Doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chưa tự tin để hội nhập

PV.

Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra những thách thức và khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đòi hỏi các doanh nghiệp này phải thay đổi để hội nhập thành công.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng hội nhập

Các FTA mang đến cho Việt Nam nhiều cơ hội để phát triển kinh tế nhưng cũng tạo ra không ít thách thức về nhiều mặt. Có thể kể đến những cơ hội và thách thức chủ yếu sau:

Về cơ hội, tham gia các FTA sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu và thay đổi cơ cấu thị trường xuất, nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn; tạo điều kiện để Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng; tạo động lực cho khu vực doanh nghiệp (DN) Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu…

Về thách thức, hạn chế trong năng lực cạnh tranh quốc gia có thể là nhân tố cản trở Việt Nam khai thác những cơ hội mà hội nhập quốc tế mang lại; sức ép cạnh tranh đối với các DN Việt Nam sẽ tăng lên và nguy cơ thất bại ngay trên sân nhà của các DN là rất lớn, trong đó có các DN hoạt động trong ngành chế biến, chế tạo.

Báo cáo về mức độ sẵn sàng tham gia hội nhập quốc tế của doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam của Tổng cục Thống kê thực hiện mới đây cho thấy nhiều tồn tại.

Cụ thể, khảo sát tại 3.500 DN công nghiệp chế biến, chế tạo được chọn ngẫu nhiên, trong đó có 200 DN thuộc nhà nước, 100 DN có vốn đầu tư nước ngoài và 2.200 DN ngoài nhà nước để tiến hành điều tra thì có đến có 94,5% DN cho biết, họ biết đến một hoặc nhiều hiệp định thương mại Việt Nam đã tham gia. Có 5,5% DN không biết đến bất kỳ hiệp định nào.

Bên cạnh đó, tỷ lệ các DN được hỏi biết đến Cộng đồng kinh tế ASEAN đạt cao nhất với 83,8% (16,2% không biết); Tiếp đến là Hiệp định TPP 82,2% (16,8% không biết); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Nhật Bản 66,8% (33,2% không biết); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu 64,1% (35,9% không biết); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc 62,7% (37,3% không biết).

Về mức độ hội nhập, nhiều DN còn khá tự ti về năng lực cạnh tranh của mình. Theo kết quả khảo sát, chỉ có gần 32% DN tự tin cho rằng DN hiện đang mạnh và rất mạnh về chất lượng sản phẩm/dịch vụ. Về khả năng quản lý của DN, cũng chỉ có 26,4% DN đánh giá mạnh và rất mạnh. Về giá thành sản phẩm/dịch vụ và nguồn cung ổn định, chỉ có khoảng 25% DN cho rằng DN tương đối mạnh và rất mạnh. Về vốn đầu tư, tình hình có vẻ kém khả quan nhất vì chỉ có 17,5% DN cho rằng tương đối mạnh và rất mạnh về vốn.

Những dự định chiến lược

Để nắm bắt cơ hội từ hội nhập, các DN công nghiệp chế biến, chế tạo dự kiến chiến lược tập trung vào ba lĩnh vực chính: Nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng sản xuất kinh doanh và tìm kiếm thị trường mới.

Trong tiến trình hội nhập quốc tế, chiến lược nâng cao chất lượng sản phẩm là yếu tố cốt yếu quyết định đến hiệu quả cạnh tranh và phát triển bền vững. Hiện tại, do còn nhiều bất cập về chất lượng sản phẩm so với các DN có vốn đầu tư nước ngoài nên phần lớn các DN trong nước đều ý thức được và dự kiến có chiến lược nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để tham gia hội nhập quốc tế hiệu quả hơn.

Về vấn đề mở rộng sản xuất kinh doanh, hiện DN Việt Nam chủ yếu là các DN nhỏ và vừa, với quy mô vốn nhỏ bé, năng lực về công nghệ thấp, lạc hậu là chủ yếu, vì vậy hầu hết các DN đều mong muốn mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh nhằm tạo cơ hội cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng sản xuất kinh doanh thì tìm kiếm thị trường mới cũng là một trong các mục tiêu hàng đầu DN muốn hướng tới. Bên cạnh đó, nhiều DN xác định cần có chiến lược nâng cấp công nghệ trong thời gian tới.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định để DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tận dụng tốt cơ hội, khắc phục hạn chế thì ngoài nỗ lực của chính cộng đồng DN, còn cần sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước trong việc hoàn thiện các cơ chế chính sách, tạo động lực cho ngành phát triển./.