Giảm tỷ lệ chi trực tiếp cho y tế từ túi hộ gia đình xuống 40%

Hoàng Bảo

(Tài chính) Đấy là mục tiêu mà lộ trình Bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân đặt ra đến năm 2020, trên cơ sở từng bước đổi mới cơ chế tài chính theo hướng đầu tư trực tiếp cho người thụ hưởng dịch vụ y tế thông qua hình thức hỗ trợ tham gia BHYT.

Chuyển dần từ “trợ cấp” sang “đầu tư”

Thực tiễn sau hơn 20 năm thực hiện chính sách BHYT, nhất là sau một thời gian thực hiện Luật BHYT 2008 cho thấy việc đổi mới cơ chế tài chính y tế thông qua BHYT là quyết định đúng đắn, Việt Nam đang từng bước tiếp cận tới mục tiêu BHYT toàn dân, xây dựng hệ thống y tế Việt Nam theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển.

Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho biết: Tính đến cuối năm 2013, cả nước có 61,67 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ gần 69% dân số, số người tham gia BHYT tăng khoảng 15 triệu người so với thời điểm trước khi Luật BHYT có hiệu lực. Ngân sách hiện đang hỗ trợ khoảng 70% số đối tượng tham gia BHYT với số tiền chiếm khoảng 45% tổng số thu BHYT. Trong đó: Hỗ trợ 100% mức đống cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội; Hỗ trợ 70% mức đống cho người cận nghèo, từ 1/1/2013 ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho một số đối tượng thuộc gia đình cận nghèo mới thoát nghèo trong thời gian 5 năm, người thuộc gia đình cận nghèo đang sinh sống tại 61 huyện nghèo và các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao; Hỗ trợ 30% mức đóng cho nhóm Học sinh, sinh viên. Người nghèo, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi đã được quan tâm trong tiếp cận, trong thụ hưởng các dịch vụ y tế ngay từ tuyến y tế cơ sở… Cơ chế tài chính, giá dịch vụ y tế từng bước điều chỉnh và đang chuyển dần cơ chế trợ cấp của Nhà nước từ việc đầu tư ngân sách trực tiếp cho cơ sở khám chữa bệnh sang việc hỗ trợ người dân mua BHYT.

Đặc biệt, để đảm bảo hơn nữa quyền lợi cho người tham gia BHYT, ngày 13/6/2014, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Theo đó, có nhiều điểm mới quan trọng có tính đột phá mạnh mẽ để khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, tạo cơ chế pháp lý để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân như: Quy định bắt buộc tham gia BHYT, khuyến khích người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình; Quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi của người tham gia BHYT, đặc biệt là đối tượng người nghèo, dân tộc thiểu số, bảo trợ xã hội, thân nhân người có công, người dân đang sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn, các xã đảo, huyện đảo không phải cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh BHYT; giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống còn 5% với một số đối tượng thân nhân người có công, người thuộc hộ gia đình cận nghèo; quy định cụ thể hơn trách nhiệm của các bên liên quan trong thực hiện BHYT…

“Đây là kết quả thực hiện chủ trương và chính sách về y tế thông qua việc thay đổi cơ chế hỗ trợ của Nhà nước cho khám chữa bệnh, từng bước chuyển chi ngân sách cho các bệnh viện sang hỗ trợ trực tiếp cho người dân, đồng thời huy động sự tham gia đóng góp của xã hội và người dân tham gia BHYT”, bà Tống Thị Song Hương nhận định.

Giảm tỷ lệ chi của người bệnh xuống 40%

Đó là mục tiêu mà Đề án “Thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020” mong muốn đạt được vào năm 2020, trên cơ sở bảo đảm cân đối thu – chi quỹ BHYT, từng bước đổi mới cơ chế tài chính theo hướng đầu tư trực tiếp cho người thụ hưởng dịch vụ y tế thông qua hình thức hỗ trợ tham gia BHYT.

Theo bà Tống Thị Song Hương, với tỷ lệ bao phủ hiện nay, còn khoảng 30% dân số, tức trên 30 triệu người chưa có thẻ BHYT, phải tự trả viện phí khi đi khám chữa bệnh. Trong số đó, ước khoảng 5-7 triệu người thuộc nhóm lao động hưởng lương ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước; số còn lại là người lao động tự do ở khu vực nông thôn và khu vực đô thị (còn gọi là lao động phi chính thức). Để hỗ trợ cho người dân và tiết giảm tỷ lệ chi trực tiếp cho y tế từ túi người dân xuống còn 40%, đặt ra yêu cầu cần phải quyết liệt trong các giải pháp mở rộng đối tượng tham gia, tăng tỷ lệ bao phủ BHYT. Bên cạnh đó, nghiên cứu, áp dụng các phương thức thanh toán phù hợp, thay thế cho phương thức thanh toán theo phí dịch vụ đang sử dụng hiện nay. Cụ thể xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản do BHYT chi trả vừa đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, đảm bảo tính chi phí – hiệu quả, phù hợp với khả năng chi trả các quỹ BHYT.

Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về BHYT và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, bảo đảm tính đồng bộ trong thực hiện chính sách BHYT như: Giá dịch vụ y tế, tự chủ tài chính trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, xã hội hóa trong y tế; đồng thời với thúc đẩy xây dựng và triển khai các chương trình y tế, các đề án về giảm tải bệnh viện, đề án nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đề án bệnh viện vệ tinh, đề án bác sĩ gia đình…