Giải pháp ứng phó với tranh chấp thương mại khi tham gia TPP

Ngô Thị Tú Anh - Đại học Labobe, Đại học Hà Nội

Hiệp định Đối tác Xuyên Thái bình dương (TPP) là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có các cam kết theo chiều sâu với các tiêu chuẩn đặt ra cao hơn liên quan đến những ưu đãi lớn về thuế, hàng rào phi thuế… nên luôn tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp thương mại. Điều này đang đặt ra cho Việt Nam nhiều việc phải làm để chuẩn bị ứng phó với tranh chấp thương mại và giải quyết hiệu quả loại hình tranh chấp này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nguy cơ tranh chấp thương mại từ TPP

Với việc được 12 nước thành viên chính thức ký kết Hiệp định TPP, đánh dấu mốc mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam khi tham gia vào sân chơi chung rộng lớn với tổng giá trị chiếm tới 40% kinh tế toàn cầu và đóng góp cho GDP thế giới gần 300 tỷ USD/năm. Quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước thành viên TPP sẽ phát triển mạnh trong tương lai, trong đó Việt Nam là một trong những nước được đánh giá sẽ hưởng lợi lớn, nhất là các lĩnh vực dệt may, da giày, đồ gỗ.

Ngoài ra, TPP cũng sẽ kéo theo dòng vốn đầu tư vào Việt Nam từ các nước trong khối TPP và cả các nước ngoài khối. Các nhà đầu tư ngoài khối TPP sẽ đầu tư vào Việt Nam nhằm hưởng lợi ưu đãi thuế quan, giá nhân công rẻ, chi phí nguyên liệu đầu vào thấp và các ưu đãi khác.

Tuy nhiên, các quy định chặt chẽ về quy tắc xuất xứ, hàm lượng nội khối và tỷ lệ nội địa hóa sẽ gây ra không ít thách thức đáng kể với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, các quy định chặt chẽ về bảo vệ môi trường, đối xử với lao động và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (chẳng hạn như chống tình trạng hàng giả, hàng nhái kể cả các loại linh kiện, phụ tùng thay thế cũng có thể bị làm giả, làm nhái, vi phạm chỉ dẫn địa lý, vi phạm bản quyền tác giả…) sẽ đặt ra yêu cầu rất cao đối với doanh nghiệp trong nước. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam có thể đối mặt với nguy cơ cao phải giải quyết các tranh chấp thương mại với các nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, các điều khoản trong Hiệp định TPP trao quyền cho các tập đoàn tư nhân nước ngoài có thể khởi kiện chính sách của quốc gia hay các hành vi vi phạm của quốc gia nhận đầu tư liên quan đến khoản đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư này có quyền không áp dụng các thiết chế giải quyết tranh chấp tại nước nhận đầu tư mà ưu tiên sử dụng các thiết chế trọng tài quốc tế. Do vậy, có thể sẽ xảy ra trường hợp các nước nhận đầu tư phải đền bù những khoản tiền không nhỏ cho các nhà đầu tư nước ngoài trong các vụ kiện theo các cơ chế giải quyết tranh chấp nhà nước và nhà đầu tư trước các thiết chế trọng tài quốc tế. Thậm chí, nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể lợi dụng cơ chế khởi kiện này để gây sức ép buộc các cơ quan quản lý nhà nước của nước nhận đầu tư thông qua chính sách có lợi cho họ, từ đó gây ra sự bất bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài (do chỉ nhà đầu tư nước ngoài được quyền kiện nhà nước).

Báo cáo của Tổ chức Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc (UNTACD) công bố mới đây cho thấy, trong số các vụ kiện nảy sinh, 60% các nước đang phát triển và các nền kinh tế đang chuyển đổi là bị đơn do các nguyên đơn là các nhà đầu tư nước ngoài đến từ các quốc gia phát triển khởi kiện theo các điều khoản giải quyết tranh chấp này. Trong số các vụ khởi kiện về tranh chấp đầu tư trong năm 2014, các nhà đầu tư Mỹ đứng thứ 2 (5 vụ kiện) trong số các nguyên đơn khởi kiện sau nhà đầu tư Hà Lan (7 vụ kiện) và ngang bằng với Anh (5 vụ kiện).

Theo các chuyên gia kinh tế, cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại trong TPP là cơ chế có độ mở cao kết hợp được cả cơ chế của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và cơ chế của TPP. Các thành viên TPP đồng thời là thành viên WTO nếu có tranh chấp, có thể lựa chọn cơ chế giải quyết tranh chấp theo TPP mà không nhất thiết phải theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO. Bên nguyên đơn có quyền đề xuất cơ chế hay diễn đàn giải quyết tranh chấp này. Vấn đề được ưu tiên trước hết ở hợp tác và tham vấn để giải quyết thỏa đáng các vấn đề liên quan đến giải thích và áp dụng Hiệp định, đặc biệt là các vấn đề gây tranh cãi hay những vấn đề bất đồng. Biện pháp khắc phục thiệt hại thường là các hình thức bồi thường, tạm ngừng các ưu đãi và thanh toán một khoản tiền ấn định…

Một số kiến nghị

Theo thỏa thuận, đến tháng 02/2018, TPP sẽ có hiệu lực trong 12 quốc gia thành viên, do vậy Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong việc ứng phó với tranh chấp thương mại nội khối thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp. Trong thời gian tới, Việt Nam cần chú trọng triển khai thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần nỗ lực trong việc ngăn ngừa tranh chấp phát sinh thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức nguy cơ bị khởi kiện nói riêng và hiểu đúng bản chất của các cam kết trong TPP nói chung đối với các cơ quan Nhà nước, các cán bộ phụ trách lĩnh vực đầu tư nước ngoài tại địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Theo các chuyên gia kinh tế, việc phòng ngừa tranh chấp có thể phát sinh ngay từ các bước ban đầu là rất quan trọng như tuân thủ đúng quy trình thủ tục cấp phép, thẩm định, giải thích rõ ràng các chính sách ưu đãi của địa phương và pháp luật Việt Nam và tinh thần hợp tác tốt để giải quyết tranh chấp với các nhà đầu tư nước ngoài khi có hiểu lầm phát sinh.

Thứ hai, tăng cường công tác nghiên cứu, phân tích, rà soát, đối chiếu giữa các cam kết trong TPP với các cam kết của các hiệp định hoặc thỏa thuận khác, quy định pháp luật trong nước và cả quy định pháp luật của các quốc gia thành viên. Cần xây dựng cổng thông tin hoặc diễn đàn trao đổi, thảo luận, hỏi đáp, hội thảo, tọa đàm, tập huấn về TPP với sự tham vấn của đội ngũ chuyên gia pháp luật quốc tế, có hiểu biết sâu rộng về thương mại quốc tế. Chú trọng việc trang bị kiến thức về TPP, thương mại quốc tế và các quy định pháp luật quốc tế, tiếng Anh chuyên nghiệp ít nhất ở mức tối thiểu trước hết đối với đội ngũ doanh nhân, nhà quản lý trung, cao cấp của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần của Việt Nam bằng hình thức đào tạo, tập huấn thích hợp để giảm thiểu cảc tranh chấp có thể xảy ra do thiếu hiểu biết đầy đủ và chính xác các quy định về nghĩa vụ trong TPP.

Thứ ba, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực đủ mạnh để ứng phó với tranh chấp thương mại, thông qua việc xây dựng đội ngũ trọng tài viên theo đúng tiêu chuẩn của TPP và đội ngũ chuyên gia luật am hiểu về quy định của các tổ chức trọng tài quốc tế. Do đó, cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng các cán bộ đủ năng lực làm trọng tài viên, nhằm chuẩn bị đủ lực lượng về số lượng và chất lượng thích ứng nhanh với yêu cầu thực thi hiệp định. Cần phát huy vai trò của Trung tâm trọng tài quốc tế của Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong hỗ trợ pháp lý về TPP đối với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tích cực chuẩn bị đội ngũ chuyên gia, luật sư nắm được quy định của các tổ chức trọng tài quốc tế về thủ tục và quy trình giải quyết tranh chấp tại trọng tài.

Thứ tư, tăng cường trao đổi, cử các đoàn khảo sát, học tập kinh nghiệm thực tế ở nước ngoài về tranh chấp thương mại để áp dụng tại Việt Nam. Chú trọng quan sát, theo dõi cách thức tổ chức thực hiện cụ thể của các nước thành viên trong triển khai TPP, tích cực phối hợp với các thành viên nội khối trao đổi về cơ chế và cách thức ứng phó cũng như sự vào cuộc của các cơ quan quản lý theo hướng ưu tiên hòa giải nhằm giải thiểu tối đa hậu quả do tranh chấp thương mại gây ra.

Tài liệu tham khảo:


1. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 04/2014/QĐ-TTg ngày 14/1/2014 về quy chế phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế;

2. PGS.,TS. Nguyễn Thường Lạng, Chuẩn bị thích nghi với cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại nội khối (2015), Đại học Kinh tế Quốc dân;

3. ThS. Bạch Thị Nhã Nam, Vào TPP, tránh nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ (2016);

4. Thư viện pháp luật, Toàn văn nội dung về Hiệp định TPP (2015);

3. Một số website: chinhphu.vn, moit.gov.vn, tapchitaichinh.vn…