Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt: Thông điệp mang lại nhiều hy vọng

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) "Với tư cách là một nhà nghiên cứu và với tư cách công dân, tôi cho rằng Thông điệp của Thủ tướng mang lại nhiều hy vọng, gợi lên nhiều sự chờ đợi và thu hút nhiều cách nhìn vào Việt Nam", chuyên gia Nguyễn Trần Bạt nói với Báo điện tử Chính phủ.

Phóng viên: Xin ông cho biết suy nghĩ của mình khi đọc thông điệp, với tư cách là một doanh nhân, luật sư, nhà tư vấn, học giả nổi tiếng?

 Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt: Thông điệp mang lại nhiều hy vọng - Ảnh 1
Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt
Ông Nguyễn Trần Bạt: Trước hết với tư cách là một nhà nghiên cứu, tôi chúc mừng Thủ tướng vì Thông điệp đầu năm của Thủ tướng.

Đây là một bài viết có giá trị khoa học không thể nghi ngờ. Thứ nhất, về mặt ngôn ngữ, đây là một văn bản nghiêm túc và sang trọng. Thứ hai, thông điệp có phương pháp luận rất chặt chẽ. Thứ ba, đây là một bài viết có cấu trúc hài hòa, một bài viết kiểu mẫu, có thể xem như một tác phẩm chính luận.

Bài viết này của Thủ tướng đáp ứng nguyện vọng số 1 của xã hội Việt Nam là tìm kiếm, đòi hỏi, khao khát dân chủ.

Cao hơn một chút, giới học giả tâm đắc sự khẳng định của Thủ tướng về Nhà nước pháp quyền. Bởi trên thế giới, Nhà nước pháp quyền đã bắt đầu trở thành một công cụ có chất lượng văn hóa dành để điều hành xã hội. Đấy là một nền văn minh. Khẳng định vai trò của Nhà nước pháp quyền là khẳng định chúng ta đang sống trong tiêu chuẩn của nền văn minh nhân loại. Đây là một khẳng định rất quan trọng.

Việt Nam có một số đặc thù, trong đó đặc thù quan trọng nhất đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đến: Vấn đề đại đoàn kết. Vì vậy, thông điệp thứ ba mà tôi nghĩ xã hội chờ đón chính là tinh thần đoàn kết. Bởi dân chúng ta yêu nước, dân chúng ta rất lo sự chia rẽ trong xã hội, đặc biệt là trong khu vực các nhà lãnh đạo. Vì thế nhân dân nhìn bài viết này với việc biểu dương tinh thần đại đoàn kết trở thành một trong những hạt nhân cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh, đấy là một kết luận cực kỳ thông minh và đúng tâm lý của xã hội chúng ta. Bởi ổn định chính trị không phải chỉ là nguyện vọng của Đảng và Nhà nước, ổn định chính trị còn là nguyện vọng của xã hội.

Còn thông điệp thứ tư về văn hóa là xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nông thôn mới không chỉ là củng cố khu vực nông nghiệp như một khu vực kinh tế. Nếu nhìn nông thôn như là khu vực kinh tế nông nghiệp, hay nguồn thu của ngân sách thì sai. Nguồn thu của khu vực nông thôn lớn hơn nhiều, đó là duy trì và kéo dài tuổi thọ của nền văn hóa Việt Nam, là yếu tố để duy trì tính bền vững của dân tộc chúng ta. Thủ tướng gửi đi thông điệp thứ tư rất trúng, đó là duy trì cái nôi của nền văn hóa Việt Nam, duy trì nơi dung dưỡng, nuôi cấy các yếu tố cơ bản để duy trì tuổi thọ của dân tộc chúng ta về mặt văn hóa.

Như vậy, bài phát biểu của Thủ tướng có 4 thông điệp bên trong: Khẳng định dân chủ, Nhà nước pháp quyền, đại đoàn kết dân tộc và phát triển nền văn hóa dân tộc.

Đối với bên ngoài thì thú vị hơn, đối với những ai không muốn chúng ta phát triển, không muốn chúng ta yên ổn thì đây là những thông điệp rằng đừng hy vọng vớ vẩn như thế. Thông điệp ấy là một thông điệp yêu nước nếu xét theo nghĩa quan hệ đối ngoại.

Thứ hai, thông điệp đã nêu một nội dung quan trọng gửi một cách chính thức đến thế giới về ý chí tiếp tục mở cửa, tiếp tục đổi mới, tiếp tục cải cách, tiếp tục duy trì sự cấp tiến của xã hội Việt Nam và của nền kinh tế Việt Nam. Đấy là thông điệp vô cùng quan trọng, nó làm cho chúng ta ổn định trong các quan hệ quốc tế, làm cho công tác ngoại giao của chúng ta, cả ngoại giao đảng phái lẫn ngoại giao Nhà nước ổn định hơn, dễ dàng hơn. Bởi vì nó thể hiện ý chí của toàn bộ hệ thống chính trị về việc duy trì khuynh hướng tiếp tục đổi mới theo tinh thần của những đại hội Đảng kéo dài từ Đại hội VI cho đến bây giờ.

Thứ ba, Thủ tướng đã gửi đến cộng đồng các nhà kinh tế, các nhà đầu tư thế giới thông điệp: Việt Nam là một nền kinh tế cấp tiến, một không gian chính trị cấp tiến, Việt Nam luôn chào đón các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, thông điệp còn giải quyết các vấn đề quốc tế. Nhiều nước gần khu vực của chúng ta đang có vấn đề nội tại. Bằng thông điệp kêu gọi sự ổn định, thống nhất chính trị, Việt Nam đã động viên những nước vốn dĩ có quan hệ láng giềng đặc biệt với chúng ta, thậm chí có thể động viên cả những quốc gia trong khu vực. Xa xôi hơn nữa chúng ta có thể gợi ý cho cả những quốc gia đang bị cô lập rằng: Mở cửa, đổi mới là con đường sống.

Như vậy, thông điệp có giá trị củng cố chất lượng chính trị của khu vực, củng cố chất lượng chính trị của các quan hệ đối với các cường quốc trên thế giới, củng cố quan hệ đối với các nhà đầu tư, với các định chế quốc tế. Đó là ảnh hưởng quốc tế của thông điệp này.

Như vậy, Thông điệp của Thủ tướng đã nhận diện rõ những việc cần tiến hành và niềm hy vọng cho năm 2014 cùng nhiều năm tiếp theo. Tuy nhiên, theo ông, làm thế nào để chúng ta hiện thực hóa được những mục tiêu đã đặt ra?

Tôi luôn luôn hình dung các yếu tố cấu thành của hệ thống chính trị như cái cần cẩu, nó có đoạn vươn để cẩu những vật nặng, nhưng đồng thời nó cũng có cả khối trọng lượng để ghì néo, gọi là đối trọng. Độ vươn của cần cẩu càng lớn thì trọng lượng của đối trọng càng phải lớn. Hai khối đối trọng chính là hai yếu tố tạo tiền đề cho việc hiện thực hóa các cam kết của Thủ tướng Chính phủ. Thứ nhất là kinh phí (nguồn tiền), thứ hai là sự thống nhất chính trị và đồng thuận xã hội.

Để tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước như Thủ tướng nói trong thông điệp, rất cần tiền; để tái cơ cấu lại các thể chế của nền kinh tế thị trường cũng cần tiền; để xây dựng hệ thống pháp quyền một cách có hiệu lực cần rất nhiều kinh phí.

Như vậy, để thực hiện các mục tiêu của thông điệp, chúng ta cần rất nhiều tiền. Cần tiền cho Chính phủ thực hiện và cần vốn cho tư nhân để tự tái cấu trúc.

Thủ tướng có nói Chính phủ không làm thay, Chính phủ chỉ xây dựng thể chế. Tái cấu trúc các doanh nghiệp là công việc của xã hội chứ không phải là công việc của Thủ tướng Chính phủ hoặc của Chính phủ. Vậy xã hội cũng cần tiền để thực hiện tốt nhiệm vụ mà Thủ tướng phân cho, còn bản thân Thủ tướng và Chính phủ cũng phải làm việc để xây dựng thể chế. Như vậy tiền ở đâu? Tiền ở trong nhân dân!

Nếu chúng ta không có những chính sách mà nhân dân tin cậy thì nhân dân sẽ cất tiền đi. Nhân dân sẵn sàng học tập những kinh nghiệm đã có trong chiến tranh để sơ tán tiền của mình nếu các chính sách không làm rõ lợi ích của nhân dân và không tôn trọng lợi ích ấy. Tiền ở trong nhân dân, vậy phải có những chính sách để nhân dân tin tưởng bỏ tiền ra đầu tư vào những mục tiêu kinh tế chính trị của Chính phủ, phải làm rõ được tính nhân dân của các chính sách, đó là công việc để hiện thực hóa thông điệp của Thủ tướng Chính phủ về mặt kinh tế.

Ông có gợi ý chính sách nên được xây dựng như thế nào, nhất là trong hoàn cảnh của năm 2014?

Đây là bài toán rất lớn của cả Đảng và Chính phủ. Thông điệp này là một thể nghiệm chính trị khổng lồ cho lối thoát tiền ở đâu?

Tiền dứt khoát ở trong nhân dân, kẻ tham nhũng, kẻ kiếm tiền một cách không minh bạch cũng giấu tiền trong nhân dân, người kiếm tiền một cách chính đáng cũng cất ở trong nhân dân. Nhân dân là cái hầm trú ẩn của tất cả tiền bạc của một quốc gia, vậy thì chúng ta phải làm thế nào để nhân dân cung cấp tiền cho đất nước? Năm 1954, trong một xã hội mà người Pháp cai trị, cảnh sát, mật thám theo dõi sát sao, nhưng cờ quạt đâu mà xuất hiện nhanh như thế khi bộ đội từ Điện Biên trở về Hà Nội. Chỉ sau một đêm, Hà Nội tràn ngập cờ để đón Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh về.

Những năm vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ vất vả quá. Trong bài trả lời phỏng vấn Báo Đại Đoàn kết, tôi nói rất rõ rằng: Gọi là quản lý kinh tế vĩ mô thì không phản ánh được sự vất vả của Chính phủ. Chính phủ vừa quản lý nền kinh tế vĩ mô vì chức năng quản lý Nhà nước của mình, Chính phủ lại vừa phải quản lý vi mô với tư cách là chủ sở hữu một khu vực kinh tế quan trọng, chiếm tới 60-70% doanh số của nền kinh tế chúng ta. Sự vất vả như thế xã hội không thấy được.

Nhiệm vụ của tuyên truyền, nhiệm vụ của chính các bạn nhà báo là làm cho xã hội hiểu được điều ấy. Tôi xem báo chí các bạn là một cơ quan cực kỳ lãng mạn, các bạn chế ra các sản phẩm quyến rũ nhân dân, làm cho họ lại phấn khởi, lại tươi tắn trước sự đúng đắn được thể hiện tương tự như thông điệp đầu năm.

Với các doanh nghiệp, họ sẽ nhận được gì từ Thông điệp này, thưa ông?

Khi nào giới khoa học, các nhà chính trị đứng đắn bắt đầu phân tích và tín nhiệm các thông điệp này, thì giới doanh nghiệp bắt đầu tìm đến nhiều chuyên gia phân tích tình thế để hỏi. Trước sự phân tích có lý một cách chắc chắn, họ bắt đầu tính đến chuyện tìm hướng đầu tư.

Theo kinh nghiệm của tôi, tôi nói chắc chắn rằng nếu nhân dân tin cậy vào lời hứa, vào các quyết sách của Đảng và Chính phủ, nhân dân sẽ đầu tư, sẽ tự lo thân phận của mình và chắc chắn Chính phủ sẽ được hưởng lợi.

Sự đáng tin cậy của các chính sách là chìa khóa và động lực cơ bản cho tiếp tục đổi mới. Niềm tin của nhân dân vào chính sách mới là động lực của nền kinh tế, động lực của sự phát triển.

Thưa ông, làm thế nào để có thể tạo lập nên những chính sách đúng?

Tất cả mọi chính sách quan trọng mà Thủ tướng hay gọi là chính sách vĩ mô đều phải có êkip lập nó và thẩm định nó. Luôn luôn phải tuyển chọn một bộ máy lập chính sách. Chúng ta không thể làm việc lề mề, bởi vì tuy là các chính sách, nhưng nó giống như các mệnh lệnh ở ngoài mặt trận. Chính sách bây giờ, nhất là chính sách trong kinh tế, thì phải nhanh nhạy mới có hiệu lực; nhanh nhạy nhưng hấp tấp thì tạo ra những đổ vỡ và lãng phí không cần thiết.

Tiền chúng ta không có nhiều, chỉ cần vài ba lần đổ vỡ, thất thoát là chúng ta mất uy tín, là nhân dân lại cất tiền vào túi. Tại sao giá vàng lên, giá đô la lên? Là bởi vì nhân dân cất tiền vào túi. Và đến khi không còn đô la, không còn vàng để mua thì họ cất tiền mặt.

Chính sách quan trọng nhất tác động nhiều nhất đến sự phát triển kinh tế, tác động nhiều nhất đến sự yên ổn của xã hội, và tác động nhiều nhất đến sự đoàn kết thống nhất về mặt chính trị trong Đảng. Đó là ba tiêu chuẩn mà tôi tạm khái quát cho quy trình lập chính sách. Thỏa mãn ba điều ấy bất kỳ cách làm gì cũng đúng.

Xin trân trọng cảm ơn ông!