Giải "cơn khát vốn" cho phát triển xanh

Quang Sơn

Trong bối cảnh nhu cầu vốn cho phát triển xanh ngày càng lớn, nguồn vốn ngân sách còn hạn chế, thì việc huy động vốn từ thị trường chứng khoán là giải pháp đang được trông đợi nhiều...

 Nhu cầu lớn...

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với chiến lược tăng trưởng xanh như hiện nay đang cần nguồn tài chính lớn, khoảng 30 tỷ USD. Đây là nguồn vốn rất lớn, không thể trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước, cần hướng đến việc huy động từ khu vực ngoài nhà nước.

Cùng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2016-2020, chỉ tính riêng 7 tỉnh khu vực miền Trung như: Hà Tĩnh, Nình Thuận, Bình Thuận… đã cần nguồn vốn tới 184.361 tỷ đồng để đầu tư cho tăng trưởng xanh. Thế nhưng, hiện thiếu các chính sách thu hút đầu tư đủ hấp dẫn để huy động các nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh…

Để giải bài toán cho nguồn vốn cho tăng trưởng xanh lớn như trên trong bối cảnh nguồn ngân sách đầu tư từ phía nhà nước còn hạn chế thì việc trông đợi vào kênh huy động vốn trên thị trường chứng khoán là cần thiết.

Tuy nhiên, việc tìm kiếm, huy động các nguồn vốn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức mặc dù nhu cầu vốn lớn. Việc phát triển thị trường vốn xanh ở Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức.

Đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, việc đấu tranh trong đánh đổi giữa bảo vệ môi trường với tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn đang diễn ra tại nhiều doanh nghiệp và phần thắng vẫn là lợi nhuận ngắn hạn. Khó khăn lớn nhất với phát triển chứng khoán xanh là nhận thức của các nhà đầu tư và của các doanh nghiệp hoạt động trên thị trường vốn…

Giải pháp nào giải cơn khát vốn?

Thực tế nhu cầu phát triển xanh, bền vững ở Việt Nam đã định hình, nhưng do mới ở giai đoạn ban đầu, nên việc phát triển các sản phẩm chứng khoán xanh để huy động vốn đang dừng lại ở thử nghiệm.

Trong thời gian qua, tuy đã có một số đợt phát hành trái phiếu xanh ở cấp chính quyền địa phương, nhưng đều vẫn là giai đoạn thí điểm, do Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của việc hoàn thiện các chính sách về tài chính xanh. Nói như vậy có nghĩa là còn rất nhiều việc để làm như: tạo kênh huy động vốn xanh cho các doanh nghiệp, nâng cao nhận thức của cả doanh nghiệp và nhà đầu tư…

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, một trong những yếu tố quan trong thúc đẩy thị trường chứng khoán xanh phát triển tốt là nhu cầu đầu tư vào các sản phẩm chứng khoán xanh ngày một lớn. Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Chuyên gia kinh tế cao cấp, Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng xanh thuộc Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ), trên thế giới, ngày càng nhiều quỹ đầu tư chuyên đầu tư vào các sản phẩm chứng khoán xanh. Thậm chí ở những nước không có các sản phẩm chứng khoán xanh, thì không lọt vào bản đồ triển khai các hoạt động đầu tư của các quỹ đầu tư này.

Tín hiệu tích cực cho Việt Nam là gần đây xuất hiện thêm những quỹ đầu tư quốc tế tiến hành các bước tìm hiểu cơ hội đầu tư về chứng khoán xanh. Một khi cơ hội đầu tư khả thi, họ sẽ rót vốn vào Việt Nam. Điều đó cho thấy việc phát triển các sản phẩm chứng khoán xanh là điều Việt Nam cần thúc đẩy, để kết nối tốt giữa bên cần huy động vốn và bên có vốn- nhà đầu tư.

Để có nguồn vốn cho tăng trưởng xanh, ông Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng, không riêng một cơ quan nào có thể đảm đương được, mà phải có sự phối hợp, phân vai của Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường…

"Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi về thuế, phí để thúc đẩy doanh nghiệp huy động vốn cho mục tiêu đổi mới công nghệ, áp dụng phương thức sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường. Nếu không có cơ chế để giúp doanh nghiệp nhận diện được lợi ích của phát triển xanh, bền vững, thì các chính sách sẽ khó có tính khả thi…" -  ông Trương Đức Trí đề xuất.

Nhìn nhận việc huy động vốn qua thị trường chứng khoán cho mục tiêu phát triển xanh gặp nhiều thách thức, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị, cần có các cơ chế ưu đãi về phí, thuế trong quá trình triển khai các dự án phát triển xanh, qua đó giúp nhà đầu tư nhìn thấy lợi ích, thì mới bỏ vốn vào đầu tư.

“Cũng cần thúc đẩy để sớm có công ty định mức tín nhiệm nội địa ra đời và hoạt động, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát hành chứng khoán xanh. Nếu doanh nghiệp phải thuê công ty định mức tín nhiệm nước ngoài, thì chi phí cao sẽ khiến họ e ngại trong phát hành” - , ông Phạm Xuân Hòe cho biết.

Giải đáp đề xuất của các chuyên gia về cần có giải pháp nâng cao vai trò của thị trường chứng khoán với tư cách là kênh huy động vốn, nhất là nguồn vốn trung và dài hạn cho tăng trưởng xanh, Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho biết, các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu 2018 (COP 24), đã đi đến đồng thuận về các hướng dẫn thực thi Thỏa thuận Biến đổi khí hậu Paris 2015.

Trong bối cảnh đó, cùng với thị trường tài chính các nước không đứng ngoài các nỗ lực này, trên thị trường tài chính Việt Nam đang nghiên cứu các chính sách, đưa ra các sáng kiến về tài chính để hỗ trợ cho các nỗ lực huy động vốn thực hiện các chiến lược về chống biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Trong lĩnh vực tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Tài chính thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 tại Quyết định số 2183/QĐ-BTC của Bộ Tài chính.

Gần đây nhất, tại Quyết định số 948/QĐ-UBCK, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã ban hành Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh giai đoạn tiếp theo 2019- 2020 trong lĩnh vực chứng khoán. Việc Việt Nam tham gia các thỏa thuận, các diễn đàn trao đổi và xây dựng các chính sách tài chính xanh là minh chứng cho các nỗ lực của ngành tài chính hướng tới phát triển một thị trường tài chính xanh…