Công khai, minh bạch việc mua sắm tài sản công

Ngọc Quỳnh

Sau 5 năm thí điểm hình thức mua sắm tập trung (MSTT) tại 23 bộ, ngành và địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg quy định về việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung. Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 35/2016/TT-BTC hướng dẫn triển khai mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung. Hưởng ứng chính sách này, mới đây TP. Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong MSTT.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Hà Nội đi đầu cả nước trong mua sắm tập trung

Ngày 30/11/2016, TP. Hà Nội đã triển khai hoạt động của Trung tâm mua sắm tài sản công và thông tin, tư vấn tài chính. Đây là Trung tâm mua sắm tài sản công đầu tiên của cả nước hiện nay.

Ông Hà Minh Hải, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và chủ trương của Thành ủy, UBND Thành phố về việc Thành lập Trung tâm mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung trên cơ sở sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng cung cấp dịch vụ công về tài chính, tài sản, y tế... đơn vị đã có những bước chuẩn bị nhằm thực hiện chủ trương này. 

Trên cơ sở chủ trương của Thành ủy, UBND Thành phố, Sở Tài chính đã phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu kiện toàn đơn vị MSTT của Thành phố, góp phần giảm bộ máy và biên chế trong mua sắm công, thu về một đầu mối, giảm chi tiêu công do mua sắm theo số lượng lớn; giúp đồng bộ trang thiết bị sử dụng phổ biến tại các đơn vị, nâng cao tính minh bạch; qua đó tạo sự chuyển biến về nhận thức của các cơ quan, đơn vị về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Với sự tham mưu của Sở Tài chính, UBND Thành phố đã phê duyệt Đề án “Xác định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Mua sắm tài sản công và thông tin, tư vấn tài chính” trực thuộc Sở Tài chính.

Trong đó, xác định Trung tâm là đơn vị MSTT của TP. Hà Nội. Sau khi kiện toàn tổ chức, bộ máy, Trung tâm đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/10/2016. Hiện nay, tổ chức bộ máy của Trung tâm gồm Giám đốc, một nhân sự Phụ trách Phòng Nghiệp vụ mua sắm tài sản và một nhân sự Phụ trách Phòng Hành chính - Tổng hợp. Tổng cộng có 11 công chức, viên chức, hợp đồng lao động trong biên chế và điều động, biệt phái từ các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở Tài chính.

Đánh giá cao các bước chuẩn bị của Sở Tài chính, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu đơn vị tập trung kiện toàn bộ máy tổ chức, tiến hành thông tin công khai và chuẩn bị mở gói thầu đầu tiên về mua sắm thiết bị y tế. Theo  Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Chung, cho biết, việc mua sắm tài sản công tập trung là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, Quốc hội và UBND TP. Hà Nội, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Nhiệm vụ mua sắm công trên địa bàn Hà Nội được thu về một đầu mối sẽ giảm chi tiêu công do mua sắm theo số lượng lớn; giúp đồng bộ trang thiết bị sử dụng phổ biến tại các đơn vị, nâng cao tính minh bạch.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh, các cán bộ, lãnh đạo trung tâm cần nhận thức rõ vai trò, nhiệm vụ quan trọng của mình, thực hiện mua sắm tài sản công cho thành phố, bảo đảm chất lượng, thiết thực và đúng với yêu cầu của các đơn vị. Đặc biệt, trung tâm cần xây dựng chương trình cụ thể để việc mua sắm công tập trung bảo đảm chất lượng, công khai, minh bạch.

Hiệu quả lớn từ mua sắm tập trung

Đánh giá của các chuyên gia cho thấy, khi triển khai phương thức MSTT, cơ quan chức năng sẽ thông qua một đơn vị đầu mối để tổ chức đấu thầu rộng rãi, nhằm MSTT một lượng lớn hàng hóa, dịch vụ cho nhiều cơ quan khác nhau. Do đó, sẽ lựa chọn được các nhà cung cấp tốt nhất, với chất lượng sản phẩm tối ưu, giá thành hợp lý, dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng bảo đảm hơn hình thức cũ.

Nhìn rộng hơn, hiệu quả của việc mua sắm tài sản, hàng hoá theo phương thức tập trung không chỉ thể hiện ở số tiền giảm chi do mua sắm theo lô lớn mà còn được thể hiện ở chỗ chất lượng đầu vào tốt, đảm bảo giá được thống nhất, tương đồng về kỹ thuật, việc sử dụng tài sản đạt hiệu quả cao, hạn chế các phát sinh kỹ thuật phải sửa chữa bất thường trong quá trình sử dụng tài sản.  

Bên cạnh đó, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện MSTT sẽ ký thỏa thuận khung với nhà thầu được lựa chọn. Khi các cơ quan, đơn vị sử dụng tài sản có nhu cầu mua sắm, chỉ cần căn cứ vào thỏa thuận khung đã ký giữa nhà thầu được lựa chọn với đơn vị MSTT để ký hợp đồng trực tiếp. Điều này sẽ tiết kiệm được thời gian, nhân lực, chi phí so với việc phải tổ chức đấu thầu riêng lẻ từng đơn vị. 

Ngoài ra, các thông tin về MSTT sẽ được công khai, từ nhu cầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu đến kết quả mua sắm, do đó sẽ bảo đảm tính minh bạch, thuận tiện cho công tác kiểm tra, giám sát phòng chống tham nhũng, lãng phí trong mua sắm công. Như vậy, có thể thấy nếu triển khai tích cực, tổ chức bài bản, việc MSTT sẽ góp phần tiết kiệm chi tiêu công, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. 

Việc MSTT cũng đã đáp ứng được yêu cầu trang bị hiện đại, đồng bộ về tài sản, góp phần đổi mới công nghệ quản lý theo hướng cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt là việc trang bị thiết bị công nghệ thông tin, trang thiết bị chuyên dùng trong ngành Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Y tế, Giáo dục góp phần hạn chế tình trạng trang bị tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức hoặc trang bị tài sản tràn lan, không hiệu quả...