Gỡ những “nút thắt”, đẩy nhanh thoái vốn tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước

PV.

(Tài chính) Từ nay đến cuối năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải thoái toàn bộ vốn ngoài ngành. Để đẩy nhanh tiến trình thoái vốn, mới đây, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp mang tính đột phá nhằm giúp cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có thể thực hiện được việc thoái vốn theo đúng lộ trình.

Việc thoái vốn dưới mệnh giá/giá trị sổ sách kế toán phải dựa trên nguyên tắc hạn chế tối đa tổn thất đầu tư và bảo toàn vốn Nhà nước ở mức cao nhất. Nguồn: internet
Việc thoái vốn dưới mệnh giá/giá trị sổ sách kế toán phải dựa trên nguyên tắc hạn chế tối đa tổn thất đầu tư và bảo toàn vốn Nhà nước ở mức cao nhất. Nguồn: internet

Thoái vốn vẫn chậm

Thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, 9 tháng đầu năm 2014 các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã thoái 3488 tỷ đồng (gấp 3,6 lần so với con số 956 tỷ đồng năm 2013). Như vậy, tính chung cả năm 2013 và 9 tháng năm 2014, các tập đoàn, tổng công ty mới thoái được trên 4.400 tỷ đồng trên tổng số hơn 21.000 tỷ đồng vốn đầu tư cần thoái.

Trong cuộc họp báo mới đây của Bộ Tài chính, trao đổi với báo chí về tiến độ thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tập đoàn, tổng công ty chưa đạt so với mục tiêu đề ra, ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN cho biết, mặc dù tiến độ thoái vốn chưa đạt được mục tiêu đề ra, nhưng trên thực tế 9 tháng đầu năm nay, tiến độ đã tăng gấp 3 đến 3,5 lần so với năm trước. Nhiều ý kiến cũng nhận định, đây là kết quả hết sức ấn tượng trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường chứng khoán.

Đánh giá về nguyên nhân gây chậm trễ thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, TS. Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh cho rằng, trước đây, quá trình cổ phần hóa vướng bởi yêu cầu DN phải bảo toàn vốn khi thoái vốn. Trong khi đó, trong bối cảnh thị trường chứng khoán khó khăn thì chắc chắn các tập đoàn, tổng công ty xác định chấp nhận phần vốn thoái sẽ bị lỗ và đương nhiên là không bảo toàn được vốn. Đây là nguyên nhân khiến ngay từ đầu các tập đoàn, tổng công ty ngại thoái vốn.

Tuy nhiên, hiện nay “nút thắt” này cũng đã được gỡ phần nào nhờ Nghị quyết 15/NQ-CP khi Chính phủ cho phép DN được thoái vốn dưới mệnh giá và dưới giá trị sổ sách sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất đầu tư. Trong khi đó, theo ông Đặng Quyết Tiến, bên cạnh nguyên nhân chủ yếu là do thị trường còn nhiều khó khăn, khiến các DN khó tìm được khách hàng đủ điều kiện tiến hành bán cổ phần thì tâm lý e ngại trách nhiệm khi mua vào giá cao, nhưng bán ra giá thấp và công tác tổ chức thực hiện của các DNNN, tập đoàn, tổng công ty cũng là những nguyên nhân chính khiến thoái vốn chưa đạt tiến độ.

Trên một góc nhìn khác, theo TS. Trần Du Lịch, hiện vẫn có những đơn vị có các khoản đầu tư ngoài ngành sinh lời vẫn khá tốt nên không muốn bán và xin giữ lại thêm vài năm nữa. Chuyên gia này cho rằng, trong một số trường hợp, không cần thiết phải nôn nóng bán tống bán tháo tài sản với giá rẻ. Nếu vì đảm bảo tiến độ hoàn thành thoái vốn vào cuối năm 2015 mà bị lỗ, câu hỏi lớn đặt ra ai sẽ chịu trách nhiệm khi không bảo toàn được nguồn vốn Nhà nước, do vậy, việc thoái vốn cần được xử lý thận trọng, không được quá nôn nóng.

Nhiều giải pháp đẩy nhanh thoái vốn

Có thể nói, trong thời gian qua, vấn đề thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã nhận được sự quan tâm đặc biệt. Thủ tướng Chính phủ đã thường xuyên có những cuộc họp bàn với Ban chỉ đạo nhằm đưa ra những cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho quá trình thoái vốn của DN như việc ban hành Nghị quyết 15/2014/NQ-CP ngày 06/3/2014 và các cơ chế chính sách khác nhằm hướng dẫn thoái vốn đúng giá thị trường mà vẫn đảm bảo tuân thủ pháp luật.

Mới đây nhất, ngày 15/9/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg về một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của DNNN. Theo đó, việc thoái vốn dưới mệnh giá/giá trị sổ sách kế toán phải dựa trên nguyên tắc hạn chế tối đa tổn thất đầu tư và bảo toàn vốn Nhà nước ở mức cao nhất, đồng thời DN phải trích lập bổ sung cho đủ dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính. Quyết định cũng quy định mức điều chỉnh giảm giá bán tối đa để các DN chủ động trong quá trình thoái vốn, cụ thể: đối với cổ phiếu đã niêm yết có thị giá dưới mệnh giá thì bán theo biên độ quy định trên sàn. Nếu sau 3 tháng không bán hết thì giảm giá bán tối đa 10% so với bình quân giá giao dịch thành công của 15 ngày trước đó để bán thỏa thuận.

Trong khi đó, đối với DN chưa niêm yết được định giá thấp hơn mệnh giá thì tổ chức bán cổ phần công khai. Trong trường hợp không thành công, DN có thể bán thỏa thuận với giá không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất (trường hợp giá khởi điểm bán đấu giá lần đầu không thành công). Trong trường hợp thỏa thuận không thành công thì mức giả khởi điểm để bán lần 2 giảm tối đa không quá 10% so với giá khởi điểm lần đầu. Ngoài ra, Quyết định cũng đưa ra phương án xử lý đối với cổ phần không bán được/không bán hết. Theo đó, Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ thực hiện mua cổ phần với giá bằng mệnh giá trong trường hợp không bán được cổ phần trong lần đầu đấu giá cổ phần. Đối với số cổ phần không bán được hết thì SCIC mua cổ phần tại giá đấu thành công thấp nhất (mua ngay sau khi bán đấu giá) hoặc tại giá thỏa thuận thành công thấp nhất (trường hợp bán thỏa thuận không hết)...

Hiện nay, không ít ý kiến băn khoăn về việc các khoản vốn thoái đều bán dưới giá sổ sách sẽ gây thất thoát nhiều cho Nhà nước. Tuy nhiên, theo TS. Trần Du lịch, nếu cứ đặt vấn đề “được – mất” thì sẽ không thể thoái vốn được. Điều quan trọng lúc này là cần nhìn tình hình thực tế như: DN có bán được hay không, thị trường có ủng hộ hay không... Cũng chuyên gia này cũng cho rằng, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty hiện rất muốn thoái vốn để giảm gánh nặng tài chính, tập trung vào sản xuất kinh doanh, bởi đến thời điểm này họ đã nhận ra cái giá phải trả cho các hoạt động đầu tư ngoài ngành của mình.