Cần xác định rõ vai trò quản lý Nhà nước với thoái vốn đầu tư ngoài ngành

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Thoái vốn ngoài ngành là yêu cầu bắt buộc, là hướng đi đúng. Nhưng một vấn đề đang đặt ra là giải pháp nào phù hợp để thoái vốn ngoài ngành của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nói riêng, doanh nghiệp Nhà nước nói chung hiệu quả và bảo toàn ở mức cao nhất phần vốn và tài sản của Nhà nước đã đầu tư?

Cần xác định rõ vai trò quản lý Nhà nước với thoái vốn đầu tư ngoài ngành
Thoái vốn ngoài ngành là yêu cầu bắt buộc, là hướng đi đúng. Nguồn: internet

Theo các chuyên gia, việc đưa ra thời hạn phải hoàn thành thoái vốn đã thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ trong công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế, tái cơ cấu lại hoạt động của khối doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm, kể từ khi chủ trương thoái vốn ngoài ngành của các doanh nghiệp Nhà nước được đưa ra đến nay, việc thoái vốn ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước vẫn gần như dậm chân tại chỗ. Bởi, hiện giá trị cổ phiếu trên thị trường thấp hơn mệnh giá cơ sở (dưới 10.000 đồng/cổ phiếu), cũng như thấp hơn quá nhiều so với lượng vốn đầu tư. Để bảo toàn vốn ở mức cao nhất, nhiều đơn vị đã lần nữa khi thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Để tháo nút thắt này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Chí Hiếu cho rằng, Chính phủ không chỉ chấp nhận bán theo giá thị trường, mà cần cân nhắc việc bán lỗ, trừ trường hợp bán lỗ đó là do sự kết nối bất hợp pháp giữa các công ty đó với các công ty phát hành cổ phiếu. Không đồng tình với quan điểm này, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong cho rằng, nếu các doanh nghiệp Nhà nước không muốn bán lỗ thì thoái vốn đầu tư ngoài ngành có thể thương lượng với Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) hoặc Công ty quản lý tài sản (VAMC).

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Chí Hiếu, việc bán cho các tổ chức này sẽ không hiệu quả, bởi đó là cách chuyển từ túi nọ sang túi kia, mà suy cho cùng vẫn chỉ là sự dịch chuyển thêm nhiều thâm hụt đồng vốn của Nhà nước. Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế - tài chính Bùi Kiến Thành cũng cho rằng, nếu các công ty tài chính tư nhân bỏ tiền ra mua lại lượng cổ phần, cổ phiếu để giúp cho các doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn thì sẽ rất tốt. Song nếu vẫn là các công ty tài chính của Nhà nước thì cuối cùng vẫn là vốn của Nhà nước. Vì thế, việc thoái vốn ngoài ngành của các doanh nghiệp Nhà nước, cần tính đến các đối tác là doanh nghiệp tư nhân, vốn ngoài Nhà nước. Đặc biệt, trong bối cảnh các nguồn lực trong nước đang khó khăn, cũng cần tính đến nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cũng khó thoái vốn khỏi các ngân hàng, thậm chí mục tiêu thoái hết toàn bộ lượng vốn đầu tư vào khu vực này trong năm 2015 được cho là quá sức. Nguyên nhân do các ngân hàng đang triển khai mạnh công tác tái cấu trúc, xử lý nợ xấu, nâng cấp tính hiệu quả và an toàn trong hệ thống tài chính… nên rất cần vốn.

Vì thế, nếu tiếp tục đẩy việc thu xếp vốn cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước về phía ngân hàng là điều không dễ thực hiện. Và cũng không thể phủ nhận thực tế là các tập đoàn, tổng công ty đã được hưởng lợi từ các khoản chia cổ tức khi đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng trong thời gian vừa qua. Nhìn rộng ra thì đó cũng là những đóng góp từ phía ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước cho tăng trưởng của ngân sách.

Vì vậy, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Chí Hiếu, việc thoái vốn khỏi các ngân hàng cần tính đến một lộ trình riêng, với khoảng thời gian cụ thể. Tuy nhiên, nhiều quan điểm lại cho rằng, bản thân các ngân hàng có nhiều mối quan hệ và là kênh có thể tìm được các đối tác để thay thế cho các khoản đầu tư của nhà nước nhanh và thuận lợi hơn cả. Do đó, cần quyết liệt triển khai chứ không thể tiếp tục ban hành những thủ tục ưu đãi khác.

Thời gian để các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải hoàn thành thoái toàn bộ vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực ngành nghề sản xuất kinh doanh chính chỉ còn đếm ngược. Hai năm là tương đối ngắn, nhưng có lẽ cũng đủ để các đơn vị này chủ động tìm nhà đầu tư để thương thảo, giao dịch và đi đến sự chuyển nhượng thuận mua vừa bán. Đầu tư theo thị trường thì cho dù là 100% vốn của Nhà nước cũng phải tuân theo quy luật của kinh tế thị trường.

Vì vậy, một cơ chế cho phép thoái vốn theo cơ chế thị trường được cho là tất yếu và hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Song phải xác định rõ vai trò của quản lý Nhà nước trong việc thanh tra, kiểm tra toàn bộ quá trình thực hiện thoái vốn này để bảo đảm đúng lộ trình, đạt hiệu quả và không vi phạm quy định của các luật liên quan.