Đề xuất một số giải pháp trọng tâm thúc đẩy cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước

PV.

Đó là nội dung trọng tâm được trao đổi tại Hội thảo "Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thực chất và hiệu quả" do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 28/6, tại Hà Nội.

Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.

Hội thảo nhằm điểm lại tình hình tái cơ cấu; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước để nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản hiện có; làm rõ tiến độ và thực trạng cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đề xuất một số giải pháp trọng tâm thúc đẩy cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước là 1 trong 3 trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế. Vì vậy, cần thiết phải nâng cao được hiệu quả sử dụng tài sản hiện có của nhà nước.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia kinh tế đều cho rằng, bên cạnh việc thực hiện đúng và đầy đủ các định hướng chính sách mới, cần đưa hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đi vào thực chất, toàn diện trong thời gian tới.

Đồng thời, kiên quyết xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường, bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước, người lao động, an sinh – xã hội, an ninh – quốc phòng, môi trường…; bảo đảm công khai minh bạch, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình thực hiện các chủ trương, giải pháp xử lý các dự án. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, bao gồm các giải pháp về thể chế, chính sách, tăng cường quản trị doanh nghiệp…

Chính phủ cũng cần tăng cường chỉ đạo, hoàn thiện các cơ chế, quy định liên quan đến quyền, nghĩa vụ các bên liên quan trong quá trình tái cơ cấu, đặc biệt là tập trung vào hoạt động cổ phần hóa để khắc phục tồn tại, hạn chế; hướng tới mục tiêu hoàn thành kế hoạch về tiến độ cũng như bảo đảm chất lượng cao, hiệu quả.