Để nâng tầm ngân hàng Việt

Theo thoibaonganhang.vn

Theo các chuyên gia NH, việc tăng tổng tài sản sẽ rất khó khăn nếu vốn tự có không tăng được.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, đặc biệt khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) thì áp lực với hệ thống NH Việt Nam không chỉ cạnh tranh về các sản phẩm dịch vụ, công nghệ hiện đại với các NH trong khu vực mà còn từ quy mô nguồn vốn.

TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia NH từng chia sẻ, các NH tầm cỡ khu vực hiện có tổng tài sản tối thiểu 50 tỷ USD, vốn chủ sở hữu khoảng 5 tỷ USD. Trong khi đó ở Việt Nam, NHTM lớn nhất cũng chỉ có vốn chủ sở hữu khoảng 3 tỷ USD.

Một trong những nguyên nhân khiến hệ số CAR của hệ thống TCTD Việt Nam giảm xuống là do tổng tài sản tăng mạnh hơn so với mức độ tăng của vốn chủ sở hữu. Thực tế này đang tạo áp lực buộc một số NH phải tăng vốn.

Công bố mới đây của NHNN về một số chỉ tiêu cơ bản của hệ thống các TCTD cho thấy: đến hết tháng 11/2015, hệ số CAR của hệ thống các TCTD trong tháng 11 cũng giảm từ 13,14% xuống còn 12,95%, tương đương 0,19%. Trong đó, NHTM Nhà nước giảm từ 9,25% xuống còn 9,12%, còn NHTM cổ phần giảm từ 12,99% xuống 12,75%.

Đơn cử như tại BIDV, hệ số CAR tính đến cuối năm 2015 trên 9%. Sự suy giảm của hệ số CAR có thể do NH chưa thực hiện xong việc phát hành riêng lẻ cho một đối tác chiến lược trong năm 2015 theo kế hoạch ban đầu đồng thời do tăng trưởng tín dụng cao.

BIDV cũng là NH niêm yết duy nhất đã chạm trần cho phép của phát hành nợ thứ cấp làm vốn cấp 2. Bởi vậy, theo khuyến cáo của các chuyên gia trong lĩnh vực NH, thì BIDV cần sớm tăng vốn cấp 1 (vốn tự có của TCTD) nếu muốn tiếp tục tăng trưởng do hệ số CAR chỉ dao động trên mức 9%.

Mức vốn các TCTD cần huy động không phải là con số nhỏ do yêu cầu tuân thủ quy định của Basel II có thể áp dụng trong năm 2016 này. Đồng thời, tỷ lệ dư nợ trên vốn huy động (hệ số LDR) thuần cao và lãi dự thu lớn hơn mức bình quân là những vấn đề khác mà các NH lớn, trong đó có BIDV cần giải quyết.

Một NH nữa cũng đang đối mặt với việc giảm hệ số CAR là VietinBank. Trong năm 2015, hệ số CAR của VietinBank giảm về mức 10% trong khi tổng tài sản tăng nhanh 17,8%. Với hệ số CAR chỉ quanh mức 10% vào cuối năm 2015, VietinBank đang chịu áp lực lớn phải gia tăng nguồn vốn sớm, trong bối cảnh Basel II có thể được áp dụng ngay trong năm 2016.

Và theo chuẩn mới này, hệ số CAR của các NH có thể giảm thêm 10 - 20%. Theo đó, các NH có thể sẽ tiếp tục phát hành thêm trái phiếu để tăng vốn cấp 2.

Thừa nhận về sự nhỏ bé về quy mô của các NH nội so với các NH trong khu vực, nhưng theo các chuyên gia NH, việc tăng tổng tài sản sẽ rất khó khăn nếu vốn tự có không tăng được. Như vậy sẽ không đảm bảo CAR.

Lãnh đạo của VietinBank cho biết, thực tế, tổng tài sản của VietinBank có thể tăng vượt lên, nhưng vốn tự có lại thấp. Không thể lơ là thông số này được vì đây là con số đảm bảo sự an toàn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Để hội nhập với khu vực, VietinBank sẽ phải cố gắng phấn đấu vốn chủ sở hữu đạt 3,5 tỷ USD, tương đương 70.000 tỷ đồng vào năm 2017. Theo dự kiến mà lãnh đạo NH này tiết lộ thì những năm tiếp theo, có thể đưa vốn tự có của VietinBank lên mức 5 tỷ USD.

Không chỉ với các NH lớn mà với các nhà băng khác cũng phải chuẩn bị cho kế hoạch tăng vốn. Việc tăng vốn có thể bằng nhiều cách thức như: tái cơ cấu (hợp nhất, sáp nhập), tìm thêm nhà đầu tư, phát hành cổ phiếu. Nhiệm vụ tăng vốn của NH càng gấp rút hơn, nhất là mới đây, thông điệp của NHNN gửi gắm tới toàn hệ thống là năm 2016 các nhà băng phải tăng vốn và áp dụng dần các chuẩn mực quốc tế, nhằm đẩy mạnh quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh.