Đâu là đáy tăng trưởng?

Theo nhipcaudautu.vn

Tổng sản phẩm nội địa (GDP) 6 tháng đầu năm 2013 chỉ tăng 4,9%, thấp hơn mức tăng 4,93% của cùng kỳ năm ngoái. Một khoảng cách tuy rất nhỏ nhưng cũng đủ để làm nhạt bớt phần nào niềm lạc quan về tăng trưởng năm nay.

Đâu là đáy tăng trưởng?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Chỉ mới nửa chặng đường nên chưa thể nói liệu đoàn tàu có về đích đúng tiến độ hay không. Nhưng hiện tại, một điều có thể cảm nhận là con tàu “tăng trưởng” vẫn chưa thể tăng tốc mạnh hơn.

Trong 6 tháng đầu năm, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ có khu vực dịch vụ là tăng cao hơn năm ngoái, còn 2 khu vực trụ cột là nông - lâm - thủy sản và công nghiệp - xây dựng dường như ngày càng đuối sức khi tăng thấp hơn nhiều so với năm ngoái.

Hai đầu tàu kinh tế lớn nhất nước cũng đã tăng trưởng chậm lại. GDP 6 tháng đầu năm của Hà Nội chỉ tăng 7,67%, nhỉnh hơn một chút so với mức 7,6% của năm 2012. Trong khi đó, GDP của TP. Hồ Chí Minh lại giảm từ 8,1% xuống còn 7,9%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tuy đã tăng nhẹ trở lại, nhưng đây là tháng thứ tư liên tiếp chỉ số này hoặc giảm hoặc tăng nhỏ giọt. Điều này cho thấy sức cầu của nền kinh tế vẫn còn yếu. Việc Ngân hàng Nhà nước liên tục hạ lãi suất trong 6 tháng đầu năm đã không tác động đáng kể đến sức mua của người dân cũng như đầu tư của doanh nghiệp. Điều này một phần là do nền kinh tế còn bị tắc nghẽn ở khâu nợ xấu chưa được giải quyết và sự yếu kém của các ngân hàng.

Lãi suất đầu vào đã giảm, nhưng lãi suất đầu ra chưa giảm nhiều. So với các nước khác trong khu vực, lãi suất của Việt Nam vẫn ở mức cao, hạn chế khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam. Đó là lý do khiến Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đặt ra mục tiêu từ đây đến cuối năm phải đưa lãi suất cho vay đồng loạt xuống dưới 13%/năm. Nhưng thực hiện được điều này không phải dễ vì lạm phát có khả năng sẽ tăng trở lại vào các tháng cuối năm.

Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ như bơm 30.000 tỉ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thành lập công ty mua bán nợ xấu (VAMC) cũng cần có thời gian để phát huy hiệu quả. Sau 1 tháng triển khai, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho biết chỉ mới giải ngân được cho 1-2 trường hợp vay mua nhà từ gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng.

Kinh tế thế giới cũng đang có những chuyển biến mới, có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế trong nước. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết sẽ giảm dần quy mô chương trình mua lại trái phiếu trong năm 2013 và có thể sẽ ngừng hẳn vào năm 2014. Việc FED dừng chương trình này sẽ là việc tốt nếu kinh tế Mỹ phục hồi đúng như dự báo của cơ quan này. Nếu không, thảm họa sẽ xảy ra.

Đó cũng là nỗi lo của nhà kinh tế Paul Krugman. Ông hy vọng kinh tế Mỹ sẽ phục hồi với tốc độ đủ để xóa tan nỗi lo của ông; còn không FED có thể đã phạm một sai lầm mang tính lịch sử. Sự rung lắc của nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu.

Không chỉ vậy, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng đã bắt đầu triển khai chính sách thắt chặt tiền tệ, khiến lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng tăng lên mức 12,85%. Hành động này được cho là một biện pháp để hạn chế tốc độ gia tăng tín dụng, vốn đang ở mức nguy hiểm đối với hệ thống tài chính Trung Quốc. Tuy vậy, với một nền kinh tế quá phụ thuộc vào tín dụng, việc thắt chặt sẽ khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại, gián tiếp ảnh hưởng đến các nước giao dịch thương mại với Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.

Theo Công ty Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 10,8% tổng giá trị xuất khẩu trực tiếp của Việt Nam. Công ty này cho rằng đà suy giảm của Trung Quốc có thể sẽ tác động lớn đến tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn.

Nhìn chung, những chướng ngại cản trở tốc độ tăng trưởng Việt Nam là rất lớn. Tuy vậy, vẫn có một số yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng. Đó là môi trường vĩ mô ổn định hơn nhiều so với năm 2012. Kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm đạt hơn 62 tỉ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 6 tháng đầu năm cũng rất khả quan, cả về lượng đăng ký mới lẫn vốn giải ngân.

Niềm tin của doanh nghiệp cũng tăng lên. Theo báo cáo mới nhất về triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết do Công ty Truyền thông Tài chính StoxPlus thực hiện, có đến hơn 60% các doanh nghiệp đặt chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận cao hơn năm ngoái. Trong đó, tham vọng nhất là các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng. Tuy vậy, giữa mục tiêu đặt ra và kết quả đạt được luôn có khoảng cách. Năm ngoái, chỉ có 34% doanh nghiệp niêm yết trên sàn đạt được mục tiêu đã đề ra.