Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa

THS. Trần Thị Thanh Tâm

Chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp hiện nay tuy nhiều nhưng theo đánh giá đa số các nhóm chính sách khi triển khai tổ chức thực hiện gặp nhiều vướng mắc. Đánh giá tác động hỗ trợ của các chính sách, bài viết đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nhiều chính sách hỗ trợ chưa phù hợp với quy mô nhỏ

Thực hiện chủ trương của Đảng, tại Nghị quyết số 14-NQ/TW ngày 18/3/2002 do Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX ban hành, tiếp tục đề cập tới vấn đề đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và phát triển kinh tế tư nhân, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Trên cơ sở đó, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách trợ giúp phát triển DNNVV trong các lĩnh vực: Hỗ trợ tài chính tín dụng; mặt bằng sản xuất kinh doanh; đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ; xúc tiến mở rộng thị trường; hỗ trợ mua sắm công; thông tin và tư vấn; Trợ giúp phát triển nguồn nhân lực, chính sách phát triển vườn ươm DN; các chính sách hỗ trợ về thuế, pháp lý…

Đồng thời, thành lập được hệ thống cơ quan hỗ trợ DNNVV từ Trung ương đến địa phương. Kịp thời ban hành các quyết sách nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các DN, đặc biệt đối tượng DNNVV để phát triển sản xuất kinh doanh: Miễn, giảm, giãn thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường và tiền thuê đất, áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập DN 20% từ ngày 1/07/2013 đối với DNNVV…

Các chính sách trên đã giúp DNNVV có cơ sở để mạnh dạn đầu tư và tiếp cận với các nguồn lực của đất nước. Các DN đăng ký, gia nhập thị trường dễ dàng hơn. Lồng ghép việc hỗ trợ DNNVV vào các chính sách, chương trình của các bộ, ngành và địa phương.

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia thì khung pháp lý hỗ trợ DNNVV còn chung chung và thiếu cụ thể chủ yếu mang tính định hướng. Chính sách hỗ trợ tuy nhiều nhưng còn manh mún, thiếu đồng bộ, các ưu đãi được thực hiện nhỏ lẻ, không tạo được đột phá.

Hệ thống các chính sách hỗ trợ DNNVV còn tản mát, thiếu trọng tâm. Mục tiêu chính sách chưa nhất quán, các chính sách hiện hành dường như chưa tập trung hỗ trợ việc đăng ký kinh doanh, tạo điều kiện cho khởi nghiệp chứ chưa có nhiều vai trò trong hỗ trợ sự tăng trưởng của các DNNVV. Trong một số trường hợp, DNNVV có thể được ưu đãi hơn so với các DN lớn nhưng chính do sự ưu đãi này thường làm cho các DNNVV có tâm lý trông đợi nhiều hơn là tiếp cận nguồn lực).

Theo tính toán, 6/8 nhóm chính sách hỗ trợ lồng ghép trong các ngành, lĩnh vực có đối tượng hỗ trợ rộng, chưa cụ thể hoặc chưa dành riêng cho DNNVV, nội dung chưa phù hợp với quy mô DN; Hơn 80% chính sách, chương trình trợ giúp DNNVV không có đánh giá kết quả sau hỗ trợ và thiếu các tiêu chí đánh giá tác động của chính sách đối với các chương trình hỗ trợ. Đa số các nhóm chính sách triển khai tổ chức thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Điển hình như về hỗ trợ tiếp cận tài chính: Vấn đề bảo lãnh tín dụng cho DNNVV khó thực hiện, cho hệ thống quỹ bảo lãnh tín dụng ở Việt Nam đã được điều chỉnh khá nhiều lần, bằng nhiều văn bản quy định ở nhiều cấp độ khác nhau nhưng đến nay vẫn chưa phù hợp; Quỹ phát triển DNNVV ở Việt Nam vẫn chưa chính thức đi vào hoạt động mặc dù đã có quyết định thành lập hơn 2 năm qua.

Hỗ trợ về thị trường cũng đạt hiệu quả kém, do hoạt động không ổn định vì hệ thống pháp luật về hợp đồng, thực thi hợp đồng, giao dịch đảm bảo chưa rõ ràng, cơ chế giải quyết tranh chấp và rút khỏi thị trường chưa đáng tin cậy…

Một số chương trình khác như: Trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các DNNVV, chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, chương trình thương hiệu quốc gia, chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN, chương trình cung cấp thông tin hỗ trợ DN, hỗ trợ DN sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, chương trình hỗ trợ thông tin nhằm đổi mới công nghệ cho DNNVV… nhìn chung hiệu quả còn thấp, tác động chưa thể hiện rõ, hoạt động trợ giúp chưa có trọng tâm, trọng điểm.

Nguyên nhân và những giải pháp đặt ra

Nhìn chung, nhiều chính sách hỗ trợ DNNVV đã được ban hành song việc áp dụng vào thực tiễn cuộc sống đạt hiệu quả chưa cao, bởi hệ thống cơ quan triển khai thực hiện còn yếu, việc triển khai lại chậm trễ, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan. Mức độ triển khai chính sách trợ giúp DNNVV ở cấp địa phương còn hạn chế, thủ tục hành chính phiền hà vẫn là cản trở đối với DNNVV. Chính sách thì không đủ mạnh để khuyến khích các DN phát triển ở những lĩnh vực, địa bàn có rủi ro cao…

Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức về vai trò, vị trí của DNNVV có nơi vẫn còn chưa đúng, đầy đủ và nhất quán. Tâm lý đại bộ phận xã hội chưa hẳn đã thấu hiểu, gắn bó lâu dài với khu vực DNNVV. Cụ thể như:

Một là, môi trường kinh doanh, đầu tư chưa thực sự thông thoáng, bình đẳng, công bằng. Việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, cải cách thể chế và cơ chế, chính sách đã được đẩy mạnh song hiệu quả thực tiễn còn chưa cao. Còn tình trạng “nợ đọng” văn bản hướng dẫn luật và chủ trương, chính sách hỗ trợ DNNVV.

Hai là, mô hình hệ thống tổ chức và cách thức hỗ trợ phát triển cũng chưa phù hợp. Vai trò chủ trì, đầu mối hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân còn rải rác, phân tán ở nhiều bộ, ban ngành trung ương và địa phương, khiến cho tính liên thông, kết nối, triển khai thiếu đồng bộ; bộ máy “hỗ trợ” theo kiểu hành chính công chưa hiệu quả, hạn chế nỗ lực hỗ trợ của Nhà nước.

Ba là, còn thiếu vắng các DN có quy mô vừa. Hiện DN quy mô vừa chỉ chiếm khoảng 2%, còn lại 95-96% là DNNVV và siêu nhỏ. Sự thiếu vắng DN có quy mô vừa và lớn đã khiến cho DN Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bốn là, năng lực của các đơn vị đầu mối trợ giúp DNNVV còn yếu và thiếu. Một số cơ quan quản lý Nhà nước các cấp chưa làm tròn chức năng, nhiệm vụ. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành; giữa trung ương và địa phương còn nhiều hạn chế.

Năm là, những yếu kém xuất phát từ nội tại DNNVV: DNNVV phát triển còn manh mún, quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, tình trạng vi phạm pháp luật diễn ra phổ biến. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý chưa thật mạnh mẽ. Cơ cấu ngành, lĩnh vực hoạt động của khu vực DNNVV còn chưa hợp lý.

Nhằm hạn chế những tồn tại trên, giới chuyên gia cho rằng trong thời gian tới cần triển khai thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện và đảm bảo tính ổn định, đồng bộ, phù hợp, hiệu quả, hiệu lực của khung pháp lý, cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Thứ hai, xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển về kinh tế tư nhân theo hướng kết hợp hài hòa giữa tiêu chí số lượng và chất lượng, tái cơ cấu hệ thống sản xuất và dịch vụ ở khu vực này, chú trọng cơ cấu DNNVV với quy mô vừa, quy mô lớn thích ứng mô hình hình tăng trưởng mới của nền kinh tế theo hướng phát triển dựa vào khoa học và công nghệ cao, nguồn nhân lực chất lượng cao, giá trị gia tăng cao và tham gia sâu vào chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu.

Thứ ba, tạo bước đột phá và có cơ chế chính sách để DNNVV tiếp cận vốn vay, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay cho DNNVV. Từng bước thay thế các hình thức trợ giúp phát triển DNNVV theo kiểu “cấp phát xin cho” bằng các hình thức ưu đãi “chọn gửi, giao khoán, đấu thầu, đặt hàng” theo đúng nguyên tắc thị trường, tập trung vào các lĩnh vực, ngành, hàng mà Nhà nước có chiến lược phát triển cả về trước mắt và lâu dài.

Thứ tư, tăng cường quản lý thị trường nội địa, chú trọng bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, chống gian lận thương mại, trốn thuế, chuyển giá, phá giá, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ nhằm đảm bảo công bằng, minh bạch trong cạnh tranh thương mại và đầu tư theo các cam kết quốc tế.

Thứ năm, xây dựng hệ thống thông tin thị trường trợ giúp DNNVV mở rộng thị trường thông qua tổ chức hoạt động hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại trong khu vực và nước ngoài.

Thứ sáu, DNNVV cần chủ động nâng cao năng lực hoạt động quản trị điều hành – tài chính, khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng DNNVV năng động, linh hoạt và hiệu quả, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của loại hình này trong nền kinh tế quốc dân.