Sửa đổi, bổ sung các luật thuế:

Góp phần đẩy nhanh tiến trình cải cách thủ tục hành chính

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế hầu hết các đại biểu cho rằng việc sửa luật là cần thiết nhằm phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nướcvà cam kết của Việt Nam đã ký kết với quốc tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sửa đổi các luật thuế góp phần đẩy nhanh tiến trình cải cách

Về cơ bản các đại biểu tán thành với các nội dung cần sửa đổi của các luật thuế theo tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội.

ĐB Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi), Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận),… đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính trong thời gian qua đã quyết liệt cải cách thủ tục hành chính theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết 19 của Chính phủ, vì vậy chỉ số nộp thuế của Việt Nam đã tăng mạnh, từ hạng 172 lên 168. Đây là thành quả bước đầu đáng khích lệ.

Đề cập tới ý nghĩa của việc sửa đổi luật, ĐB Phúc khẳng định “Việc trình sửa đổi bổ sung một số điều của các luật thuế nằm trong nỗ lực trên, góp phần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, đồng thời góp phần điều chỉnh các mục tiêu kinh tế vĩ mô của nhà nước, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nội địa hóa, khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường quản lý thuế, khắc phục tình trạng gian lận thuế”.

Chính vì vậy, ĐB Phúc tin tưởng sau lần sửa đổi luật này thì chỉ số nộp thuế của Việt Nam sẽ tiếp tục được cải thiện.

Cần đảm bảo tính ổn định của chính sách

Các ĐB cũng đề nghị bổ sung thêm một số điểm cho phù hợp với thực tế, đảm bảo tính công bằng về nghĩa vụ nộp thuế của mọi tổ chức, cá nhân, khắc phục tình trạng nợ thuế, trốn thuế, chiếm dụng tiền thuế, đồng thời đảm bảo tính công khai, minh bạch, thuận lợi cho người nộp thuế và cho cơ quan quản lý thuế. Các ĐB lưu ý việc xây dựng chính sách pháp luật về thuế cần có tính ổn định nhất định; ngoài ra cần đánh giá tác động toàn diện của việc thay đổi các chính sách thuế đối với đời sống kinh tế xã hội, chứ không chỉ tác động tới ngân sách nhà nước.

ĐB Nguyễn Cao Phúc và ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) đều đánh giá cao quy định không hoàn thuế GTGT đối với các dự án đầu tư khai thác tài nguyên khoáng sản được cấp phép từ ngày 1/1/2016, hoặc dự án đầu tư sản xuất hàng hóa mà tổng giá trị tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 50% trở lên theo dự án đầu tư.

Tuy nhiên, ĐB Phúc đề nghị, cần cân nhắc thêm việc căn cứ vào mức dự án đầu tư 5% chi phí tài nguyên, vì dễ bị nhà đầu tư lợi dụng đưa ra chi phí đầu vào không chính xác, làm thay đổi chi phí đầu vào thấp để hưởng chính sách ưu đãi.

Đề cập tới việc sửa đổi luật thuế TTĐB, theo ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc), việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô cần cân nhắc để đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp, cũng như Nhà nước. Ngành sản xuất ô tô trong nước chi phí đang cao hơn 20% so với các nước trong khu vực nên nếu giảm thuế sẽ không thể hỗ trợ doanh nghiệp trước sức ép cạnh tranh. “Thu ngân sách cũng sẽ bị bất lợi vì dòng xe nhỏ được giảm trong khi dòng xe này chiếm hơn 70% thị phần, xe được nhập ồ ạt làm gây áp lực lên hạ tầng giao thông và việc làm của người lao động. Việc ban hành chính sách cần hài hòa đảm bảo lợi ích của các bên liên quan” - ĐB Thủy nói.

Cùng chung quan điểm, ĐB Đặng Thế Vinh (Hậu Giang) cũng bày tỏ băn khoăn bởi việc giảm thuế đối với ô tô sẽ khuyến khích tiêu dùng trong khi hạ tầng đô thị không đảm bảo. ĐB Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) cũng đề nghị cần cân nhắc thêm tác động của việc giảm thuế đối với ô tô đến cân đối ngân sách bởi sẽ làm ngân sách nhà nước giảm thu.