"Điều hành chính sách tiền tệ: Còn nhiều thách thức"

Quỳnh Liên

(Tài chính) Đây là nhận định chung được chuyên gia kinh tế - tài chính đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế đất nước vẫn còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp và khó khăn. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phải thận trọng, linh hoạt, quyết liệt và mạnh mẽ trong công tác điều hành…

Nhìn lại năm 2012, điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong diễn biến của nền kinh tế đất nước. Các chính sách điều hành đã có nhiều đổi mới, các công cụ chính sách tiền tệ được điều hành thận trọng, linh hoạt theo lộ trình, bước đi thích hợp, kết hợp với việc đẩy mạnh thanh tra giám sát, bảo đảm an toàn hệ thống, tăng cường minh bạch hóa, thúc đẩy công tác thông tin truyền thông và triển khai Đề án tái cấu trúc hệ thống các tổ chức tín dụng. Minh chứng này có thể so sánh với ngay thời điểm cuối năm 2011, rủi ro bất ổn vĩ mô vẫn ở mức cao như lạm phát, nhập siêu, tỷ giá biến động, lãi suất trong nước tăng cao thì từ đầu quý II/2012 các hoạt động kinh tế lại gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi chính sách vĩ mô của Nhà nước, trong đó có chính sách tiền tệ, phải được điều hành thận trọng linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước.

Điều hành chính sách tiền tệ theo hướng ổn định đã góp phần kiếm soát lạm phát, cải thiện các cân đối kinh tế vĩ mô; Tín dụng đối với nền kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và những lĩnh vực đóng vai trò chiến lược của nền kinh tế như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, giảm tín dụng đối với các lĩnh vực có rủi ro cao như cho vay kinh doanh bất động sản, kinh doanh chứng khoán (Lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ ở mức 9-12%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất - kinh doanh khác và tiêu dùng ở mức 12-15%/năm, trong đó lãi suất cho vay đối với các khách hàng tốt chỉ từ 9-11%/năm); Thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng dần ổn định, thanh khoản cải thiện mạnh mẽ, hệ thống ngân hàng huy động được một lượng tiền đồng lớn từ nền kinh tế do lòng tin vào đồng nội tệ được khôi phục, giúp giảm mặt bằng lãi suất đồng Việt Nam giảm về xấp xỉ mức của năm 2007 là thời điểm trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu; Tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, chính sách tiền tệ năm 2012, vẫn còn nổi lên một số vấn đề cần lưu ý: Với việc thu hẹp tín dụng, hệ số an toàn vốn của toàn hệ thống (VTC/TTSRR) ở mức 14% so với quy định tối thiểu 9% cũng có thể coi như hệ quả tất yếu. Tuy nhiên, so với năm 2011, tỷ lệ đòn bẩy tài chính (tổng tài sản/VTC) vẫn ở mức cao. Theo khuyến nghị và chuẩn mực của Basel III, trong bối cảnh kinh tế suy giảm, tỷ lệ VTC/tổng tài sản sẽ chính xác hơn so với tỷ lệ VTV/TTSRR trong đo lường mức độ “đủ vốn” của các ngân hàng. Ngoài ra, tình trạng sở hữu chéo khiến tổng giá trị thực của vốn tự có thực tế đang nhỏ hơn giá trị được thống kê. Bên cạnh sự quan ngại trong đảm bảo an toàn hoạt động kinh doanh của từng NHTM, tăng trưởng tín dụng thấp, trích lập dự phòng rủi ro cao cũng như “thiếu may mắn” trong các hoạt động phi tín dụng, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến vàng, là những nguyên nhân chính khiến cho lợi nhuận của hệ thống NHTM sụt giảm mạnh và không đạt chỉ tiêu lợi nhuận kế hoạch.

Ngoài ra, do đặc thù kinh tế Việt Nam, kênh tín dụng vẫn chiếm vị trí quan trọng trong sản xuất – kinh doanh nên áp lực dồn lên hệ thống ngân hàng. Hiện nay, các ngân hàng tăng trưởng thấp, nhưng với việc tồn kho cao, các DN suy giảm về tài chính, vì thế các điều kiện đáp ứng vay vốn đối với các tổ chức tín dụng không còn đảm bảo đầy đủ nữa.

Đánh giá thế nào về chính sách điều hành tiền tệ của NHNN trong thời gian qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng, chính sách tiền tệ trong năm 2012 được NHNN điều hành khá thận trọng. Về cơ chế điều hành lãi suất, khi có dấu hiệu căng thẳng thanh khoản trên hệ thống NHNN đã duy trì áp dụng biện pháp hành chính là áp trần lãi suất huy động. Thanh khoản ở một số ngân hàng lớn dần được cải thiện, theo đó các kênh đầu tư vàng, ngoại hối không còn thu hút dòng tiền… Tuy nhiên chúng tôi cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, trong năm 2012, tăng trưởng tín dụng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra là do: Nợ xấu gia tăng, một số TCTD chưa chấp hành nghiêm các quy định về lãi suất huy động tối đa của NHNN.

Nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô của Chính phủ cũng như tăng cường sự lành mạnh, an toàn và hiệu quả của hệ thống ngân hàng trong năm 2013, các chuyên gia kinh tế, tài chính cho rằng, điều hành chính sách tiền tệ cần gắn với việc kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, bình ổn kinh tế vĩ mô; cách thức bảo đảm phát huy tối đa những hiệu quả của công cụ trần lãi suất cho vay; tăng cường thanh tra, giám sát với hệ thống ngân hàng; hướng xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng với phương thức trực tiếp và gián tiếp (liên quan đến chứng khoán hóa các khoản vay); hướng xử lý vấn để sở hữu chéo.

Trong năm 2013, NHNN tiếp tục kiên định trong chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt. Trong điều hành chính sách tiền tệ sẽ phối hợp chặt chẽ với tài khóa, căn cơ trong điều hành để các chính sách vĩ mô khác không ảnh hưởng đến CPI và có thể hỗ trợ được cho tăng trưởng. Song song với đó, lộ trình giảm lãi suất đã được nghiên cứu, tính đến nhưng phải căn cứ vào tín hiệu của lạm phát và cũng cần phải tính đến việc đưa lãi suất về với đúng thị trường khi điều kiện đã chín muồi. Cùng với đó, cần xem xét, tính toán lộ trình, bước đi cho việc lãi suất trở về đúng với lãi suất thị trường.

Trước những thách thức đã được dự báo đối với thị trường tiền tệ năm 2013, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết: NHNN nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng và thống nhất trình Chính phủ phương án điều hành chính sách tiền tệ năm 2013, theo hướng linh hoạt và đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ. Qua đó, đảm bảo kiểm soát lượng tiền cung ứng, các chỉ tiêu tiền tệ như tổng phương tiện thanh toán, tín dụng ở mức hợp lý.

Riêng lãi suất trong năm 2013, NHNN vẫn điều hành theo lạm phát, nếu lạm phát giảm sẽ tiếp tục hạ lãi suất so với mức 8%/năm hiện tại. Theo đó, NHNN tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng để đảm bảo mở rộng tín dụng an toàn, hiệu quả.

Trong  năm 2013, NHNN sẽ hỗ trợ vốn cho các ngân hàng với lãi suất hợp lý  nhằm đẩy mạnh tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, cho phép các tổ chức tín dụng quyết định cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn để thanh toán ra nước ngoài… Tăng cường công tác thanh kiểm tra giám sát thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tín dụng đảm bảo an toàn hệ thống, tránh rủi ro, giảm nợ xấu.