triển thị trường lao động và việc làm, góp phần thực hiện các mục tiêu đã đặt ra trong giai đoạn 2018 - 2020 thông qua việc nâng cao năng lực hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm; Hỗ trợ các địa phương tổ chưc giao dịch việc làm, các sàn giao dịch việc làm định kỳ, thường xuyên; hỗ trợ lao động di cư từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp và lao động vùng biên; hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, phụ nữ nghèo nông thôn…