Cải cách thể chế kinh tế - yêu cầu cấp thiết để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế

Pgs., Ts. Lê Xuân Bá

Ngay trong năm 2013, Quốc hội cần ban hành Luật Đầu tư công (hay Luật Về quản lý vốn đầu tư nhà nước) thống nhất quản lý tất cả các loại vốn đầu tư nhà nước, bao gồm vốn đầu tư từ ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ, tín dụng đầu tư của nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp (DN). Đồng thời, cần tăng cường kỷ luật, minh bạch và trách nhiệm giải trình để khắc phục tầm nhìn và tư duy cục bộ địa phương, tầm nhìn và lợi ích nhiệm kỳ, lợi ích nhóm trong phân bố và sử dụng vốn đầu tư nhà nước.

Cải cách thể chế kinh tế - yêu cầu cấp thiết để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng - tiền đề quan trọng cho công cuộc cải cách kinh tế giai đoạn mới

Ngày 19/2 vừa qua, trên cơ sở Kết luận Hội nghị Trung ương 3, Khóa XI và Nghị quyết số 11 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 -2020 (Đề án).

Theo đó, mục tiêu cụ thể đầu tiên của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đã được xác định trong Đề án là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo lập hệ thống đòn bẩy khuyến khích hợp lý, ổn định và dài hạn, nhất là ưu đãi về thuế và các biện pháp khuyến khích đầu tư khác, thúc đẩy phân bố và sử dụng nguồn lực xã hội chủ yếu theo cơ chế thị trường vào các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, nâng cao năng suất lao động, năng suất các yếu tố tổng hợp và năng lực cạnh tranh.

Định hướng tái cơ cấu kinh tế được hình thành trên cơ sở  5 quan điểm chủ đạo. Một là, tiếp tục đổi mới tư duy, phân định rõ vai trò, chức năng của Nhà nước và của thị trường theo hướng giảm thiểu các rào cản, tạo động lực khuyến khích chuyển dịch, phân bổ và sử dụng các yếu tố sản xuất, nhất là vốn và nguồn nhân lực lao động theo tín hiệu của thị trường. Hai là, kết hợp hài hòa giữa giải quyết các vấn đề quan trọng, cấp bách với các vấn đề cơ bản, dài hạn, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Ba là, thúc đẩy phát huy lợi thế cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế, của các địa phương. Bốn là, thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính ở các ngành, các cấp. Năm là, tiếp tục mở cửa, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế; thu hút sự hưởng ứng và tham gia tích cực của người dân và các thành phần kinh tế.

Trên cơ sở các quan điểm chủ đạo này, Đề án đã xác định một số định hướng quan trọng ở những lĩnh vực chủ chốt sau:

Thứ nhất là, duy trì môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi, ổn định; thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, hiệu quả nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô; thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, triệt để tiết kiệm... bảo đảm cân đối ngân sách theo kế hoạch ngân sách trung hạn phù hợp và bảo đảm lành mạnh hóa tài chính quốc gia; tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường; bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu; theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường trong và ngoài nước, kịp thời áp dụng các biện pháp điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường...

Thứ hai là, thực hiện quyết liệt, hiệu quả ba trọng tâm tái cơ cấu kinh tế gồm: tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu hệ thống tài chính, ngân hàng, trọng tâm là các tổ chức tín dụng; tái cơ cấu DN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước

Thứ ba là, đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành sản xuất và dịch vụ, điều chỉnh chiến lược thị trường, tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, của DN và của nền kinh tế

Thứ tư là, tiếp tục tái cơ cấu, xây dựng và phát triển cơ cấu vùng kinh tế hợp lý: Phát huy tiềm năng và lợi thế của từng vùng, tăng cường phối hợp, bổ sung và kết nối giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng để cùng phát triển, khắc phục đầu tư trùng lặp, thiếu liên kết giữa các địa phương trong vùng. Tiếp tục ưu tiên phát triển vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực lôi kéo và lan tỏa phát triển đến các địa phương trong vùng, đến các vùng khác và cho cả nền kinh tế.

Có thể khẳng định rằng, với Đề án này, lần đầu tiên, quá trình phát triển kinh tế nước ta từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới kinh tế đến nay đã được phân tích một cách kỹ lưỡng và nghiêm túc, trên cơ sở đó đã xác định được những vấn đề cấp bách cần giải quyết để có thể đưa nước ta vào giai đoạn mới của phát triển: giai đoạn phát triển theo chiều sâu với chất lượng tăng trưởng cao hơn và có tính bền vững hơn.

Những đòi hỏi đổi mới thể chế kinh tế từ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế

Một trong những yếu tố quan trọng nhất tạo cơ sở cho đổi mới thể chế kinh tế, đáp ứng những yêu cầu của quá trình tái cơ cấu kinh tế đã được Đề án xác định rất rõ là: phải tiếp tục đổi mới tư duy, phân định rõ vai trò, chức năng của Nhà nước và của thị trường theo hướng giảm thiểu các rào cản, tạo động lực khuyến khích chuyển dịch, phân bổ và sử dụng các yếu tố sản xuất, nhất là vốn và nguồn nhân lực lao động theo tín hiệu của thị trường.

Việc xác định nhiệm vụ Nhà nước cần được đổi mới theo hướng phù hợp hơn với điều kiện cụ thể của đất nước trong từng giai đoạn phát triển. Cụ thể, việc xác định nhiệm vụ của Nhà nước cần phù hợp với quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường; phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; đáp ứng được với những yêu cầu của cải cách hành chính; phù hợp với khả năng của Nhà nước trong từng giai đoạn (nhất là khả năng đáp ứng nguồn lực từ ngân sách nhà nước).

Quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về bản chất, là quá trình chuyển đổi vai trò, nhiệm vụ của Nhà nước trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Chính vì vậy, việc xác định lại chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước là việc làm mang tính quyết định đối với quá trình cải cách kinh tế - xã hội ở nước ta.

Việc xác định lại vai trò, nhiệm vụ của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội cũng tạo cơ sở quan trọng cho việc thiết kế lộ trình, những bước đi và giải pháp cụ thể cho tái cơ cấu kinh tế nói chung và tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và cả tái cơ cấu hệ thống tài chính nói riêng. Điều này cũng sẽ dẫn đến quá trình hình thành cơ chế vận hành mới của bộ máy nhà nước, cơ chế phối hợp giữa các cấp cũng như giữa cơ quan đồng cấp.

Như vậy, có thể khẳng định, việc xác định lại chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội sẽ tạo cơ sở để hình thành: khung pháp lý mới cho các hoạt động của bộ máy nhà nước và các chủ thể liên quan; hệ thống tổ chức mới cho bộ máy nhà nước và các chủ thể liên quan; cơ chế vận hành mới cho bộ máy nhà nước cũng như cho các chủ thể liên quan. Đây cũng là những nội dung cơ bản của việc đổi mới và tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế nhằm đáp ứng các yêu cầu được đặt ra cho quá trình tái cơ cấu kinh tế trong giai đoạn tiếp theo.

Cụ thể, những vấn đề thiết yếu cần giải quyết là:

Đối với đổi mới bộ máy tổ chức Nhà nước (hay hẹp hơn là đổi mới bộ máy tổ chức Chính phủ): Cần sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân các cấp theo hướng xác định lại nhiệm vụ của Chính phủ và hệ thống chính quyền các cấp địa phương phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu kinh tế; đổi mới cơ cấu tổ chức Chính phủ và chính quyền các cấp phù hợp với vai trò và nhiệm vụ trong giai đoạn mới; đổi mới cơ chế vận hành của Chính phủ và chính quyền các cấp theo hướng nâng cao hiệu quả và hiệu lực của bộ máy nhà nước; đổi mới cơ chế tuyển, sử dụng, phát triển nhân sự của bộ máy nhà nước theo hướng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức nhà nước.

Đối với tái cơ cấu DNNN: Trên cơ sở xác định vai trò, nhiệm vụ của Nhà nước trong phát triển kinh tế trong giai đoạn mới cần xác định rõ những lĩnh vực mà Nhà nước cần tham gia đầu tư, mức độ tham gia (nắm DNNN, mức độ tham gia (100% vốn hay bao nhiêu %, tùy theo mục tiêu tham gia của Nhà nước ở mỗi lĩnh vực), hình thức tham gia...; ban hành những quy định pháp luật và pháp quy về cách thức tham gia của Nhà nước vào các DN, cách thức kiểm soát và giám sát sự tham gia này Bên cạnh đó, cần hình thành bộ máy tổ chức đại diện chủ sở hữu của Nhà nước các cấp; ban hành các cơ chế thực thi nhằm bảo đảm  hiệu quả của việc tham gia góp vốn của Nhà nước vào DN ở các lĩnh vực (hiệu quả này không nhất thiết chỉ là hiệu quả kinh tế thuần túy mà lệ thuộc vào mục tiêu tham gia góp vốn của Nhà nước ở từng lĩnh vực).

Đối với tái cơ cấu đầu tư công: Cần xác định rõ những lĩnh vực nào, dự án cụ thể nào thực sự được coi là đầu tư công (phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và phù hợp với cả nguồn lực ngân sách còn hạn chế của nước ta hiện nay). Đồng thời, cần ban hành Luật Đầu tư công với những nội dung cụ thể xác định lĩnh vực mà Nhà nước cần thiết phải đầu tư, cách thức thực hiện đầu tư công, giám sát quá trình đầu tư công; xác định hệ thống tổ chức các cơ quan nhà nước liên quan đến đầu tư công và nhiệm vụ cụ thể đối với những cơ quan, tổ chức này; xác định cơ chế vận hành liên quan đến đầu tư công.

Đối với tái cơ cấu hệ thống tài chính: Cần xác định rõ nhiệm vụ của Nhà nước và của các tổ chức tài chính trong quá trình tái cơ cấu hệ thống tài chính, đặc biệt là trong quá trình xử lý nợ xấu, bảo đảm tính ổn định và an toàn của hệ thống tài chính, giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Đổi mới các quy định pháp lý liên quan đến hệ thống tài chính, nhất là Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các tổ chức tín dụng, theo hướng tăng cường sự giám sát (cả từ bên trong lẫn bên ngoài hệ thống) đối với hoạt động của hệ thống tài chính, bảo đảm sự an toàn, tính hiệu quả của toàn hệ thống. Mặt khác, cần đổi mới hệ thống tổ chức để phù hợp với những yêu cầu trên, nhất là các tổ chức liên quan đến giám sát hoạt động các tổ chức tài chính; đổi mới cơ chế thực thi những quy định trên theo hướng sớm phát hiện và xử lý nghiêm ngặt hơn nữa đối với các trường hợp vi phạm.           

Một số vấn đề thể chế kinh tế cấp bách cần giải quyết để thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế

Trên cơ sở những yêu cầu đã được xác định ở trên, một số vấn đề cấp bách về thể chế kinh tế cần thực hiện trong thời gian tới để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Một là, xác định nhiệm vụ của Chính phủ: rà soát lại chức năng của các bộ được quy định tại các Nghị định theo hướng phân loại các nhiệm vụ: quản lý hành chính nhà nước, hoạch định chính sách, cung ứng dịch vụ (công và hỗ trợ), đại diện chủ sở hữu. Cụ thể là cần loại bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu ở các bộ thông qua việc hình thành một cơ quan quản lý tài sản công có chức năng đại diện chủ sở hữu trong tất cả các lĩnh vực. Loại bỏ một số dịch vụ hỗ trợ thông qua chính sách khuyến khích các tổ chức ngoài nhà nước cung cấp những dịch vụ này; giao nhiệm vụ cung cấp một vài dịch vụ công cho một số tổ chức kinh tế, xã hội. Nhà nước chịu trách nhiệm một phần hoặc toàn phần việc tài trợ - xã hội hóa một số dịch vụ công.

Tiếp đó, cần phân nhóm các chức năng trên cơ sở những nhiệm vụ mới được xác định lại. Trên cơ sở phân nhóm có thể thiết kế lại cơ cấu tổ chức Chính phủ theo hướng giảm số lượng các bộ và tăng tính phối hợp liên kết giữa các bộ, đặc biệt giao nhiệm vụ tổng tham mưu trong điều phối phát triển cho một cơ quan và trao đầy đủ quyền lực để điều phối cho cơ quan này. Rà soát lại toàn bộ các chức năng còn lại của Nhà nước, phân cấp nhiệm vụ cho cấp tỉnh theo hướng cấp Trung ương chỉ giữ lại những nhiệm vụ mà tỉnh không thực hiện được, phân cấp toàn diện cả về nhiệm vụ, tài chính và nhân sự theo hướng phân cấp từng bước, phù hợp với năng lực của cấp tỉnh. Ngoài chức năng quản lý hành chính nhà nước, những chức năng còn lại có thể được giao cho các tổ chức trong xã hội hoặc các DN thực hiện, Nhà nước có thể đảm nhận toàn phần hoặc một phần kinh phí cho những hoạt động này.

Hai là, tập trung chỉ đạo thực hiện những giải pháp đã được xác định trong Đề án Tái cơ cấu kinh tế. Ngay trong năm 2013, cần ưu tiên chỉ đạo thực hiện một số giải pháp như: sớm thông qua phương án xử lý nợ xấu, trong đó, có các giải pháp thực sự giải quyết được nợ xấu của các tổ chức tín dụng một cách đáng tin cậy, có trách nhiệm, công bằng, minh bạch. Đánh giá đầy đủ thực trạng sở hữu chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng và có giải pháp xử lý triệt để, ngăn ngừa có hiệu quả nguy cơ tái khôi phục sở hữu chéo trong các tổ chức tín dụng. Thiết lập thể chế, quy rõ trách nhiệm trong quản lý DNNN, khắc phục tình trạng lời ăn, lỗ dân chịu, khôi phục hình ảnh của DNNN nói chung và các tập đoàn, tổng công ty nói riêng trong nhân dân và trong dư luận xã hội.

Đặc biệt, Quốc hội cần ban hành sớm Luật Đầu tư công (hay Luật Về quản lý vốn đầu tư nhà nước) thống nhất quản lý tất cả các loại vốn đầu tư nhà nước, bao gồm vốn đầu tư từ ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ, tín dụng đầu tư của nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào các DN; tăng cường kỷ luật, minh bạch và trách nhiệm giải trình để khắc phục tầm nhìn và tư duy cục bộ địa phương, tầm nhìn và lợi ích nhiệm kỳ, lợi ích nhóm trong phân bố và sử dụng vốn đầu tư nhà nước.

Nếu thực hiện tốt những giải pháp này sẽ góp phần tích cực vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, tạo đột phá về niềm tin của nhân dân cũng như của các nhà đầu tư, thúc đẩy công cuộc đổi mới, thực sự tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.