Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm:

Đánh giá toàn diện từng chỉ số kinh tế

Theo daibieunhandan.vn

(Taichinh) - Tiếp tục đà phục hồi từ cuối năm ngoái, nền kinh tế nước ta 6 tháng đầu năm 2015 có nhiều tín hiệu tích cực. Tăng trưởng GDP đạt 6,28%. CPI tăng 0,55% so với tháng 12.2014. GDP tăng cao và lạm phát tiếp tục ở mức thấp là nền tảng thuận lợi cho việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, ĐBQH, TS.Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, cần đánh giá toàn diện từng chỉ số kinh tế đạt được để nhìn rõ đâu là điểm mừng, đâu là điểm cần lo lắng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nhập siêu chứng tỏ kinh tế đang hồi phục

Phóng viên: Thưa ông, việc GDP tăng cao và lạm phát tăng thấp trong 6 tháng qua sẽ tạo những hiệu ứng tích cực nào đến nền kinh tế nước ta?

TS.Trần Du Lịch: Tăng trưởng GDP đạt 6,28% trong 6 tháng qua là diễn biến bình thường, vì dấu hiệu phục hồi kinh tế đã xuất hiện từ năm 2014. Nhưng chỉ số này cũng cho thấy, nền kinh tế nước ta đã vượt qua giai đoạn trì trệ và bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi. Dù mức độ phục hồi còn chậm, nhưng đã được khẳng định. Ngoài ra, chúng ta kiểm soát được giá cả, chỉ số CPI 6 tháng đầu năm so với cuối năm ngoái tăng 0,55% (dự báo là tăng từ 4 - 5%).

Nói cách khác, chúng ta đã thoát khỏi ám ảnh về lạm phát. Chỉ số này rất quan trọng, định hình sự ổn định nền kinh tế. Chúng ta thấy hệ thống tài chính, tín dụng ngân hàng 6 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng tăng trên 6%. Tỷ giá điều chỉnh nhưng sau đó ổn định và kiểm soát được thị trường ngoại hối. Như vậy, yếu tố dễ gây bất ổn vĩ mô đã được kiểm soát và nếu so với một số năm trước đây, chúng ta đang ở thời điểm rất thuận lợi về kinh tế vĩ mô.

Một điểm đáng lưu ý về các chỉ số kinh tế 6 tháng đầu năm, đó là nhập siêu quay trở lại, và tăng nhanh sau 3 năm Việt Nam có xuất siêu. Ông bình luận gì về hiện tượng này?

Trong Nghị quyết của QH về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 đã dự báo năm nay sẽ nhập siêu trở lại, ở mức dưới 5%. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức nhập siêu trong 6 tháng qua là 4,8% - gần tiếp cận chỉ tiêu QH đưa ra. Hiện tượng nhập siêu không nằm ngoài dự kiến. Dù theo lý thuyết, nhập siêu sẽ tạo ảnh hưởng không tốt với nền kinh tế, nhưng trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, thì nhập siêu lại có mặt tích cực, vì chứng tỏ tổng cầu nền kinh tế tăng lên.

Sức mua tăng lên, doanh nghiệp nhập vật tư nguyên liệu trở lại để phục hồi phát triển sản xuất. Nền kinh tế nước ta trong 3 năm gần đây đã xuất siêu liên tiếp, nhưng là diễn biến không bình thường, vì cơ cấu kinh tế nước ta là cơ cấu phải nhập siêu. Muốn chống nhập siêu chúng ta phải thay đổi, tái cơ cấu kinh tế. Trong điều kiện kinh tế Việt Nam chưa tái cấu trúc được, tồn tại tình trạng gia công… thì chúng ta phải nhập siêu.

Phải cạnh tranh bằng năng suất và chất lượng

Hiện nay, nếu ví tăng trưởng kinh tế Việt Nam như một cỗ xe chạy bằng 4 bánh, (khu vực đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và khu vực nông nghiệp), thì nhiều chuyên gia cho rằng, cỗ xe này chỉ đang chạy bằng 1 bánh (tăng trưởng dựa vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài). Ông đánh giá như thế nào về tình trạng này?

Trong giai đoạn bất ổn vừa rồi, doanh nghiệp trong nước gặp rất nhiều khó khăn, nhưng khu vực FDI vẫn duy trì tốc độ phát triển. Tuy nhiên, không phải hoàn toàn khu vực tư nhân trong nước yếu kém, vì vẫn có doanh nghiệp trong nước xuất khẩu hàng tiêu dùng tăng trưởng. Thực tế, do cách làm ăn chủ quan, lãi suất cho vay quá cao, nên nhiều doanh nghiệp không cạnh tranh được, phải dừng hoạt động.

Trong năm 2014 và 6 tháng đầu năm nay, một bộ phận doanh nghiệp phục hồi được, nhưng một bộ phận không phục hồi được. Điều này làm cho khu vực kinh tế trong nước tăng chậm hơn so với khu vực FDI, nhưng khu vực trong nước cũng đang trên đà phục hồi. Mặt khác, dù khối FDI xuất khẩu nhiều, giúp thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của nước ta, nhưng lại là xuất khẩu thô, các sản phẩm gia công.

Cơ cấu tổng kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp này rất lớn, chiếm 70% trong lĩnh vực công nghiệp, song phải tính lại về giá trị gia tăng, tỷ lệ nội địa hóa. Chúng ta cũng không nên đổ tội doanh nghiệp trong nước không đóng góp vào tăng trưởng nhiều, vì doanh nghiệp FDI đâu phát triển trong một nền kinh tế có cơ cấu và mô hình tăng trưởng không còn phù hợp với họ.

Tổng cục Thống kê đánh giá, nhập siêu hiện nay là tích cực do doanh nghiệp hồi phục, mở rộng sản xuất, nhập khẩu trang thiết bị... Nhưng trong quá trình hội nhập sâu hiện nay, quan sát trên thị trường đã thấy nhiều mặt hàng tiêu dùng nhập khẩu từ nước ngoài, rất đa dạng về nguồn gốc. Vậy, doanh nghiệp trong nước sẽ phải vươn lên như thế nào?

Đây là bài toán lớn trong hội nhập, vì năng lực cạnh tranh của nền kinh tế chúng ta khá thấp. Nhưng về mặt chính sách, các cơ quan chức năng cần giúp doanh nghiệp trong nước tăng tỷ lệ nội địa hóa, tận dụng lao động trong nước, để giảm giá thành và chi phí. Phải giúp doanh nghiệp về chính sách để họ nâng năng lực cạnh tranh.

Trong hội nhập chúng ta không thể đóng cửa, mà thuế suất mỗi ngày mỗi giảm từng mặt hàng, vì vậy phải cạnh tranh bằng năng suất và chất lượng, nếu không sẽ có nguy cơ đánh mất thị trường trong nước. Chúng ta phải nhận thức sớm, phải có chính sách thích hợp.

Dù các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản… mới có hiệu lực từ ngày 1.7, nhưng niềm tin của các nhà đầu tư, giới doanh nghiệp đã được nhen nhóm từ cách đây cả năm, vào thời điểm QH xem xét, thông qua những luật này. Vậy theo ông, để những luật này thực sự trở thành những đột phá trong đổi mới thể chế kinh tế, tạo tiền đề cho tăng trưởng, phát triển bền vững, cần có những yếu tố mang tính quyết định như thế nào?

Đây là những đạo luật thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ trong thể chế kinh tế, thị trường. Nhưng sự tác động của các đạo luật này vẫn phụ thuộc vào một loạt nghị định đang được Chính phủ xây dựng. Vì vậy, Chính phủ cần cân nhắc kỹ càng khi ban hành văn bản quy định cụ thể về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được quy định trong Luật Đầu tư năm 2014, để thể hiện rõ tinh thần doanh nghiệp được làm gì mà pháp luật không cấm.

Nếu không khéo thì Luật mở, văn bản dưới Luật khép lại, thì sẽ làm doanh nghiệp thất vọng. Nếu việc triển khai trong thực tế đúng với tinh thần các đạo luật, thì tôi cho rằng, sẽ tạo bước đột phá về mặt thể chế kinh tế. Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước.

Xin cám ơn ông!