Đa dạng hoá kỳ hạn trái phiếu:

Cơ hội huy động vốn về đích

Theo baohaiquan.vn

Sau nhiều thời gian chờ đợi, Quốc hội đã bỏ phiếu, tán thành đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu Chính phủ (TPCP) phát hành trong năm 2015 và năm 2016.

Nguồn vốn từ phát hành TPCP đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nguồn: baohaiquan.vn
Nguồn vốn từ phát hành TPCP đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nguồn: baohaiquan.vn

Đây được xem là cú hích để hỗ trợ thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh, tạo đà cho kế hoạch huy động vốn TPCP năm 2015 về đích.

Tháo nút thắt

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam Đỗ Mạnh Quỳnh, việc đa dạng hóa kỳ hạn phát hành TPCP, đặc biệt là kỳ hạn từ 5 năm trở xuống không chỉ cải thiện khả năng huy động vốn cho ngân sách, mà quan trọng hơn còn hỗ trợ cho thị trường TPCP phát triển ổn định, lành mạnh và chuyên nghiệp hơn.

Theo đó, các hoạt động đầu tư, kinh doanh TPCP của các ngân hàng được chủ động, phù hợp với cơ cấu huy động vốn, giảm thiểu rủi ro chênh lệch kỳ hạn giữa huy động và sử dụng vốn.

Điều này nhằm khắc phục tình trạng cung - cầu vênh nhau như hiện tại, cũng như để tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu phát triển đồng bộ, trong đó, thị trường TPCP đóng vai trò là thị trường chuẩn.

Năm 2015, với chủ trương chỉ phát hành các loại TPCP kỳ hạn dài (từ 5 năm trở lên) nhằm mục tiêu cơ cấu lại các khoản vay theo hướng kéo dài thời hạn, giảm áp lực phải đảo nợ trong quãng thời gian ngắn (2-3 năm) khi dòng tiền từ số tiền đầu tư chưa thu hồi hết.

Theo đó, năm 2015 là năm đầu tiên phát hành thành công TPCP kỳ hạn 20 năm (kỳ hạn dài nhất từ trước tới nay) cho các công ty bảo hiểm nhân thọ, với khối lượng phát hành trong tháng 7-2015 là 3.450 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thị trường trái phiếu Việt Nam còn bộc lộ không ít hạn chế như công cụ giao dịch còn đơn điệu, chủ yếu là giao dịch thông thường (outrights) và giao dịch mua bán lại (Repo). Mặt khác, cơ cấu nhà đầu tư chưa phát triển, hiện chủ yếu tập trung ở khối ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán.

Sự tham gia của khối quỹ đầu tư, bảo hiểm vốn là khách hàng tiềm năng của thị trường trái phiếu rất thấp. Nhà đầu tư nước ngoài sau đợt thoái vốn ồ ạt vào năm 2008 đã bắt đầu quay lại với thị trường nhưng tỷ lệ còn thấp (chiếm 15,11% tỷ trọng giao dịch trái phiếu và tín phiếu).

Bên cạnh đó, với giá trị vốn hóa xấp xỉ 38 tỷ USD, quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn còn có một khoảng cách khá xa so với nhiều nước trong khu vực như Philippines 102 tỷ USD (tương đương 37,6% GDP), Thái Lan 282 tỷ USD (tương đương 76,3% GDP), Hàn Quốc 1.758 tỷ USD (tương đương 122,1% GDP).

Vì vậy, theo các nhà đầu tư, nếu không cho phép phát hành trái phiếu kỳ hạn ngắn, Chính phủ sẽ rất khó huy động được nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu chi thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Bởi trong 10 tháng đầu năm 2015, việc phát hành TPCP thu hút không nhiều nhà đầu tư; khối lượng phát hành chỉ đạt gần 130 nghìn tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch (năm 2015 Bộ Tài chính giao Kho bạc Nhà nước chỉ tiêu huy động 250 nghìn tỷ đồng).

Theo ông Thomas Poh- chuyên gia đến từ Ngân hàng Techcombank, kinh nghiệm các nước, thị trường TPCP luôn đóng vai trò là kênh huy động vốn cho NSNN, là thị trường chuẩn cho thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường tài chính. Đó là lý do các nước đều cho phép phát hành đa dạng kỳ hạn TPCP trên 5 năm và dưới 5 năm để chủ động trong điều hành thị trường và tạo lập lãi suất chuẩn cho thị trường tài chính.

Ngay sau khi có chủ trương đa dạng hóa kỳ hạn TPCP, ngày 18-11, Kho bạc Nhà nước đã tổ chức đấu thầu 7.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm đầu tiên trong năm 2015 và kết quả đã bán thành công 100% khối lượng đấu thầu.

Ngày 19/11, phiên đấu thầu 2.000 tỷ đồng trái phiếu xây dựng Thủ đô đợt 2/2015 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cũng thành công ngoài mong đợi. Kết quả, đã huy động thành công 2.000 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 100%), với kỳ hạn 5 năm, lãi suất trúng thầu 7,45%/năm, cao hơn 0,25%/năm so với lãi suất trúng thầu đợt 1-2015.

Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, Chính phủ sẽ sớm đẩy mạnh phát hành trái phiếu kỳ hạn ngắn 3 năm; khối lượng phát hành cho kỳ hạn này có thể lên tới 50.000- 60.000 tỷ đồng (30% tổng khối lượng TPCP phát hành).

Nhu cầu cho trái phiếu dự báo sẽ tương đối cao do đây là loại kỳ hạn ưa thích của các ngân hàng và với diễn biến này, khả năng cân đối bội chi của Chính phủ trong năm nay tạm thời đã bớt khó khăn do khơi thông được nguồn vốn mới.

Làm khỏe thị trường

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân hàng- Bộ Tài chính Phạm Thị Thu Hiền, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện hệ thống khuôn khổ pháp lý về quản lý nợ công gắn với quản lý ngân sách, quản lý ngân quỹ nói chung và thị trường TPCP nói riêng một cách đồng bộ theo đúng mục tiêu đặt ra trong lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam đến năm 2020.

Trong năm 2015, nhằm theo sát sự phát triển của thị trường, hướng thị trường TPCP minh bạch, hiệu quả hơn, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho nền kinh tế; đồng thời, tạo thuận lợi hơn cho các chủ thể tham gia huy động vốn trên thị trường trái phiếu, Bộ Tài chính đã sửa đổi, bổ sung Thông tư hướng dẫn về phát hành TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương tại thị trường trong nước. Theo đó, bổ sung phát hành trái phiếu không trả lãi định kỳ (zero coupon bond) và bổ sung phát hành trái phiếu có kỳ hạn 7 năm và 20 năm, tăng tổng số kỳ hạn phát hành từ 6 lên 8 kỳ hạn…

Đồng thời, Kho bạc Nhà nước “bắt tay” với Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam về giảm quy trình đấu thầu, niêm yết và giao dịch TPCP. Trong đó, có 3 điểm nhấn là KBNN sẽ công bố kế hoạch phát hành trái phiếu vào tháng đầu tiên của quý; giảm thời gian đưa trái phiếu lên giao dịch xuống còn 2 ngày sau ngày đấu thầu; và đưa trái phiếu phát hành bằng hình thức bán lẻ vào niêm yết và giao dịch vào ngày làm việc thứ hai sau ngày phát hành trái phiếu.

“Phát triển sản phẩm mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm tại Lộ trình phát thị trường trái phiếu Việt Nam. Trước mắt, triển khai sản phẩm trái phiếu không trả lãi định kỳ, Bộ Tài chính cũng đang tham vấn các cơ quan liên quan để triển khai thí điểm sản phẩm TPCP có lãi suất thả nổi vào năm 2016. Và dự kiến trong giai đoạn đầu để hấp dẫn nhà đầu tư thì TPCP có lãi suất thả nổi sẽ phát hành ở kỳ hạn từ 3 đến 5 năm” - bà Phạm Thị Thu Hiền nói.

Động thái này nhằm từng bước phát triển thị trường trái phiếu một cách bền vững, thanh khoản cao và từng bước tiếp cận các thông lệ và chuẩn mức quốc tế, để từ đó trở thành một kênh huy động vốn an toàn, hiệu quả cho nền kinh tế. Phấn đấu đến năm 2020, tổng dư nợ thị trường trái phiếu đạt 38% GDP, trong đó thị trường TPCP đạt 22% GDP, thị trường TPCP bảo lãnh đạt 8%.